ĐBSCL sẽ đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước

22/07/2009 07:53

Vùng kinh tế trọng điểm này phải gắn với qui hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và các ngành kinh tế khác, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

ĐBSCL sẽ đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước

Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ)này phải gắn với qui hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và các ngành kinh tế khác, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến năm 2020 VKTTĐ sẽ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước

Sáng 21/7, tại TP. Cần Thơ diễn ra hội nghị giao ban Ban chỉ đạo điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo điều phối vùng chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Là vùng năng động, hiện đại, Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) phát triển sẽ là đầu tàu thúc đẩy cả vùng ĐBSCL phát triển. Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần chú ý xây dựng hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong vùng và cả nước; chú ý bổ sung chi tiết qui hoạch đường bộ cao tốc qua vùng; qui hoạch tuyến đường bộ ven biển, đường sắt và đường thủy trong vùng.

VKTTĐ quan tâm phát triển lưới điện đến cấp xã, bảo đảm đủ điện sinh hoạt; ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học – công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp; đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải. VKTTĐ cần phối hợp thực hiện công tác đào tạo, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao, thu hút cán bộ khoa học-kỹ thuật trình độ cao về công tác; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; phối hợp tổ chức tốt xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch chung cho các địa phương trong vùng.

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả; sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng ổn định, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Năm 2006 – 2008, tốc độ tăng trưởng của vùng đạt 13,57%/ năm. Đến năm 2020 VKTTĐ sẽ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng. Không chỉ là trung tâm dịch vụ giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, thương mại và du lịch, VKTTĐ còn là trung tâm năng lượng lớn với 3 trung tâm điện lực lớn là Ô Môn (Cần Thơ), Cà Mau và Kiên Lương (Kiên Giang), là cầu nối giúp khu vực ĐBSCL hội nhập với thế giới.

Hội nghị đề ra mục tiêu: đến năm 2010 khu vực nông lâm thủy sản chiếm 29,4% và giảm xuống 15% năm 2020 ; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,7% năm 2010 và tăng lên 40% năm 2020 ; khu vực dịch vụ chiếm 41,9% năm 2010 và tăng lên 45% năm 2020. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong tiến trình hiện đại hoá, phấn đấu đạt bình quân 20%/năm; nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo, đạt khoảng 65% vào năm 2020; phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hoá của vùng kinh tế trọng điểm 46% năm 2020. Bên cạnh đó, đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 đạt gấp 1,2 lần và thời kỳ 2011 – 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước; tăng tỷ lệ đóng góp trong GDP của cả nước từ 10,5% hiện nay lên khoảng 11,6% năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD. Ngay từ nay, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không để kết nối VKTTĐ với cả nước và khu vực Đông Nam Á. Chú ý phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các trung tâm công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông phẩm; đẩy mạnh đào tạo nhân lực, chú ý bảo đảm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia mũi nhọn của vùng.

Mở rộng giao thương kinh tế với các nước; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Về phía Nhà nước, tiếp tục đầu tư cho các công trình liên quan đến phát triển vùng như Quốc lộ 1A, đường N1, N2... các cảng sông, biển, hàng không; tạo điều kiện đầu tư các công trình như đường cao tốc, xây dựng cảng, nạo vét luồng sông; nâng mức hỗ trợ cho các địa phương, cho các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trong vùng.

Vùng KTTĐ ĐBSCL được thành lập theo quyết định 492 ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Vùng KTTĐ ĐBSCL cùng với 3 vùng KTTĐ Bắc Bộ, Miền Trung, Phía Nam đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Vùng nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc bao gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và An Giang với tổng diện tích hơn 16.600 km2, dân số khoảng 6,4 triệu người.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều bày tỏ niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân khi vùng KTTĐ vùng ĐBSCL được Chính phủ thành lập. Đây là cơ sở quan trọng để ĐBSCL bứt phá đi lên. Hiện các địa phương đã thành lập các tổ điều phối, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội để xứng tầm với yêu cầu là vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa cơ chế chính sách để vùng phát triển ngang tầm với nhiệm vụ, trong đó các bộ ngành Trung ương cần đầu tư tập trung hơn nữa vào phát triển cơ sở hạ tầng nhất là giao thông và nguồn nhân lực cho vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ĐBSCL sẽ đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO