Cần tăng cường liên kết với vùng ĐBSCL

HỒNG NGA| 22/11/2012 00:19

Để nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn giá, TP.HCM cần đẩy mạnh tăng cường liên kết với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bởi đây là vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ, có thể cung ứng một lượng hàng hóa dồi dào và ổn định, nhất là trước sự biến động giá cả trong những dịp cuối năm.

Cần tăng cường liên kết với vùng ĐBSCL

Để nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn giá, TP.HCM cần đẩy mạnh tăng cường liên kết với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bởi đây là vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ, có thể cung ứng một lượng hàng hóa dồi dào và ổn định, nhất là trước sự biến động giá cả trong những dịp cuối năm.

Đọc E-paper

Ngày 14/11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả bình ổn giá trên thị trường TP.HCM thông qua tăng cường liên kết kinh tế với vùng ĐBSCL".

Gần 10 năm nay, chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đã được triển khai tại TP.HCM. Để có nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất không gì khác hơn là phải tăng cường liên kết với các vùng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là với vùng ĐBSCL.

Bởi, theo các chuyên gia, ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất cả nước trong khi đó, TP.HCM là thị trường rộng lớn và sôi động nhất của cả nước. Việc liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL sẽ tác động đến chương trình bình ổn giá của thành phố cũng như vùng ĐBSCL.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, TP.HCM có hai trung tâm nguyên liệu lớn, đó là ĐBSCL và Đông Nam bộ. Hiện nay, chỉ có khu vực Đông Nam bộ làm tốt việc cung cấp nguồn nguyên liệu, còn vùng nguyên liệu khu vực ĐBSCL vẫn còn... "giậm chân tại chỗ”.

 ĐBSCL nên tổ chức vùng chuyên canh chặt chẽ về chăn nuôi, về thức ăn gia súc và con giống, thú y để có thể cho ra một lượng lớn nguyên liệu cung cấp cho TP.HCM hằng ngày.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, còn cho biết thêm, các tỉnh ĐBSCL nhận con giống về rồi sản xuất ra sản phẩm, nhưng quy trình sản xuất không được như Nam bộ, mang tính nhỏ lẻ, nguyên liệu cho heo, gà ăn tự cấp, không kiểm soát, môi trường nuôi không ổn định, dễ lây bệnh, không bền vững.

Trước sự thiếu quy hoạch đồng bộ từ vùng nguyên liệu ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM cần xúc tiến mạnh hơn việc liên kết với người sản xuất về công nghệ nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm.

Tuy nhiên, chuỗi liên kết này vẫn chưa đủ mạnh nếu thiếu đi sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt quy hoạch vùng và các chính sách kiểm soát nhập khẩu. Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xã hội - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng, đặt vấn đề bình ổn giá thị trường mà không đặt từ gốc thì chưa được căn cơ.

Cần có mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ giữa TP.HCM và các tỉnh. Theo ông Hiệp, trong thời gian qua, TP.HCM và các tỉnh cũng đã có những chương trình hợp tác, ký kết nhưng còn mang nặng tính hình thức và giữa chính quyền với nhau.

"Tôi nghĩ, ngoài việc liên kết về chính quyền nhà nước, chúng ta phải đặt trọng tâm liên kết thị trường, doanh nghiệp, đó mới chính là những người tạo ra vật chất", ông Hiệp nói.

Bên cạnh đó, sự liên kết không chỉ được thể hiện thông qua các doanh nghiệp với nhau, mà còn nên là sự liên kết giữa doanh nghiệp và người làm nông nghiệp, tức nông dân.

Ông Nguyễn Văn Trực cho rằng, TP.HCM nên tăng cường liên kết, ký kết với nông dân việc chịu trách nhiệm con giống, thức ăn, chuyển giao công nghệ, đồng thời bao tiêu sản phẩm trên cơ sở giá thành sản xuất.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ của TP.HCM rất lớn, là điều kiện tốt để hàng trong nước phát triển. Thế nhưng, nhiều loại nguyên liệu sản xuất phải nhập từ nước ngoài.

"Nhà nước phải tăng cường kiểm soát lượng hàng nhập khẩu, nhãn mác, nếu không chúng ta trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm hết hạn sử dụng của nước ngoài. Chúng ta không thể không cho nhập nhưng phải kiểm soát và dùng rào cản kỹ thuật để hỗ trợ cho người sản xuất, có như vậy chúng ta mới ổn định sản phẩm và người sản xuất tại ĐBSCL không bỏ chuồng, bỏ trại", ông Trực đề xuất.

Các chuyên gia đều đồng tình rằng, chỉ có sự liên kết mới tạo ra giá trị thật cho một sản phẩm bình ổn và thu hút được người sản xuất lẫn người tiêu dùng, còn không, đó vẫn mãi là khoảng trống của sự lãng phí và cơ hội cho các đối tác chuyên nghiệp nước ngoài xen vào. Và quan trọng nhất là chủ trương liên kết vùng cần có một cơ chết pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tăng cường liên kết với vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO