Chống “nylon hóa”

HỒNG NGA| 10/06/2009 00:32

Trước nguy cơ “nylon hóa” làm hại môi trường và gây lãng phí, các điểm mua sắm, siêu thị đang nỗ lực tự thân đẩy lui thói quen sử dụng túi nylon.

Chống “nylon hóa”

Trước nguy cơ “nylon hóa” làm hại môi trường và gây lãng phí, các điểm mua sắm, siêu thị đang nỗ lực tự thân đẩy lui thói quen sử dụng túi nylon.

Túi sử dụng nhiều lần và thông điệp bảo vệ môi trường tại siêu thị Big C - Ảnh: Thi Na

Túi nylon tràn lan từ nhà ra chợ


Không phải kè kè giỏ xách như trước kia, các bà nội trợ bây giờ đi chợ như đi dạo phố. Cứ đến chợ, mua bất cứ thứ gì, từ ký thịt, bó rau muống đến trái cây, thậm chí là vài quả chanh, trái ớt đều được người bán “tặng” một túi nylon. Mua một món đồ thì có một túi nylon, mua đến 9 - 10 món thì có đến 9 - 10 túi, nhiều khi thấy người mua hàng xách lỉnh kỉnh những túi nhỏ, người bán còn tặng túi lớn để bỏ tất cả vào cho tiện. Túi được tặng nhiều quá nên người ta vứt bỏ lung tung. Các chuyên gia môi trường cho rằng, túi nylon đã trở thành vật dụng không thể thiếu nên các thành phố đang đứng trước nguy cơ “nylon hóa”.


Theo số liệu của Quỹ Tái chế chất thải thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (Sở), hiện nay, trung bình mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 7.000 tấn rác, trong đó có khoảng 50 tấn túi nylon, phần lớn trong số này là túi nylon không phân hủy. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày một người dân thành phố thải ra môi trường một túi nylon. Không phải người dân không hiểu tác hại của túi nylon và không để ý đến tác hại của nó đối với môi trường, mà ngược lại, họ rất quan tâm đến vấn đề này.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát khác kết hợp giữa Quỹ Tái chế chất thải và website: www.vnexpress.net thăm dò ý kiến của gần 9.000 người thì có hơn 90% người cho rằng nên hạn chế sử dụng túi nylon và sẵn sàng trả tiền mua túi tự hủy với giá khoảng 500đ/túi. Khoảng 60% trong số này đề nghị nên có biện pháp giảm dần và 30% cho rằng nên cấm ngay.


Siêu tị chống " Nylon hóa "

Có một thực tế là, để có một túi giấy hay một túi vải đựng hàng hóa, người mua hàng phải trả một khoản tiền, thì họ khó lòng chấp nhận. Bởi vậy, hiện nay chỉ có một số nhãn hiệu nổi tiếng hoặc hàng quà tặng dạng thủ công đắt tiền mới dám sử dụng loại túi này làm bao bì, còn đa phần đều sử dụng túi nylon.


Túi nylon không chỉ được dùng ở chợ, cửa hàng mà ngay cả ở siêu thị cũng tràn lan túi nylon. Mua hàng ít, khách được cho vài cái túi nhỏ. Mua nhiều thì được tặng “túi nhỏ lồng trong túi to”! Tuy “hào phóng” tặng khách hàng như thế, nhưng các siêu thị cũng rất ý thức về tác hại của túi nylon đối với môi trường.

Chính vì thế mà từ năm 2007, các siêu thị đã kêu gọi khách hàng sử dụng túi dùng nhiều lần. Mở màn chiến dịch này là Metro Cash & Carry VN với chương trình “Túi xách Metro sử dụng nhiều lần” được triển khai vào tháng 11/2007. Ngay thời điểm này, báo chí vẫn chưa nói nhiều đến tác hại của túi nylon nên việc hạn chế sử dụng túi nylon vẫn còn nhiều khó khăn.

Lúc triển khai chương trình này, Metro đã vấp phải sự phản ứng của không ít người tiêu dùng. Nhiều người thậm chí còn “tẩy chay” Metro cũng vì đơn vị này bán hàng mà không cho túi nylon để đựng. Tuy nhiên, hơn một năm kiên trì thay đổi, giờ đây Metro đã được người tiêu dùng ủng hộ. Bằng chứng là hầu hết khách hàng đã nhớ mang theo túi mỗi khi đi Metro.


Cùng với Metro, từ năm 2007 đến nay, Big C cũng đã nhiều lần giới thiệu đến khách hàng túi sử dụng nhiều lần tại các siêu thị Big C phía Bắc và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Mới đây, Big C đã kêu gọi người tiêu dùng bảo vệ môi trường trên toàn hệ thống của mình bằng việc giới thiệu túi sử dụng nhiều lần mang tên Lohas (viết tắt của cụm từ Lifestyles of Health and Sustainability).

Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho biết, chỉ sau vài ngày triển khai chương trình, đã có rất nhiều túi Lohas được tiêu thụ. Tại quầy thu ngân, các nhân viên hạn chế tối đa việc cung cấp túi nylon, còn tại các bảng tin dán ở siêu thị là thông tin về tác hại của túi nylon...


Muộn hơn Metro, Big C nhưng chuỗi siêu thị Co.opMart cũng khuyến khích khách hàng bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nylon. Ngay tại các cửa ra vào hay khu vực trung tâm siêu thị đều treo bảng “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên, việc thực hiện tiết kiệm bao bì ở Co.opMart vẫn còn chệch choạc do nhân viên các siêu thị của hệ thống này vẫn chưa “thông suốt” ý nghĩa của thông điệp.


Có ý thức bảo vệ môi trường và mạnh dạn đầu tư phải kể đến hai chuỗi siêu thị Maximark và Citimart. Từ hai năm nay, hai hệ thống siêu thị này đã làm người tiêu dùng ngạc nhiên khi mạnh dạn dùng túi nylon tự phân hủy của Công ty Phúc Lê Gia sản xuất để thay thế túi nylon thông thường. Khi mua hàng ở đây, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm vì sau khoảng ba tháng tiếp xúc với môi trường, túi sẽ tự phân rã và bốc hơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống “nylon hóa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO