![]() |
Một trong những lý do khiến các dự án BT hấp dẫn nhà đầu tư, theo các chuyên gia kinh tế là bởi chúng ít rủi ro. Vai trò của nhà đầu tư BT được ví không khác gì nhà thầu xây dựng được thuê làm mà không cần phải qua đấu thầu.
Đọc E-paper
Những ồn ào quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy (thuộc quốc lộ 1A đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang) thời gian gần đây không phải là trường hợp đầu tiên liên quan đến các công trình hạ tầng được đầu tư theo phương thức BOT (Build Operate Transfer: xây dựng - vận hành - chuyển giao) hay BT (Build Transfer: xây dựng - chuyển giao).
Trước đây, BOT cầu đường Bình Triệu đã gây tranh cãi về thời hạn thu phí, đặt trạm, đại lộ Phạm Văn Đồng tiến hành theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) tại TP.HCM từng gây bức xúc trong việc xác định giá trị 5 khu đất hoán đổi cho nhà đầu tư Hàn Quốc, Tập đoàn GS E&C.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, không thể phủ nhận đóng góp của khu vực tư nhân trong việc phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua. Theo ước tính của Bộ Giao thông - Vận tải, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 lên tới gần 1 triệu tỷ đồng nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng. Cho nên vấn đề là làm thế nào để thu hút được các nguồn lực xã hội để giảm gánh nặng ngân sách trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. BT hay BOT được xem là phương thức phổ biến mà khu vực tư nhân chọn để chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông.
Cùng với BOT (hoàn vốn bằng phương thức thu phí), gần đây, đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng đang nở rộ, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Có thể điểm qua một số dự án BT được đề xuất trong thời gian qua như cầu Thủ Thiêm 4 tại TP.HCM có tổng mức đầu tư 5.253,94 tỷ đồng do liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 đề xuất. Hay mới đây, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng về việc chọn nhà đầu tư BT để cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai dài 24km, quy mô 4 - 6 làn xe, có tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án này, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chỉ định Công ty CP Đầu tư Louis Group làm nhà đầu tư. Được biết, Louis Group là pháp nhân đại diện cho liên danh các nhà đầu tư Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư phát triển và Dịch vụ thương mại Đại An.
Một trong những lý do khiến các dự án BT hấp dẫn nhà đầu tư, theo các chuyên gia kinh tế là bởi nhà đầu tư xây xong thì bàn giao ngay cho Nhà nước nên ít rủi ro. Vai trò của nhà đầu tư BT được ví không khác gì nhà thầu xây dựng được thuê làm mà không cần phải qua đấu thầu. Đặc biệt, mấu chốt của hình thức BT là nhà đầu tư thường chọn "đổi đất lấy hạ tầng" nên phương thức hoàn vốn luôn gắn liền với việc khai thác các khu đất Nhà nước giao.
Trước thực tế quỹ đất ngày càng khan hiếm, cách làm này giúp nhà đầu tư có được quỹ đất mà không phải thông qua đấu giá hoặc các thủ tục khác. Thời gian qua, khi thị trường bất động sản hồi phục, làn sóng BT càng diễn ra mạnh mẽ. Đã có không ít ý kiến cho rằng nên hạn chế kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BT hay BOT để tránh tình trạng "thao túng" của các "nhóm lợi ích", tránh thất thoát tài sản của nhà nước (như định giá đất chưa đúng với giá trị nếu đầu tư theo hình thức BT).
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, hình thức nào cũng có ưu và nhược điểm, không nên làm theo kiểu "quản không được thì cấm" mà cần phải có quy trình đầu tư bài bản, công khai, minh bạch, phải thiết lập hệ thống giám sát độc lập để hạn chế tối đa tiêu cực. Với dự án BT, còn phải đấu giá định giá quỹ đất thanh toán, nếu không sẽ là mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư và dễ làm thất thoát tài sản nhà nước.