Cũng là nhất

13/07/2011 06:51

Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành nước gia công lớn nhất thế giới các sản phẩm của Nike. Tuy nhiên, mức thu nhập của công nhân tại đây vẫn đang ở đáy khu vực.

Cũng là nhất

Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành nước gia công lớn nhất thế giới các sản phẩm của Nike. Tuy nhiên, mức thu nhập của công nhân tại đây vẫn đang ở đáy khu vực.

Sau gần 17 năm hoạt động tại Việt Nam, nay Nike đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 70 triệu đôi giày thể thao trong năm 2011

Ngày 4/7, trang web wantchinatimes.com của Trung Quốc đăng tin Việt Nam giành vị trí quán quân về gia công hàng cho Tập đoàn Thời trang Thể thao Nike (Mỹ). Năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc cùng chiếm 36% tổng sản lượng của Nike trên toàn cầu. Nhưng trong năm 2010, Việt Nam chiếm 37% so với mức 36% của Trung Quốc, theo Báo cáo Tài chính năm 2010 của Hãng này công bố hôm 31/5. Và Việt Nam, Trung Quốc cùng Indonesia đã chiếm tới 94% tổng sản lượng của Nike toàn cầu trong năm qua. Sau gần 17 năm hoạt động tại Việt Nam, nay Nike đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 70 triệu đôi giày thể thao trong năm 2011.

Tuy nhiên, có một nghịch lý. Đó là trong khi Việt Nam đã trở thành thị trường gia công hàng Nike lớn nhất thế giới thì công nhân vẫn có mức thu nhập thuộc hàng thấp nhất so với các thị trường khác trong khu vực. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, lương trung bình của công nhân Việt Nam tại các nhà máy gia công hàng may mặc và da giày của các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc chỉ xấp xỉ 90 USD/tháng. Mức lương này là mức gần cuối bảng tại châu Á, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 87,5 USD/tháng tại Campuchia.

Trong khi đó, công nhân tại Indonesia được trả 158 USD/tháng, Trung Quốc 260 USD/tháng, Thái Lan 295 USD/tháng, Philippines 312 USD/tháng, Malaysia 612 USD/tháng, Ðài Loan 840 USD/tháng và Singapore 1.614 USD/tháng. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng đình công đòi tăng lương xảy ra ngày càng nhiều tại Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, chỉ trong nửa đầu năm nay, đã có tới 440 vụ đình công diễn ra tại 23 tỉnh, thành, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010.

Ngày 24/6, hơn 1.000 công nhân Công ty Sản xuất Da giày Pou Yuen (100% vốn Đài Loan) ở quận Bình Tân, TP.HCM đã đình công vì bất mãn với mức lương, thưởng hiện tại. Vào những ngày cuối năm 2010, gần 20.000 công nhân Công ty Tae Kwang Vina (Hàn Quốc) chuyên gia công giày Nike ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng đã đồng loạt ngưng làm việc vì sau nhiều lần khiếu nại về mức lương thấp, bữa ăn trưa kém chất vẫn không được giải quyết.

Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã đề xuất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng như nhau giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phương án này đang chờ Chính phủ phê duyệt. Nếu được phê duyệt, từ ngày 1/10/2011, lương tối thiểu cho vùng I là 1.900.000 đồng/tháng, vùng II là 1.730.000 đồng/tháng, vùng III là 1.550.000 đồng/tháng và vùng IV là 1.400.000 đồng/tháng. Trong đó, thứ tự vùng I đến IV được xếp theo khu vực địa lý từ các đô thị phát triển đến những địa phương thuộc vùng sâu, xa nhất trong cả nước.

Trong cùng thời điểm này, hơn 4.000 công nhân công ty Namyang (Hàn Quốc) chuyên sản xuất sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Khu Công nghiệp Amata, Đồng Nai cũng đình công do bức xúc vì thu nhập không theo kịp mặt bằng giá cả. “Tôi cho rằng đây cũng chính là những rào cản khiến các công ty đa quốc gia có thể tính đến giải pháp chuyển hướng đầu tư trở lại Trung Quốc hay những nơi khác trong khu vực”, ông Alyson Warhurst, Tổng Giám đốc Công ty Phân tích Rủi ro Toàn cầu Maplecroft (Anh), nhận xét trên trang tin Bloomberg hôm 16/6.

Trước tình hình đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 1/7, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Minh Huân cho biết Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ thực hiện việc tăng lương sớm hơn 3 tháng so với lộ trình. Việc tăng lương này dựa trên 4 tiêu chí: tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP), mặt bằng tiền lương và mức sống tối thiểu.

Việc điều chỉnh tăng lương được đề xuất khá rộng: tăng thêm 500.000-570.000 đồng so với mức lương cũ đối với doanh nghiệp trong nước và thêm từ 300.000 đến 380.000 đồng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Huân cho biết, việc điều chỉnh lương nói trên đã tính đến khả năng trả lương của các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao thì chắc không quan tâm đến việc tăng lương này. Còn các doanh nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động thì khả năng việc điều chỉnh lương sẽ gặp khó khăn vì giá sản phẩm đầu ra của họ không tăng”, ông Huân nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cũng là nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO