Chủ tịch nước công bố thêm 8 Luật

04/07/2009 09:08

Hôm 3/7 tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 8 Luật liên quan tới các ngành Ngoại giao, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5 mới đây.

Chủ tịch nước công bố thêm 8 Luật

Hôm 3/7 tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 8 Luật liên quan tới các ngành Ngoại giao, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5 mới đây.

Sẽ có nhiều Việt kiều mua nhà trong nước

Chiều 3/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn Phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo giới thiệu Lệnh của Chủ tịch nước công bố 4 Luật đã được Quốc hội khoá 12 thông qua tại kỳ họp thứ 5, bao gồm: Luật quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ.

Luật quản lý nợ công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hoá; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1.10.2009;

Trước đó, sáng nay Văn phòng Chủ tịch nước cũng tổ chức họp báo giới thiệu Lệnh của Chủ tịch nước công bố: Luật quy hoạch đô thị; Luật sửa đổi bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Các luật này cũng vừa được Quốc hội khoá 12 thông qua ở Kỳ họp thứ 5.

Luật quy hoạch đô thị có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010; Luật sửa đổi bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2009; Luật cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ ngày 2/9/2009.

Việt kiều cư trú trong nước 3 tháng trở lên được mua nhà

Tuy nhiên, họ không được quyền thế chấp, bảo lãnh bằng nhà ở hoặc được bồi thường khi nhà nước thu hồi.

Đó là dự thảo sửa đổi điều 126 Luật nhà ở, điều 121 của Luật đất đai được đại biểu Quốc hội thảo luận ngày 22/5.

Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ chia 2 diện Việt kiều được sở hữu nhà trong nước. Đó là người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt về đầu tư trực tiếp trong nước, có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hoá, người có chuyên môn cao, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Ngoài ra, người gốc Việt được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên cũng được sở hữu một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư. Tuy nhiên, những người này bị hạn chế quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng nhà ở gắn với đất ở.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, mở rộng diện Việt kiều mua nhà rất cần thiết vì số người mua nhà thời gian qua rất ít, chỉ có 140 trường hợp trong 3 năm qua. "Tuy nhiên, luật "mở ra rồi lại trói" khi hạn chế quyền thế chấp tài sản. Mọi công dân đều phải được bình đẳng, không nên sợ họ mua đi bán lại, cần tăng giao dịch để tăng trưởng thị trường bất động sản", ông Đào nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, nhà nước đã xác định mục đích cho kiều bào sở hữu nhà để gắn bó với quê hương và phát triển thị trường bất động sản. Do vậy, phải cho họ quyền mua nhà như công dân trong nước, đặc biệt là quyền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Nếu họ mua đi bán lại thì phải chịu thuế.

Ngoài ra, đại biểu này cho rằng không nên hạn chế chỉ được mua một nhà hoặc một căn hộ, nên để người dân tự do mua bán nhà..

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn thì cho rằng, trước đây, Việt kiều không có quyền mua song họ vẫn dùng tên người quen, người nhà để mua và gây tranh chấp khiếu kiện. Việc nới rộng đối tượng sẽ hạn chế khiếu kiện. Do vậy, không nên hạn chế các quyền cúa kiều bào như số lượng nhà...

Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, mục đích của dự luật nhằm tạo điều kiện cho Việt kiều có nhà ở chứ không nhằm mục đích mua bán chuyển nhượng. Do vậy, cần phải hạn chế số lượng nhà mua và các quyền nhiều hơn người dân trong nước để hạn chế tác động xấu đến thị trường bất động sản.

Dự thảo Luật sửa đổi và bổ sung điều 126 Luật nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai

Điều 126. Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam".

Điều 121. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật đất đai;

b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, đổi, để thừa kế nhà ở cho các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở đó;

c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

d) Cho thuê, uỷ quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không dùng để ở cho bản thân và gia đình.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2009.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch nước công bố thêm 8 Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO