Cần cân nhắc khi đóng cửa doanh nghiệp

TS. Nguyễn Hoàng Bảo (*)| 12/07/2021 05:15

Trước khi đi đến quyết định nào đó, chúng ta phải khảo sát tình hình thực tế, xem mức độ lây nhiễm, điều kiện phòng dịch như thế nào. Gần đây, nhiều nhà máy đã liên tục test nhanh cho công nhân, tự chi trả chi phí, mục đích cuối cùng là mong muốn được duy trì sản xuất. Bây giờ, nếu họ bị ngưng sản xuất thì vô lý, không công bằng.

Cần cân nhắc khi đóng cửa doanh nghiệp

Vài ngày gần đây, một số địa phương trong tâm dịch đã đưa ra biện pháp khá mạnh, đó là đóng cửa các DN xuất hiện F0 hay yêu cầu phải đáp ứng ba tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ mới được hoạt động. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là những biện pháp cần thiết và cấp bách.

Tuy nhiên, xét ở quy mô ở một tỉnh, thành phố, lúc này chúng ta có nên đóng cửa sản xuất hoàn toàn không lại là một vấn đề khác. Nếu làm như vậy chứng tỏ Nhà nước đã không quản lý nổi tình hình và DN đang phòng dịch tốt sẽ bị thiệt hại, người lao động mất việc làm, kinh tế càng kiệt quệ. Trong khi đó, một số DN đã tổ chức khu vực cách ly cho công nhân ở nhà máy, lo ăn, ở, sinh hoạt, không để ảnh hưởng dịch thì sao? Tôi cho rằng, trước khi đi đến quyết định nào đó, chúng ta phải khảo sát tình hình thực tế, xem mức độ lây nhiễm, điều kiện phòng dịch như thế nào. Gần đây, nhiều nhà máy đã liên tục test nhanh cho công nhân, tự chi trả chi phí, mục đích cuối cùng là mong muốn được duy trì sản xuất. Bây giờ, nếu họ bị ngưng sản xuất thì vô lý, không công bằng.

TS. Nguyễn Hoàng Bảo cho rằng, chúng ta phải tránh tình trạng phong tỏa, cách ly trên diện rộng về mặt không gian, nhưng bên trong kiểm soát lỏng lẻo

TS. Nguyễn Hoàng Bảo cho rằng, TP.HCM phải tránh tình trạng phong tỏa, cách ly trên diện rộng về mặt không gian, nhưng bên trong kiểm soát lỏng lẻo

Có một sự đánh đổi giữa kinh tế và an toàn cộng đồng. Nhưng với tốc độ lây nhiễm hiện nay, khi chưa có vaccine trên diện rộng, thì không còn lựa chọn nào khác hơn là hy sinh về kinh tế. Sự hy sinh ở đây là rất lớn. Đó là chuỗi cung ứng và mạng lưới kinh doanh (business network). Đây là tài sản mà DN tích lũy từ lúc thành lập, nếu bị gãy, gián đoạn, thì sau này DN phải gầy dựng lại từ đầu. Tài sản này là vô hình, còn lớn hơn dòng tiền, doanh thu và lợi nhuận.

TS. Nguyễn Hoàng Bảo

Về các biện pháp phòng dịch trong các nhà máy để đáp ứng yêu cầu ba tại chỗ ở các KCN, tôi cho rằng hành động không chỉ đơn phương từ phía Chính phủ, mà đòi hỏi các bên liên quan: người lao động, DN, địa phương, ngành y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).

Các bên phải phối hợp với nhau trước, trong và sau dịch như những người tham gia (stakeholders). Mỗi bên đều có lợi ích của mình: tiền lương (người lao động), lợi nhuận (DN), chính quyền địa phương, ngành y tế và HCDC (sức khỏe cộng đồng) và Chính phủ (thuế các loại). Các bên đều theo đuổi mục tiêu của mình, mà hình thành nên thế cân bằng ổn định.

Tuy nhiên, khi có mâu thuẫn lợi ích, thì phải cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Nếu DN nào để dịch lây lan trong cộng đồng thì phải chịu trách nhiệm. Nếu muốn tiếp tục sản xuất, thì phải cam kết về ăn, ở, đi lại, sinh hoạt của người lao động và được sự cấp phép của HCDC. Nếu không đảm bảo thì phải tạm ngừng sản xuất. DN không thể vì lợi nhuận của mình mà tạo gánh nặng chi phí xã hội từ sự lây nhiễm cộng đồng.

Bên cạnh đó, khi có DN gặp rủi ro, phải ngừng sản xuất thì đời sống người lao động thế nào? Đây cũng là bài toán của DN và Chính phủ, chứ không nên khoán trắng cho DN. Bởi vì khi giãn cách xã hội, thì người lao động thất nghiệp cũng phải được hỗ trợ cơ bản thiết yếu. Trong tình hình hiện nay, việc duy trì mức sống tối thiểu của người mất việc một cách kịp thời, liên tục, ổn định trong thời gian giãn cách là một vấn đề. Người dân, DN và chính quyền địa phương phối hợp với nhau làm chuyện này hay để tự phát, không tổ chức?

Điểm mấu chốt hiện nay là chúng ta phải tránh tình trạng phong tỏa, cách ly trên diện rộng về mặt không gian, nhưng bên trong kiểm soát lỏng lẻo. Hay phong tỏa, cách ly trên diện hẹp về mặt không gian, rồi mặc kệ bên ngoài lây lan dịch bệnh.

Sở Y tế TP.HCM và HCDC phải chịu trách nhiệm chuyên môn và DN chịu trách nhiệm tài chính và pháp lý nếu gây ra các thiệt hại để lây lan cộng đồng. Hạn chế giải pháp phong tỏa và cách ly trên tổng thể, gây thiệt hại kinh tế cho DN và người lao động. 

(*) Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần cân nhắc khi đóng cửa doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO