Chính sách tiền tệ thời hậu suy giảm kinh tế

Nguồn VnEconomy| 31/08/2009 06:28

Nền kinh tế đang từng bước thoát khỏi thời kỳ suy giảm và lúc này, dường như mọi quan tâm đều hướng về chính sách tiền tệ: nới lỏng hay thắt chặt?

Chính sách tiền tệ thời hậu suy giảm kinh tế

Nền kinh tế đang từng bước thoát khỏi thời kỳ suy giảm và lúc này, dường như mọi quan tâm đều hướng về chính sách tiền tệ: nới lỏng hay thắt chặt?

Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, tổng lượng tiền sẽ tăng thêm trong khi các yếu tố tiềm ẩn của lạm phát như chi phí đẩy, cầu kéo vẫn còn hiện hữu và sẽ kích hoạt lạm phát trở lại

Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục nới lỏng, tổng lượng tiền trong nền kinh tế sẽ tăng thêm trong khi các yếu tố tiềm ẩn của lạm phát như chi phí đẩy, cầu kéo vẫn còn hiện hữu và sẽ kích hoạt lạm phát trở lại.

Nhưng nếu thắt chặt thì sản xuất chưa kịp thoát khỏi đình trệ, doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình trạng “thiếu vốn đúng vào lúc cần vốn” và “vốn chạy lòng vòng” như từng xảy ra giữa năm 2008 do cuộc đua lãi suất.

Vậy, một chính sách tiền tệ cho thời kỳ sau suy giảm kinh tế như thế nào được coi là hợp lý? Chúng tôi xin giới thiệu một số quan điểm của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp về chủ đề này.

Không nhất thiết sử dụng tất thảy công cụ

(PGS.TS. Lê Văn Tề - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế công nghiệp Long An)

“Sau thời kỳ suy thoái phải là thời kỳ kinh tế tăng trưởng, và do vậy, chính sách tiền tệ không thể không hướng theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Một chính sách tiền tệ tích cực của hậu suy thoái, trước hết cần phải kiểm soát lạm phát ổn định giá cả, ổn định sức mua đối nội của đồng tiền.

Do vậy, Ngân hàng Trung ương luôn coi lạm phát, ổn định tiền tệ làm mục tiêu hàng đầu thuộc chính sách tiền tệ của mình, nhằm làm tiền đề cho nền kinh tế phát triển trong thời kỳ hậu suy thoái. Tuy rằng, ổn định sức mua đồng tiền là một đại lượng tương đối và ở nước ta hiện nay, phấn đấu giữ cho được mức lạm phát ở một con số là hết sức lý tưởng.

Tiếp theo là ổn định sức mua đối ngoại của đồng tiền. Giá trị đối ngoại của đồng tiền được đo bằng tỉ giá hối đoái thả nổi và nó liên quan đến hàng loạt yếu tố như giá thành xuất khẩu và nhập khẩu, mức lạm phát của mỗi đồng tiền trong một cặp tiền tệ, tình trạng của cán cân thanh toán quốc tế, yếu tố tâm lý và chính sách can thiệp của Ngân hàng Trung ương.

Cần coi sự ổn định tỉ giá hối đoái như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình điều hành tỉ giá hối đoái, tức giữ nó trong một biên độ dao động nào đó. Như vậy, xét về trường thế, tỉ giá hối đoái phải được ổn định và xét về đoản thế, tỉ giá hối đoái phải được điều chỉnh. Giữa hai thời kỳ đó phải là sự ổn định.

Thông thường các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ thường được sử dụng đó là tái cấp vốn, lãi suất tín dụng, dự trữ tối thiểu bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở.

Ở các nước, không phải người ta sử dụng tất thảy 4 công cụ vừa nêu trên mà người ta chỉ sử dụng một số hoặc thậm chí một công cụ cụ thể. Mục đích cơ bản của nó là sử dụng công cụ nào có thể rút bớt được tiền ra khỏi lưu thông một cách có hiệu quả, khi đang có lạm phát, và tăng thêm lượng tiền cung ứng vào lưu thông, khi đang có thiểu phát. Cũng có thể là giữ nguyên cơ số tiền tệ trong lưu thông khi tình hình tiền tệ tương đối ổn định.

Quan điểm cần sử dụng đồng bộ tất cả 4 công cụ xem ra không thích hợp. Được biết ở Canada, người ta không sử dụng tất cả 4 công cụ vừa nêu trên.

Khi vận hành chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng người ta yêu cầu các khoản tiền gửi của các tổ chức hành chính và sự nghiệp phải gửi ở ngân hàng thương mại để hình thành khả năng tạo tiền, và khi thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt thì yêu cầu gửi ở Ngân hàng Trung ương".

4 trọng tâm của chính sách tiền tệ

(Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - BIDV)

"Sau thời kỳ suy giảm kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm cân đối giữa việc thực hiện mục tiêu kích cầu của Chính phủ với mục tiêu ổn định giá cả, lãi suất, tỷ giá và bảo đảm an toàn hệ thống các cơ sở tín dụng. Bởi vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên hướng vào các trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện chủ trương điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng một cách thận trọng. Việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ có thể khiến lạm phát trở lại, nhất là trong điều kiện thực hiện giải ngân nguồn vốn kích cầu và các yếu tố tiềm ẩn của lạm phát vẫn còn hiện hữu như hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động thấp, thậm chí cả việc tăng giá điện, nước...

Do đó, một mặt nên tiếp tục giảm lãi suất để khuyến khích doanh nghiệp chống suy thoái trên diện rộng; mặt khác, thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng và cung tiền nhưng phải đảm bảo đủ vốn cho sản xuất kinh doanh.

Tiếp đó, cần tăng sự linh hoạt trong chính sách điều hành tỷ giá để hướng sản xuất từ khu vực ngoại thương (xuất khẩu) sang khu vực phi ngoại thương (thị trường nội địa) nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu, kích thích tiêu dùng trong nước.

Thứ hai, giảm giá dần VND có kiểm soát. Chính sách này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu, làm giảm thâm hụt cán cân thương mại trong bối cảnh chi tiêu Chính phủ rất lớn. Nếu thực hiện chính sách này phải tiến hành song song với kiểm soát chặt chẽ thâm hụt ngân sách nhà nước và lãi suất tiết kiệm.

Cũng cần lưu ý về tác động tiêu cực có thể xuất hiện từ đây là nguy cơ lạm phát, nợ của Chính phủ và doanh nghiệp sẽ tăng tương đối, phản ứng tiêu cực của người dân với VND...

Thứ ba, cần kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa điều hành tỷ giá và lãi suất, sử dụng thích hợp các công cụ dự trữ bắt buộc, tín phiếu, thị trường mở... trong từng giai đoạn cụ thể; tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành để bảo đảm nhất quán giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ và tài khóa.

Thứ tư, rà soát đầu tư công theo hướng cơ cấu lại đầu tư khu vực này và xác định mục tiêu ưu tiên đối với chúng. Theo đó, cần giãn tiến độ đối với các dự án sử dụng nhiều vốn, tập trung vốn cho các dự án sử dụng nhiều lao động, ít nhập khẩu và chính sách tiền tệ cũng phải hướng tới sự điều chỉnh này".

Sử dụng linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở

(TS. Nguyễn Đức Hưởng - Tổng giám đốc LienVietBank)

"Bên cạnh chính sách lãi suất, tỷ giá thì nghiệp vụ thị trường mở được coi là công cụ vô cùng quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ đối với thời kỳ sau suy giảm kinh tế. Bởi lẽ, đó là biện pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để ổn định lãi suất phù hợp và điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng ở mức hợp lý. Về các giải pháp liên quan đến thị trường mở, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, xây dựng nghiệp vụ thị trường mở thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các thành viên tham gia. Mặc dù thị trường mở được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tức là những người kinh doanh chứng khoán không bị bắt buộc mua hoặc bán theo một giá ấn định, nhưng Ngân hàng Trung ương có thể thực hiện được yêu cầu của mình bằng việc điều chỉnh giá để chúng trở nên hấp dẫn đối tác.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các tổ chức tín dụng khác ngoài các ngân hàng thương mại. Hiện nay các thành viên tham gia thị trường mở chủ yếu mới chỉ là các ngân hàng thương mại thiếu đi sự hưởng ứng của các loại hình tổ chức tín dụng khác.

Tiếp theo, đa dạng hàng hóa trên thị trường mở. Các công cụ tài chính được phép giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở bao gồm các loại giấy tờ có giá phát hành bằng đồng Việt Nam như tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ (tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình trung ương, trái phiếu đầu tư do Quỹ hỗ trợ phát hành công trái) và trái phiếu chính quyền địa phương do UBND Tp.HCM và Hà Nội phát hành.

Tuy nhiên, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép mở rộng thêm các đối tượng giấy tờ có giá được phép sử dụng trên thị trường mở bao gồm cả trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ, chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng mua lại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

Mặt khác, cần đa dạng kì hạn giao dịch. Kỳ hạn phổ biến trên thị trường mở là 7 ngày mặc dù Ngân hàng Nhà nước cũng đã bổ sung thêm các kỳ hạn dài hơn như 28 ngày, 56 ngày, 84 ngày, 112 ngày, 140 ngày, 182 ngày (6 tháng), 273 ngày (9 tháng) và 364 ngày (12 tháng).

Tuy nhiên đa phần các kỳ hạn giao dịch chủ yếu phổ biến từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, nếu tiếp tục đa dạng các giao dịch khác nhau trong một phiên giao dịch thì các ngân hàng thương mại có điều kiện lựa chọn tham gia đặt thầu phù hợp với nhu cầu điều tiết vốn khả dụng của mình.

Cùng đó, cải tiến về công nghệ và đơn giản hóa thủ tục hành chính hoàn thiện các qui định về nghiệp vụ thị trường mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia vào thị trường mở.

Cuối cùng, coi trọng giải pháp “trao đổi” đẩy mạnh hoạt động tham khảo và lấy ý kiến từ doanh nghiệp chủ chốt và người dân trong việc đưa ra và triển khai các công cụ chính sách tiền tệ.

Việc thảo luận bàn bạc với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ các chính sách tiền tệ không những giúp giải quyết đúng các vấn đề mà còn giúp giải quyết một cách hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao và tránh được khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách tiền tệ thời hậu suy giảm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO