Cần những biện pháp cách tân và thực hiện mục tiêu kép với nội dung mới

Trần Văn Thọ (*)| 01/08/2021 06:00

Trong tình hình dịch bệnh đang lan rộng, mục tiêu khẩn cấp hiện nay là phải ngăn chặn lây lan, giữ ổn định cuộc sống của người dân, giữ cho dây chuyền cung cấp các sản phẩm thiết yếu không bị dứt gãy và khẩn cấp tăng lượng cung vaccine.

Cần những biện pháp cách tân và thực hiện mục tiêu kép với nội dung mới

Nguồn lực về vacccine, về cơ sở và nhân lực y tế có giới hạn nên phải đưa ra thứ tự ưu tiên trong việc tiêm chủng. Bộ máy hành chánh các cấp vốn rất kém hiệu suất, khó có thể cải thiện ngay nên cần thêm những biện pháp có tính cách tân (như việc thực thi các gói hỗ trợ của Chính phủ thông qua hoạt động của các đoàn thể thiện nguyện, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp…) để ứng phó với tình hình rất khẩn trương hiện nay.

1. Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn thông qua hoạt động của các tổ thức thiện nguyện

Lao động tự do tại các tỉnh, TP có dịch là đối tượng bị tổn thương, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp về giảm thu nhập, mất việc làm. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có khoảng 12,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó 66,4% bị giảm thu nhập vốn đã rất thấp.

Chính phủ đã công bố các chính sách hỗ trợ nhưng số người nhận được hỗ trợ còn ít. Trong lúc đó, rất mừng là nhiều tổ chức thiện nguyện ra đời và hoạt động rất tích cức. Chính phủ cần tạo điều kiện để những tổ chức ấy hoạt động có hiệu quả và tốt hơn nữa là trực tiếp phân bổ một phần ngân sách hỗ trợ cho các tổ chức này.

2. Việc hỗ trợ DN gặp khó khăn cũng cần những biện pháp mới

Chính phủ đã quyết định chính sách hỗ trợ DN qua việc hoãn thuế, cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp, miễn nhiều loại phí… nhưng việc thực thi chậm chạp, còn nhiêu khê. Trước đây, ngay cả khi chưa có dịch, các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm phát triển DN nhỏ và vừa, DN sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng không được thực thi hiệu quả vì thủ tục nhiêu khê, vì cán bộ quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm… Tình trạng này không thể cải thiện ngay.

Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, cần nghĩ thêm các biện pháp mới, chẳng hạn cán bộ phụ trách của chính quyền địa phương cùng hành động với các hiệp hội DN khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ. Tôi chưa nghĩ ra được các biện pháp gì hay hơn, ở đây chỉ đưa ra vấn đề để cùng suy nghĩ.

3. Khẩn cấp tăng cung cấp vaccine

Từ tháng 4/2021 trở về trước Việt Nam tương đối thành công trong mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhưng cũng do sự thành công đó mà ta thiếu cảnh giác, không yêu cầu dân chúng triệt để phòng lây nhiễm (bằng giãn cách, bằng đeo khẩu trang…), không cân nhắc và quản lý chặt chẽ việc cho chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc, để một số trong những người đó mang theo dịch.

Một thất bại từ sự thành công của năm ngoái là ta đã không sớm chuẩn bị các nguồn cung cấp vaccine để bây giờ tỉ lệ người được tiêm chủng trên tổng dân số mới chỉ vài phần trăm.

Bây giờ nhà nước phải khẩn cấp động viên mọi nguồn lực, kể cả ngoại giao ở cấp lãnh đạo cao nhất để nhanh chóng tăng lượng cung vaccine. Trường hợp Nhật Bản, thủ tướng Suga Yoshihide tự thương lượng trực tiếp (nhiều lần qua điện thoại và hội đàm) với Tổng giám đốc công ty Pfizer của Mỹ. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, ông Suga đã thương lượng lại, đề nghị cung cấp đủ trong tháng 8 thay vì tháng 10 năm nay như kết quả thương lượng trước đây.

Được biết Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực trong việc này và đã có kế hoạch để từ nay đến tháng 3 sang năm mua, tiếp nhận 150 triệu liều vaccine. Vấn đề là phải nỗ lực tiếp để việc cung cấp được bảo đảm và thực hiện nhanh hơn. Các dự án đầu tư công về cơ sở hạ tầng có thể hoãn lại để ưu tiên ngân sách cho việc mua vaccine.

4. Trước mắt và trong ngắn hạn, thực hiện mục tiêu kép với nội dung mới

Trước tình hình dịch bệnh quá nghiêm trọng, cần cải thiện việc quản lý của chính quyền các cấp về việc cách ly, chống dịch, và ổn định cuộc sống của dân. Mục tiêu của việc quản lý này là ngăn chặn được lây lan, tránh tình trạng quá tải của hệ thống y tế và ổn định, khôi phục sản xuất, lưu thông các hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế…

Từ quan điểm này ta thấy tuy hiện nay chống dịch là nhiệm vụ cần ưu tiên nhưng vẫn phải duy trì sản xuất và lưu thông những mặt hàng thiết yếu và sau đó là hồi phục xuất khẩu.

Với lượng cung cấp vaccine còn hạn chế và chỉ tăng dần, Chính phủ cần đặt ra thứ tự ưu tiên các đối tượng được tiêm. Thứ nhất là những người phục vụ ở các cơ sở y tế và những cán bộ nhân viên phụ trách những việc phải tiếp xúc với dân. Ưu tiên tiếp theo là công nhân viên, lao động trong sản xuất và lưu thông các mặt hàng thiết yếu cho đời sông của dân.

Thứ ba là người cao tuổi, người có bệnh nền và công nhân ở các KCX, KCN để duy trì sản xuất cho xuất khẩu vì các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc… dịch bệnh đang được khắc phục, kinh tế đang phục hồi.

Có như vậy, mới vừa giữ được thị trường vừa duy trì công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động trong nước.

Trong ý nghĩa đó trước mắt và trong ngắn hạn, ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép nhưng với nội dung mới, không phát triển kinh tế nói chung, không đặt mục tiêu tăng GDP, mà phát triển kinh tế với trọng điểm là sản xuất và lưu thông các mặt hàng thiết yếu, tiếp theo là khu vực xuất khẩu.

5. Trong dài hạn, đặt tiền đề sống chung với dịch

Kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi và tư duy phát triển của Việt Nam cũng phải khác với trước đây. Các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa, truyền thống và hiện đại sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trong quá khứ.

Tiến bộ kỹ thuật theo hướng giảm nhanh nhu cầu lao động, nhất là lao động giản đơn. Đại dịch thúc đẩy công việc, việc làm thực hiện xuyên biên giới nên việc xuấy khẩu lao động sẽ giảm nhiều. Với dân số và lao động đông, Việt Nam sẽ đối mặt trực diện với vấn đề đào tạo lại và bảo đảm công ăn việc làm cho một lực lượng lao động lớn.

Tuy nhiên, đây là những vấn đề chưa cần bàn trong lúc này. Ở đây nêu ra để nói một ý, Việt Nam phải sẵn sàng sống chung với dịch và cần có chiến lược phát triển trong bối cảnh mới.

(*) Nguyên Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần những biện pháp cách tân và thực hiện mục tiêu kép với nội dung mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO