Đại biểu Quốc hội gắn bó với cử tri

30/03/2011 09:43

Chiều 29/3, sau tám ngày làm việc, Quốc hội (QH) bế mạc kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói: “Nhiệm kỳ QH khóa XII đang dần khép lại, nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp chắc sẽ còn đọng mãi.

Đại biểu Quốc hội gắn bó với cử tri

Chiều 29/3, sau tám ngày làm việc, Quốc hội (QH) bế mạc kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói: “Nhiệm kỳ QH khóa XII đang dần khép lại, nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp chắc sẽ còn đọng mãi.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút biểu quyết chiều 29/3 - Ảnh: Lê Kiên

Nhìn lại chặng đường gần bốn năm hoạt động, chúng ta có thể nói rằng với tâm niệm phải làm gì để xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân, các vị đại biểu QH đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ảnh với QH, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước”.

Trước giờ bế mạc, với đa số tán thành, QH lần lượt thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phòng chống mua bán người và Luật kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, QH đã không thông qua dự án Luật thủ đô. Ở phần biểu quyết dự luật này, QH với 452 đại biểu có mặt (chiếm 91,68% tổng số đại biểu QH) chỉ có 177 đại biểu (35,9%) bấm nút tán thành, 221 đại biểu (44,83%) không tán thành và 54 đại biểu (10,95%) không biểu quyết.

Dự án điện hạt nhân: xem xét thận trọng việc chọn địa điểm, công nghệ

Sáng 29/3, tại phiên họp toàn thể của QH, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, những kinh nghiệm rút ra từ sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản) và việc xử lý sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin).

Theo ông Nhân, sau khi được QH chấp nhận chủ trương đầu tư ngày 25/11/2009, đến nay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ban hành năm văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để cụ thể hóa nội dung Luật năng lượng nguyên tử và nghị quyết của QH. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do một phó thủ tướng đứng đầu. Chính phủ cũng đã ký hiệp định hợp tác liên chính phủ về hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với Liên bang Nga.

Chia sẻ với áp lực của tòa án, viện kiểm sát

Sáng 29/3, không có nhiều ý kiến phát biểu nên QH đã kết thúc sớm phiên thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao. Các đại biểu QH nêu bức xúc của cử tri về hàng trăm trường hợp thẩm phán, kiểm sát viên bị cảnh cáo, đuổi khỏi ngành, thậm chí bị truy tố trong nhiệm kỳ vừa qua do vi phạm pháp luật nhưng đa số ý kiến đã bày tỏ sự chia sẻ với nhiều khó khăn, áp lực mà hai ngành này phải đối mặt.

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo đàm phán với Liên bang Nga về hiệp định chiến lược xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ hạt nhân. Đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Chính phủ đang chỉ đạo đàm phán với Nhật Bản hiệp định tín dụng và chuẩn bị các điều kiện khác. Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý viện trợ không hoàn lại 2 tỉ yen (tương đương 25 triệu USD) để lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Dự kiến tháng 12/2014 khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, phát điện năm 2020. Đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, khởi công tháng 5/2015, phát điện năm 2021.

“Các bộ Khoa học - công nghệ, Công thương, Tập đoàn Điện lực VN nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ sự cố của Nhật Bản trong quá trình lập dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Trong quá trình chỉ đạo chiến lược phát triển năng lượng, để đảm bảo an ninh năng lượng, cần tính toán đề xuất cơ cấu hợp lý các loại nguồn điện, tránh xảy ra thiếu hụt trầm trọng khi gặp sự cố với hàng loạt nguồn cung cấp... Việc lựa chọn địa điểm xây dựng cũng như công nghệ cần được xem xét thận trọng, trong đó có tính đến tất cả yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy, kể cả những trường hợp rủi ro nhất như động đất, sóng thần, máy bay đâm vào và những sự cố trùng lặp, đồng thời của các yếu tố động đất, sóng thần hay các yếu tố khác nhằm đảm bảo tính an toàn cao nhất” - Phó thủ tướng nói.

Vinashin: thanh tra xong sẽ báo cáo QH

Đối với vụ Vinashin, ông Nhân nói Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện và đến nay đã hoàn thành thanh tra, đang hoàn thiện báo cáo để trình Thủ tướng. Những cá nhân nguyên là lãnh đạo và cán bộ liên quan của tập đoàn, Bộ Công an cùng các cơ quan thi hành pháp luật đã tiến hành điều tra, khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Đến nay công tác điều tra vẫn đang tiến hành, củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có báo cáo của thanh tra, Chính phủ sẽ tiến hành xử lý nghiêm minh và báo cáo QH. “Nếu các đại biểu QH quan tâm những nội dung ngoài báo cáo thì xin gửi yêu cầu cụ thể, Chính phủ sẽ có báo cáo bằng văn bản gửi từng đại biểu QH” - Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho hay: tại các phiên thảo luận của QH, một số đại biểu đã đề nghị thành lập ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm liên quan đến vụ việc ở Vinashin. Chiều 28/3, Ủy ban Thường vụ QH đã họp, thảo luận nhiều mặt và kết luận rằng vụ việc đã và đang được các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước xử lý nên QH không thành lập ủy ban lâm thời để điều tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại biểu Quốc hội gắn bó với cử tri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO