Đầu tư PPP: Nên cân bằng lợi ích

26/10/2010 06:16

Các dự án PPP sẽ hấp dẫn hơn nếu Chính phủ hạn chế được những rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đầu tư PPP: Nên cân bằng lợi ích

Các dự án PPP sẽ hấp dẫn hơn nếu Chính phủ hạn chế được những rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Một số dự án PPP

Ông Nick Merritt, thành viên Hội đồng Tư vấn Pháp lý về tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á, thuộc Tập đoàn Norton Rose (Anh).

Tại hội thảo “Hợp tác Nhà nước - Tư nhân, cơ hội cho Việt Nam dưới góc nhìn của các doanh nghiệp Anh quốc” do Đại sứ quán Anh tổ chức vào đầu tuần qua, bà Kate Harrison, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Anh, cho biết, trong 12 năm qua, Anh đã có hơn 900 dự án, với số vốn đầu tư (đã được phê chuẩn) từ khu vực tư nhân vào khoảng 100 triệu USD. Đó là cơ sở để Anh chia sẻ kinh nghiệm hợp tác PPP giữa lúc Việt Nam đang tìm kiếm nguồn tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút các dự án PPP (dự án hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân)? NCĐT đã trao đổi với ông Nick Merritt, thành viên Hội đồng Tư vấn Pháp lý về tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á, thuộc Tập đoàn Norton Rose (Anh), xung quanh vấn đề này.

Việt Nam đang thí điểm một số dự án PPP. Ông có thể cho biết những rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án này?

Thứ nhất là rủi ro tài chính. Các dự án PPP thường kéo dài, trong khi ngân sách nhà nước không theo nổi. Đây là rủi ro rất lớn đối với nhà đầu tư tư nhân.

Rủi ro kế tiếp là về đất đai. Mức độ sở hữu đất đai thường là khác nhau giữa các địa phương, khu vực. Đặc biệt khi chuyển giao đất, luôn có sự ràng buộc về mặt pháp lý và thủ tục còn khá rườm rà. Điều này đã làm chậm quá trình giải phóng mặt bằng.

Và một rủi ro nữa là đấu thầu. Thủ tục đấu thầu của dự án PPP sẽ mất nhiều thời gian hơn là một dự án thiết kế xây dựng thông thường. Ngoài ra, các hợp đồng PPP rất phức tạp, nên đòi hỏi phải có một khung pháp lý rõ ràng. Việt Nam lại không có sẵn các loại bảo hiểm thương mại đối với những lĩnh vực mà dự án yêu cầu như hư hỏng vật liệu xây dựng, trì hoãn khởi công, bảo hiểm rủi ro chính trị. Vì thế, dự án PPP càng kéo dài thì rủi ro càng cao.

Việt Nam phải chuẩn bị những gì để một dự án PPP có thể thành công?

Việt Nam nên chuẩn bị danh mục dự án có tính khả thi cao. Đặc biệt, nên chọn những dự án ít đòi hỏi về kỹ thuật và tài chính để làm thí điểm PPP. Muốn thành công, PPP phải hội đủ 4 yếu tố: hành lang pháp lý chuẩn, thể chế tương đối toàn diện, có thị trường tài chính phát triển và các cơ quan chuyên trách thực sự minh bạch.

Trước mắt, Việt Nam cần đảm bảo các cơ quan nhà nước phải hiểu đầy đủ bản chất của hình thức đầu tư PPP. Thứ 2, các công ty xây dựng và tư vấn địa phương bắt buộc phải tham gia đấu thầu theo hình thức liên danh để trợ giúp lẫn nhau về năng lực thiết kế, vốn và quản lý dự án, nhất là khi dự án PPP có vòng đời thường kéo dài từ 25 - 30 năm.

Điều cần lưu ý là khi làm các hợp đồng dự án, nhà đầu tư phải luôn tính đến yếu tố thị trường, đồng thời quy định rõ vai trò và quan điểm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trường hợp rủi ro xảy ra.

Xung đột lợi ích trong đầu tư PPP lớn hơn so với các hình thức đầu tư khác. Vậy kinh nghiệm của ông trong việc hạn chế các xung đột đó như thế nào?

Tại Anh, khi tham gia đấu thầu, các nhà đầu tư sẽ phải thông qua cơ chế đấu thầu. Trong đó, hợp đồng cần ghi rõ dự án thuộc lĩnh vực nào và nguyên vật liệu tại thời điểm đó có giá bao nhiêu. Sau đó họ đặt hạn mức thời gian để điều chỉnh giá cả (từ 3 - 5 năm). Ví dụ, dự án về cảng biển kéo dài 25 năm và giá thép lúc ký hợp đồng là 100 USD/tấn, nhưng 5 năm sau, giá đã giảm xuống còn 25 USD/tấn. Như vậy, nhà đầu tư tư nhân và Chính phủ buộc phải điều chỉnh lại giá trị hợp đồng đấu thầu.

Đó là điều khoản giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia, thông qua việc đảm bảo không thu quá nhiều lợi nhuận hay phải gánh nhiều khoản lỗ sau khi dự án hoàn thành. Rõ ràng, nhà đầu tư tư nhân sẽ không tham gia vào PPP khi họ cảm nhận được mức độ rủi ro lớn do yếu tố thị trường đem lại.

Cuối cùng là vấn đề chống tham nhũng nhằm đảm bảo sự minh bạch trong quá trình triển khai dự án PPP. Các nhà đầu tư tư nhân luôn muốn mọi con số phải được hạch toán. Chính phủ phải cam kết rằng mọi khoản đầu tư thực sự phải đến các dự án, thay vì chảy vào túi các cá nhân.

Lĩnh vực nào tại Việt Nam mà các nhà đầu tư Anh đang quan tâm?

Trước tiên, chúng tôi cần biết rõ Chính phủ Việt Nam cần gì ở chúng tôi. Các dự án sẽ trở nên hấp dẫn đối với chúng tôi khi có được câu trả lời rõ ràng từ Chính phủ về vấn đề góp vốn đầu tư, mức thanh toán trước khi dự án hoàn thành cũng như những hỗ trợ của Chính phủ. Đặc biệt là vấn đề trợ giá đất vì giá đất ở Việt Nam khá cao. Nhà đầu tư Anh hiện quan tâm đến tất cả các lĩnh vực, nhưng sẽ ưu tiên về lĩnh vực cảng biển, nhiệt điện, xử lý nước thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư PPP: Nên cân bằng lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO