Chứng khoán thế giới giảm mạnh

Tổng hợp| 09/07/2009 07:54

Sau phiên đầu tuần khá suôn sẻ, thị trường chứng khoán Mỹ lại tụt giảm trong ngày giao dịch 7/7. Chỉ số S&P 500 lùi về mức thấp nhất kể từ ngày 1/5 qua, chỉ số Dow Jones giảm gần 2%.

Chứng khoán thế giới giảm mạnh

Sau phiên đầu tuần khá suôn sẻ, thị trường chứng khoán Mỹ lại tụt giảm trong ngày giao dịch 7/7 (kết thúc rạng sáng 8/7, giờ VN). Chỉ số S&P 500 lùi về mức thấp nhất kể từ ngày 1/5 qua, chỉ số Dow Jones giảm gần 2%. Sự giảm giá cổ phiếu nhóm ngành công nghệ là một phần nguyên nhân khiến thị trường đi xuống trong phiên này.

Cổ phiếu của hai đại gia Microsoft Corp và Google Inc. đều giảm hơn 2,8% trong phiên này sau khi có dự báo mức tiêu dùng cho lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ giảm khoảng 6% trong năm nay. Toàn nhóm cổ phiếu công nghệ đóng góp vào S&P 500 để mất 2,5%.

Cùng với đó, cổ phiếu các công ty dầu khí cũng tiếp tục giảm khi giá dầu thô tại New York (Mỹ) giảm tới 1,7%. Cổ phiếu Exxon Mobil và Chevron đồng loạt giảm 2,3%.

Tổng kết phiên, chỉ số S&P 500 giảm tới 2% xuống còn 881,03 điểm, hiện chỉ số này đã giảm 6,9% so với thời điểm chốt phiên ngày 12/6. Chỉ số Dow Jones Industrial để mất 161,27 điểm, tương đương 1,9% xuống chỉ còn 8.163,6 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trong phiên này do cổ phiếu công nghệ mất giá khi giảm 2,3% xuống còn 1.746,17 điểm.

Tại châu Âu, diễn biến trên các thị trường chứng khoán chủ chốt cũng chung bầu không khí ảm đạm. Chỉ lác đác màu xanh trên bảng điện tử tại thị trường chứng khoán Pháp và Đức không giúp CAC 40 và DAX tránh được phiên giảm điểm. Hai chỉ số này lần lượt giảm trên 1% xuống còn 3.048,57 điểm và 4.598,19 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm ở mức 0,19% xuống còn 4.187 điểm.

Trong phiên giao dịch cùng ngày tại châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp xuống mức 9.647,79 điểm, giảm 0,34%; chỉ số HSI của Hồng Kông cũng để mất thêm 117,11 điểm xuống mức 17.862,3 điểm.

* Giá dầu thô tại New York liên tục giảm kể từ cuối tuần trước, giá dầu tại đây dao động quanh mức 62 USD/thùng trong khoảng thời gian từ tối qua tới trưa 8/7, giờ VN. Lần này, giá dầu chịu thêm tác động từ việc thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm nặng nề.

Cùng với đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cũng đưa ra kết quả khảo sát cho thấy, trong tuần qua, dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm khoảng 1,4 triệu thùng, tuy nhiên lượng dự trữ nhiên liệu xăng lại tăng tới 767.000 thùng, dự trữ diesel và dầu sưởi tăng 3,42 triệu thùng. Như vậy, mức tiêu thụ nhiên liệu dầu mỏ các loại tại quốc gia này vẫn duy trì ở mức yếu, dù thời gian này vốn là “mùa tiêu thụ” nhiên liệu tại Mỹ, nhất là xăng.

Một yếu tố nữa tác động khiến giá dầu đi xuống là việc đồng dollar Mỹ tiếp tục lấy lại ưu thế so với euro. Lúc 10 giờ 54 sáng nay, tỷ giá trao đổi giữa hai loại tiền tệ này ở mức 1 EUR đổi 1,3908 USD, thấp hơn so với mức 1,3924 USD đạt được tối qua, và mức 1,4142 đạt được hôm 1/7.

Giá dầu thô giao tháng 8 tại Sở giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt phiên ngày 7/7 ở mức 62,93 USD/thùng, giảm 1,12 USD/thùng, tương đương 1,7% so với phiên trước đó. Sáng nay, giá dầu tại đây dao động trong khoảng 61,99 đến 62,39 USD/thùng.

Trong chưa đầy 10 ngày đầu tháng 7, giá dầu tại New York đã giảm tới 15%. Các chuyên gia dự đoán giá dầu thô tại New York có thể sẽ tiếp tục giảm tới ngày 10.7 tới.

Giá dầu Brent giao tháng 8 tại London (Anh) chốt phiên ngày 7/7 ở mức 63,23 USD/thùng. Sáng nay, giá dầu này cũng đã giảm xuống mức 62,52 USD/thùng.

* Giá vàng giao tháng 8 tại NYMEX có dấu hiệu tăng nhẹ khi chốt phiên ngày 7/7 ở mức 929,1 USD/ounce, tăng 4,8 USD/ounce so với phiên trước đó. Trong buổi sáng 8/7, giá vàng này dao động trong khoảng 920,8 đến 924,9 USD/ounce.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán thế giới giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO