![]() |
Hoa vốn đoản mệnh, chóng tàn. Ở phố núi Langbiang, hoa đã được bàn tay con người cải tử hồi sinh, kéo dài sự sống và xuất khẩu
Người đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ ướp bảo quản để cho ra đời những bông hoa bất tử với thời gian là nông dân Nguyễn Công Hoá, 56 tuổi, ở phường 5, thành phố Đà Lạt. Dòng sản phẩm mới lạ này chinh phục cả thị trường khó tính như Nhật Bản.
Người tiên phongDu khách tham quan nơi trưng bày hoa tươi bảo quản của công ty Rừng hoa Đà Lạt
Trong khu xưởng rộng chừng 200m2, tám thành viên trong gia đình ông Hoá tất bật đóng hàng để kịp giao đúng hẹn cho các thương lái. Ông Hoá kể, từ những thông tin mập mờ ban đầu của một số người bạn ở nước ngoài về công nghệ ướp và bảo quản hoa tươi, qua nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, đến tháng 4.2006, ông mới tìm ra được công thức lưu giữ hoa tươi qua công nghệ ướp.
“Giờ đây tôi đã có thể giữ nguyên nét rực rỡ và kéo dài sự sống cho hoa từ năm đến bảy năm, màu sắc không thay đổi, nhất là các loại hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền, bibi, loa kèn, hoa sứ, dã quỳ, cúc, cẩm tú cầu và một số loại địa lan”, ông Hoá nói.
Hoa hồng tươi loại nhất từ 1.500 – 2.000đ/bông, sau 10 ngày qua tay ông Hoá đã trở thành một sản phẩm hoa tươi bảo quản cao cấp với giá bán lẻ tăng lên gấp mười lần. Trừ đi mọi chi phí, trung bình sản phẩm hoa tươi bảo quản này (nhiều người lầm tưởng nên gọi là hoa khô) đã cho ông Hoá lãi ròng từ 3.500 – 4.000đ/bông. Hiện ông Hoá cung cấp cho các thương lái, số lượng bình quân từ 10.000 – 15.000 bông/tháng, chủ yếu là hoa hồng.
Đi sau, đến trước
Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt (Dalat Fbio Corp), cũng đã nghiên cứu thành công và cho ra đời công thức ướp hoa tươi bảo quản cho riêng họ, sau 22 tháng ròng thử nghiệm.
Ông Nguyễn Đình Chương, phó giám đốc công ty cho biết, từ cuối năm 2008 đến nay, trung bình mỗi tháng công ty đều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ 10.000 – 12.000 bông hoa tươi bảo quản. Theo ông, đây là một thị trường lớn, rất ưa chuộng sản phẩm hoa tươi bảo quản, nhưng cũng là một thị trường vô cùng khó tính, đòi hỏi sản phẩm không chỉ đạt chất lượng, kích cỡ mà màu sắc cũng là một yếu tố rất quan trọng. Tất cả đều phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, đảm bảo hoa luôn tươi, mềm và giữ nguyên sắc thái như hoa thật thì thị trường Nhật Bản mới chấp nhận. Ở Nhật, một bông hoa hồng được cho vào lọ thuỷ tinh thì có thể bán với giá từ 20 – 25 USD/sản phẩm.
Hiện Dalat Fbio Corp có thể nhuộm được 30 màu tuỳ theo đơn đặt hàng, chủ yếu là hoa hồng và một số loại hoa khác như cẩm chướng, cúc, cẩm tú cầu, loa kèn, địa lan và các loại lá trang trí.
Theo ông Chương, việc tìm kiếm thị trường của công ty lúc đầu thực hiện qua trang web, sau đó gặp đối tác ký kết hợp đồng. Hiện ngoài thị trường Nhật Bản, Dalat Fbio Corp đang có các đối tác Đức, Đan Mạch, Mỹ, Bỉ… thương thảo để tiến tới việc ký kết hợp đồng.
Và phận người tiên phong
Thông qua các thương lái, sản phẩm hoa tươi bảo quản của ông Hoá cũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản trong hai năm qua, nhưng số lượng rất ít và manh mún, chỉ từ 3.000 – 5.000 sản phẩm/tháng. Cũng đã có vài đối tác nước ngoài tìm đến yêu cầu ông Hoá cung ứng sản phẩm với số lượng lớn, nhưng do thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất nên ông đành phải từ chối hợp đồng.