Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2019 tăng do nhiều mặt hàng tăng giá

P.V| 29/08/2019 02:33

Theo thông tin từ trang tin Chính phủ (chinhphu.vn), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước; tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2019 tăng do nhiều mặt hàng tăng giá

Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8/2019 được nhận định trước tiên do ảnh hưởng của nạn dịch tả heo châu Phi, chính vì vậy nên nguồn cung thịt heo giảm, làm cho giá thịt heo tháng 8/2019 tăng 0,89% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%.

Tiếp theo, do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Tiếp sau đó là Thông tư số 37/2018/TT-BYT về quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế ở một số tỉnh thành. Do đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,64%, làm tăng 0,14% CPI. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng hóa cũng tăng giá sản phẩm và dịch vụ khiến CPI tăng trong tháng 8/2019. Đó là các mặt hàng may mặc, nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng, hàng gia dụng...

Diễn biến theo chiều ngược lại, các nguyên nhân khiến CPI tháng 8/2019 cũng bị “kiềm” lại một mặt nào đó do giá xăng dầu điều chỉnh giảm hai lần trong tháng khiến CPI chung giảm 0,04%. Mặt khác, giá nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh... trong các siêu thị, trung tâm thương mại... cũng giảm nhiều do các chương trình khuyến mại, giảm giá vào tháng 7 âm lịch bởi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Bên cạnh đó, CPI cũng bị tác động bởi các nhóm dịch vụ giảm giá như giao thông, văn hóa, du lịch, bưu chính viễn thông... 

Về tính toán lạm phát cơ bản, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước, lạm phát 8 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ năm 2018 tăng 1,9%. Bình quân 8 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ y tế... Ở góc độ khác, lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 1,9%; điều này cho thấy chính sách điều hành tiền tệ vẫn đang ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2019 tăng do nhiều mặt hàng tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO