ĐBSCL: Thiếu nguồn thầy giỏi

01/05/2010 06:57

Đây là hiện trạng chung của nhiều trường ĐH tại ĐBSCL. Nhiều giảng viên giỏi, sau 5 năm phục vụ tại địa phương đã chuyển về trường ĐH khác.

ĐBSCL: Thiếu nguồn thầy giỏi

Đây là hiện trạng chung của nhiều trường ĐH tại ĐBSCL. Nhiều giảng viên giỏi, sau 5 năm phục vụ tại địa phương đã chuyển về trường ĐH khác.

Để nâng cao chất lượng đào tạo cần có sự đầu tư từ nhiều phía, song người thầy đóng vai trò quyết định. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về đổi mới giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 do Trường ĐH Tây Đô tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 29/4.

Khó thu hút

TS. Phạm Châu Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, nhận định: “Người thầy có vai trò quyết định chất lượng đào tạo trong các trường ĐH”.

TS. Long giải thích: Một giảng viên giỏi sẽ không ra một bài kiểm tra để xem sinh viên có nhớ bài hay không, hoặc cao hơn nữa là có hiểu hay không, mà sẽ quan tâm đến sức tác động và sinh viên sẽ tiếp nhận bài kiểm tra đó như thế nào. Vì thế, thời gian qua, việc tuyển chọn giảng viên tại ĐH này phải đạt bằng tốt nghiệp loại khá trở lên và phải có kỹ năng giảng dạy.

Tuy thấy được vai trò quan trọng của giảng viên nhưng thực trạng giáo dục ĐH ở khu vực ĐBSCL không dễ thu hút được nhiều giảng viên giỏi có tâm huyết.

Một số trường nhỏ ở những địa phương còn khó khăn như Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang thì rất khó nói tới vấn đề nâng cao chất lượng.

Thạc sĩ Hà Hồng Vân, hiệu trưởng trường, trăn trở: “Đội ngũ giảng viên hiện có của trường vừa yếu lại vừa thiếu. Hầu như những giảng viên giỏi được đào tạo sau khi thực hiện xong cam kết phục vụ 5 năm tại địa phương cũng bỏ đi về những trường khác lớn hơn...”.

Thêm vào đó, tâm lý của học sinh nếu thi rớt các ĐH lớn mới về trường địa phương nên trường này thu hút được những sinh viên chất lượng rất thấp, khó có thể nâng cao chất lượng.

Để giải bài toán giảng viên ĐH tại ĐBSCL, có ý kiến cho rằng cần thường xuyên hoán đổi giảng viên giữa các trường trong khu vực. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ý tưởng này không thỏa đáng vì nhiều trường trong khu vực sẽ dựa vào đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Cần Thơ và sẽ làm cho chất lượng đào tạo của trường này bị yếu đi... Theo thứ trưởng, mỗi trường phải tự đào tạo cho mình một đội ngũ giảng viên giỏi và xem đó là vấn đề mang tính sống còn.

Huy động “ngoại lực”

Đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên

Đào tạo kỹ năng cho sinh viên cũng là vấn đề được ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, đóng góp tại hội thảo. Theo ông Minh, ngoài những kỹ năng giao tiếp và chuyên ngành, hầu như ít có nơi nào chú ý đào tạo cho sinh viên kỹ năng lãnh đạo.

“Một sinh viên mới ra trường cũng có thể sẽ trở thành người lãnh đạo ở một đơn vị trong tương lai. Nếu các em có được kỹ năng này khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì quá tốt” - ông Minh nói.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị cần “xã hội hóa”, huy động “ngoại lực” để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Ông Trần Mạnh Hùng, giảng viên Trường ĐH Bạc Liêu, đóng góp: Hiện nay ở nhiều địa phương không hiếm những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ đang công tác tại các sở, ban, ngành.

Các trường ở địa phương có thể hợp đồng với họ để giảng dạy. Ngoài lợi thế là học vị cao, những người này có kinh nghiệm thực tế. “Thời gian qua, ở Bạc Liêu cũng đã áp dụng phương án này khá thành công” - ông Hùng cho biết thêm.

Theo ông Ngô Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Xi măng Tây Đô, một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng là nhà trường phải hợp tác với các doanh nghiệp để có điều kiện cho sinh viên thực tập.

Ông Lâm cho biết: Thời gian qua, Công ty Xi măng Tây Đô là một trong những đơn vị thường xuyên nhận sinh viên của Trường ĐH Tây Đô vào thực tập, qua đó công ty có thể tuyển chọn những người có khả năng nhận vào làm việc lâu dài. Việc này không chỉ giúp sinh viên làm quen với công việc mà còn giúp các em cọ xát trong môi trường có tính cạnh tranh cao. Đó cũng là hành trang tốt sau khi ra trường...

Kết luận hội thảo, PGS-TS Trần Quang Quý nhấn mạnh mỗi trường phải tạo dựng được “thương hiệu” bằng cách chọn cho mình mô hình đào tạo có chất lượng để giới thiệu và cam kết với xã hội. Để từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ĐBSCL: Thiếu nguồn thầy giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO