Chưa thể xuất khẩu chuyên gia đại trà

15/11/2014 00:40

Đó là chia sẻ của GS.TSKH Trần Xuân Hoài - Nguyên Viện phó Viện Vật lý, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam xoay quanh vấn đề có nên xuất khẩu các chuyên gia có trình độ cao ở VN hiện nay hay không?

Chưa thể xuất khẩu chuyên gia đại trà

"Dù muốn và rất nên làm nhưng xuất khẩu lao động cao cấp hiện vẫn còn khó có thể thực hiện đại trà được", theo GS.TSKH Trần Xuân Hoài - Nguyên Viện phó Viện Vật lý, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Điểm số cao, thực hành yếu

Trước câu chuyện, hiện nay nông dân Việt đã xuất khẩu sang nhiều nước nhận mức thu nhập cao hơn nhiều so với lao động trong nước. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, nông dân Việt Nam rất có “chất lượng” nhưng do hạn chế trong quy trình sản xuất nên không hưởng lợi cao khi làm việc ở VN. Ông Hoài cho rằng, đây là một việc làm tốt và nên ủng hộ.

Thế nhưng, còn câu chuyện, hiện nay, chúng ta có số lượng bằng cấp cao quá lớn, nhiều nhất Đông Nam Á thì ông Hoài cho rằng: "Với tư cách là một công dân có trách nhiệm với dân tộc, tất nhiên không ai dám khuyên là nên xuất khẩu nhân tài ra nước ngoài.

Với tư cách là một con người đã qua nhiều trải nghiệm về khoa học ở trong nước và ở nước ngoài, khi con tôi hoặc sinh viên giỏi của tôi hỏi thì tôi sẽ trả lời đó là một lựa chọn không tồi".

Nhưng chỉ nên làm điều này, nếu quả thực tự tin là sẽ được trọng dụng ở nước ngoài và có cơ hội thực sự (như làm đúng ngành nghề, đúng chuyên môn, đãi ngộ tốt, môi trường làm việc có tiềm năng phát triển...), được như vậy thì nên thử sức.

Ít nhất là có lợi cho sự phát triển trí tuệ của bản thân, không để bị thui chột đi và sẽ vẫn giúp ích cho dân tộc khi có cơ hội.

Tuy nhiên, ông Hoài chỉ ra một thực trạng đau đớn: "Tôi nhận thấy rằng thường các sinh viên giỏi của Việt nam chỉ mong làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở nước ngoài, làm xong thì có người ở lại nhưng đa số ở lại chỉ có thể làm Postdoc (hậu tiến sĩ) chờ thời, lương thấp ở các trường đại học rồi tiến dần lên trợ giảng ...rồi về nước được tung hô.

Số Tiến sĩ VN được các công ty công nghệ tuyển làm việc, lương cao là rất hiếm, vì các Cty đòi hỏi người giỏi thật sự, có sáng tạo bứt phá, mà đa số người VN điểm số thì cao nhưng năng lực thực hành yếu, khó chen chân vào được".

Thậm chí, theo ông Hoài thì số sinh viên, kỹ sư tốt nghiệp ở VN ra nước ngoài để làm việc trong các công ty công nghệ nước ngoài là hiếm lắm, vì ít cơ hội và cũng ít tài năng.

Kỹ sư giỏi của VN cũng chỉ tương đương Trung bình khá của Đức, Mỹ

Là người đã có nhiều kinh nghiệm về việc nghiên cứu tại nước ngoài, ông Hoài chỉ hy vọng là số sinh viên du học, học xong mà được tuyển dụng vào các công ty công nghệ làm việc ít lâu thì sẽ tốt hơn là chỉ lo học lên để lấy bằng Tiến sĩ rồi thất nghiệp cả ở nước ngoài lẫn trong nước, hoặc có công việc như Postdoc thôi thì có danh nhiều hơn thực, về nước tiếp tục dạy học hàn lâm.

Tuy nhiên, theo ông Hoài nếu có nhiều kỹ sư VN làm việc trong công ty sau này về nước thì rất tốt, vì họ có nghề thực dụng và có kinh nghiệm doanh nghiệp, nên khuyến khích. Còn số hàn lâm tiến sĩ không cần khuyến khích vẫn có nhiều người theo đuổi rồi.

Trên quan điểm như vậy nên ở Viện vật lý của ông Hoài, những người giỏi nhất ra nước ngoài dài hạn, đều được khuyến khích nếu có các công ty tuyển chọn , nghề nghiệp tốt, lương cao, không cần bằng cấp cao. Thực tế thì cũng có vài ba trường hợp thành công. Làm càng lâu càng tốt, sẽ có lợi đến một lúc cần thiết nào đó.

Nói một cách thành thực, ông Hoài nói thẳng: "Những sinh viên kỹ sư VN giỏi nhất mà tôi biết thì có thể tương đương trung bình khá với chuẩn Đức, Mỹ. Trong giới hàn lâm thì có thể có vài trường hợp đột xuất tương đương loại khá, nhưng ít lắm".

Trước đó, trước thực trạng công chức “sáng cắp ô đi, rồi lại cắp ô về”, ông Hoài nhận định, trong giới khoa học còn tệ hại hơn nhiều, so với công thức dành cho công chức nói chung.

“Tỉ lệ không làm việc trong giờ khoa học còn cao hơn. 30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, và trong số còn lại thì có 50% không đủ khả năng làm khoa học. Nghĩa là có đến 80% không muốn và không thể làm khoa học”, GS Hoài phân tích.

GS Hoài cũng cho rằng việc nhà khoa học không được tin tưởng, bị kiểm soát bởi nhiều thủ tục hành chính không chỉ vì cơ chế quản lý mà còn do chính giới khoa học “tự phá hoại mình” khi trong cộng đồng khoa học xuất hiện không ít GS, TS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa thể xuất khẩu chuyên gia đại trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO