Để không còn tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu phía Bắc

Q.Hùng| 25/12/2021 05:30

Trong những ngày vừa qua, hàng nghìn xe chở nông, thủy sản sang Trung Quốc liên tục bị ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới. Lý do mà phía Trung Quốc đưa ra là để phòng, chống dịch Covid-19. Để tránh tình trạng đã xảy ra rất nhiều lần này, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật tình hình các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động điều chỉnh nhịp độ xuất khẩu hàng hóa". Ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trao đổi như vậy với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn.

Ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

* Thưa ông, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc?

- Ngay khi nhận được thông tin về khả năng có thể dẫn tới ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc, Bộ Công Thương đã  điện đàm rồi hội đàm trực tuyến với các đối tác phía Trung Quốc và 10 lần làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để tìm giải pháp thúc đẩy thông quan. Đầu tháng 12, Bộ trưởng Bộ Công Thương một lần nữa có thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Thương mại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Tây đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới. 

* Để tránh tình trạng tương tự, Bộ Công Thương có những giải pháp gì thưa ông? 

- Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là khi phía Trung Quốc có những chính sách đột xuất tác động đến việc thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc luôn phối hợp, hỗ trợ các địa phương biên giới phía Bắc trao đổi với chính quyền địa phương phía bạn và các cơ quan có chức năng giải quyết ách tắc hàng hóa. Chúng tôi tăng cường nắm bắt và phổ biến những quy định mới của Trung Quốc cho các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro và tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trang web của Bộ Công Thương và thông tin của Bộ Công Thương gửi đến các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp để cùng phối hợp định hướng sản xuất nông, thủy sản phù hợp với nhiều thị trường và thông tin kịp thời tình hình biên mậu, cụ thể là việc đưa hàng hóa lên cửa khẩu phía Bắc. Chúng tôi cũng tăng cường phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu.

5434435435-4394-1640321666.jpg

* Theo ông thì doanh nghiệp cần phải làm gì để hàng hóa xuất sang Trung Quốc không bị ứ đọng?

- Bộ Công Thương đã thường xuyên thông tin, nhiều lần có văn bản khuyến cáo doanh nghiệp cũng như đề nghị các địa phương nắm vững thị trường Trung Quốc để tổ chức sản xuất, cập nhật tình hình để chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu. Đặc biệt phải chuyển nhanh sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch. 

* Và việc đa dạng hóa thị trường có phải là một giải pháp? 

- Ngoài các phương thức mua bán truyền thống, doanh nghiệp nên tăng cường ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường ở các nước, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản, như chương trình tháng khuyến mãi năm 2021 chẳng hạn. Các địa phương có nông, thủy sản với sản lượng lớn cần tăng cường kết nối với hệ thống phân phối trong nước như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Vinmart, Postmart, Aeon, Mega Market... Việc chế biến sâu cũng rất quan trọng để nâng cao giá trị nông sản Việt.

Chúng tôi khuyến nghị, khi có tình huống phát sinh ngoài ý muốn xảy ra, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nên kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để cùng phối hợp xử lý.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để không còn tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu phía Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO