Các nghề "hái ra tiền" trong 10 năm qua

03/01/2010 08:59

PG đang rất được các bạn trẻ ưa chuộng. Đại diện một công ty chuyên tổ chức sự kiện cho biết, mỗi đợt quảng cáo tuyển PG, hàng trăm sinh viên tới nộp hồ sơ đăng ký tham gia.

Các nghề

PG đang rất được các bạn trẻ ưa chuộng. Đại diện một công ty chuyên tổ chức sự kiện cho biết, mỗi đợt quảng cáo tuyển PG, hàng trăm sinh viên tới nộp hồ sơ đăng ký tham gia.

Các PG có nhiệm vụ quảng bá cho sản phẩm.

Từ năm 2000 cho đến hết 2009 đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều nghề mới và "nóng" như PG, môi giới chứng khoán, bán hàng qua mạng... Nhiều khả năng trong năm nay, năm cuối cùng của thập niên 2000 - 2010, những nghề này vẫn được ưa chuộng đủ sức "hái ra tiền".

PG, nghề “hot” của giới sinh viên

Promotion Girl (PG) có nhiệm vụ quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Muốn làm được nghề này, ứng viên phải có ngoại hình ưa nhìn, chiều cao chuẩn, gương mặt khả ái và khả năng diễn đạt tốt. Các PG làm việc theo hai dạng cố định và lưu động. PG cố định là những người đứng tại quầy để giới thiệu sản phẩm cho khách còn PG lưu động có thể nhận show theo ca, làm việc tại các lễ khai trương, khánh thành hoặc phát tờ rơi trên đường phố...

PG đang rất được các bạn trẻ ưa chuộng. Đại diện một công ty chuyên tổ chức sự kiện cho biết, mỗi đợt quảng cáo tuyển PG, hàng trăm sinh viên tới nộp hồ sơ đăng ký tham gia. Vị này cũng tiết lộ, các PG tham gia quảng cáo cho sản phẩm có thể kiếm được 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày, một tháng nếu nhận nhiều show, thu nhập có thể lên đến 2 - 3 triệu đồng.

Lương cao, mỗi buổi làm việc chỉ kéo dài hai tiếng, hơn nữa nhu cầu của các doanh nghiệp ngày càng nhiều, vì thế giới sinh viên thường đổ xô theo nghề này. Một lãnh đạo doanh nghiệp ô tô thừa nhận, trong những showroom hoặc triển lãm, nếu thiếu những PG đứng cạnh sản phẩm thì sự sinh động, hấp dẫn bị giảm rõ rệt, rất khó hút khách.

Một PG có thâm niên ba năm trong nghề tâm sự, làm nghề này không tránh khỏi những tình huống "dở khóc dở cười". "Thông thường, chúng tôi phải diễn theo chỉ đạo của doanh nghiệp. Hơn nữa, đôi khi phải hứng chịu cả sự tò mò hay những thái độ thái quá của khán giả mà không được phép phản ứng. Vì như thế có thể làm hỏng hiệu quả của buổi diễn, ảnh hưởng đến lợi nhuận, doanh số và uy tín của doanh nghiệp", PG này nói.

Bán hàng qua mạng

Sự phát triển của mạng Internet đã giúp những người "máu" kinh doanh nhưng vốn ít có thêm cơ hội để thỏa mãn sở thích của mình. Với người bán, bán hàng qua mạng đem lại lợi nhuận khá cao nhờ có lợi thế là không tốn tiền thuê địa điểm, nhân công. Còn với người mua, mua hàng qua mạng cũng đem lại nhiều thuận tiện khi có thể ngồi tại nhà để xem, khảo giá và kiểm tra chất lượng mặt hàng. Ngoài ra, nhờ không tốn phí thuê địa điểm nên các mặt hàng trên mạng thường rẻ hơn so với ngoài thị trường. Đây cũng là một lý do mà mua hàng qua mạng nhận được nhiều sự ưu ái từ các khách hàng.

Dịch vụ này đang có xu hướng phát triển từng giờ khi bất cứ mặt hàng nào dù nhỏ nhất cũng được tung lên mạng. Không khí mua bán cũng rất tấp nập, từ việc buôn bán nhỏ, lẻ của từng cá nhân trên các diễn đàn, đến nay, đã xuất hiện những “chợ ảo” có thương hiệu, chuyên tập trung những “doanh nhân” bán hàng qua mạng như muare.vn, enbac.com, chodientu.vn... Lượng người truy cập các trang web này luôn ở con số hàng nghìn. Việc xuất hiện tại các chợ này cũng đem lại hiệu quả không nhỏ cho các chủ hàng. Anh Phạm Văn Hiếu, thành viên của chovietmy.com cho biết, chỉ sau ba ngày tung quảng cáo của công ty lên mạng, lượng khách đã tăng gấp ba. Thậm chí, qua các trang web chuyên mua bán, nhiều chủ hàng đã tạo dựng được thương hiệu nhờ buôn bán qua mạng như L."túi" chuyên kinh doanh mặt hàng túi xách trên enbac.com...

Dịch vụ tại các chợ ảo này cũng phong phú không thua gì ngoài đời thực, từ mua bán, trao đổi, đấu giá đến cho thuê địa điểm quảng cáo... Sản phẩm cũng có đủ loại "thượng vàng hạ cám", từ hàng xịn xách tay đến hàng nhái theo các thương hiệu nổi tiếng, giá cả dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Chơi game... thuê

Các trò chơi trực tuyến nở rộ khiến việc "luyện" game thuê cho người khác đang trở thành phong trào thời thượng của các game thủ. Nhiều game thủ vừa được chơi game thoải mái lại vừa được trả lương. Chỉ cần vào các diễn đàn của game thủ là có thể thấy dày đặc những lời rao “nhận cày game online (GO) thuê”, hay “cần người cày GO thuê”.

Những người thất nghiệp, sinh viên nghiện GO có nhu cầu đều được tuyển vào “cày” thuê và được trả lương. Họ chỉ việc chơi game và thay nhau “cày” 24/24h để luyện level, săn đồ... Lương dành cho công việc này lên đến 1,2 - 1,7 triệu đồng mỗi tháng.

Dần dần, đã xuất hiện cả những công ty chuyên kinh doanh dịch vụ “cày” game thuê. Trang web muadi.yeah1.com có đăng thông báo tuyển dụng của Công ty game Hàn Quốc cần tuyển gamer chơi Thế giới hoàn mỹ. Mức lương: ca sáng 9 - 20h từ thứ hai đến chủ nhật là 1,6 triệu đồng; ca tối 20 - 9h hôm sau từ thứ hai đến thứ bảy: 1.400.000 đồng, nếu làm cả chủ nhật là 1.700.000 đồng.

Tại Hà Nội, có một nhóm game thủ Hà thành mở công ty lấy tên Nobita chuyên làm dịch vụ luyện game Võ lâm truyền kỳ 1. Công ty còn lập hẳn website, đưa ra gói cước 20.000 - 300.000 đồng mỗi ngày) để khách hàng chọn lựa. Không ồn ào, ầm ĩ như những quán net chuyên về GO, những game thủ tại đây làm việc trong không khí yên ắng và cần mẫn như trong một văn phòng công ty thực thụ. Bộ phận “cày” game thuê của công ty có tới tám người. Họ làm việc từ 8 - 24h mỗi ngày.

Môi giới chứng khoán

Người làm nghề môi giới chứng khoán (broker) đang trở thành một nghề thời thượng, thu nhập cao và có sức hấp dẫn với nhiều bạn trẻ. Công việc của các broker là tư vấn cho khách hàng về giá trị, tiềm năng của các cổ phiếu và đưa ra tư vấn cho các hoạt động giao dịch của giới đầu tư.

Sau 9 năm ra đời, hiện tại, thị trường Việt Nam đã có vài nghìn broker. T., sinh viên ĐH Kinh tế Hà Nội, cũng là một nhân viên môi giới chứng khoán mới làm việc hai tháng tại một sàn giao dịch chứng khoán đã có mức lương 32 triệu. Với những broker đã làm việc lâu năm và có mối quan hệ rộng thì mức lương này chưa thấm vào đâu. Với tỷ lệ hoa hồng từ 20 đến 35% tổng số phí mà các công ty chứng khoán thu được từ nhà đầu tư, các broker có thể kiếm được từ 150 - 200 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, các broker tại các sàn đầu tư chứng khoán hầu hết đều chưa có bằng cấp chuyên ngành hay kinh nghiệm. Theo quy định, nhân viên môi giới phải có các chứng chỉ hành nghề do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp. Nhưng trên thực tế, ở Việt Nam vẫn chưa có trường đào tạo chuyên ngành này mà chỉ có các khóa đào tạo ngắn hạn. Vì vậy, điều kiện tuyển môi giới của các công ty chứng khoán hầu hết là tốt nghiệp ĐH các ngành kinh tế và lanh lợi, giao tiếp tốt. Ngoài ra, điều kiện quan trọng nhất với một broker trong giai đoạn đầu mà các công ty chứng khoán yêu cầu là có mối quan hệ rộng, có thể giới thiệu nhiều khách hàng mở tài khoản và giao dịch.

Sửa chữa điện thoại di động

Du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 1996, đến năm 2001, 2002, điện thoại di động đã trở thành vật dụng cần thiết cho nhiều người. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, điện thoại di động vẫn còn khá đắt đỏ nên người tiêu dùng không thể thoải mái thay ngay một chiếc điện thoại mới khi bị hỏng. Vì vậy, nhu cầu sửa chữa điện thoại di động là rất lớn. "Ăn theo" nhu cầu đó, dịch vụ sửa chữa di động “phất” lên như diều gặp gió. Hiện tại, ở các tuyến phố Hà Nội như phố Huế, Lê Thanh Nghị, Láng... các cửa hàng sửa chữa điện thoại mọc lên như nấm.

Thời kỳ “hoàng kim” của dịch vụ này là vào những năm 2004 - 2005. Vào thời điểm đó, giá một lần sửa chữa điện thoại cao nhất có thể lên đến 2 - 3 triệu đồng. Sửa chữa điện thoại di động cũng trở thành sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Hàng loạt các trung tâm đào tạo liên tục được mở ra để đáp ứng nhu cầu. Học phí ở các trung tâm này khoảng 4 - 6 triệu đồng một khóa kéo dài bốn tháng. Mỗi lớp có tới vài chục đến một trăm học viên.

Tuy nhiên, hiện nghề sửa chữa di động gần như "bão hòa". Bởi giờ đây, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là khách hàng có thể sở hữu ngay một chiếc điện thoại di động mới. Hiện tại, các cửa hàng hầu hết cũng chỉ sửa những mức hỏng hóc đơn giản như thay card màn hình, cáp... Nhiều chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại di động đã phải xoay sang dịch vụ mua - bán điện thoại để kiếm thêm. Anh Tú, chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại di động trên đường Nguyễn Thái Học, cho biết, hiện nay giá sửa chữa điện thoại di động cao nhất cũng chỉ khoảng 80.000 đồng. "Với những sửa chữa phức tạp có chi phí lớn hơn thì thường rất ít khách có nhu cầu vì họ sẽ chuyển ngay sang mua máy mới", anh Tú nói.

Tổ chức sự kiện

Tổ chức sự kiện (event) là việc "đánh bóng" cho thương hiệu và sản phẩm thông qua những sự kiện. Đây là một nghề khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng trong vài năm gần đây lại phát triển với tốc độ "chóng mặt" và đặc biệt thu hút các bạn trẻ.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Cty Lê Bros, một trong những công ty tổ chức sự kiện lâu năm tại Hà Nội, khẳng định: "Một người giỏi về tổ chức sự kiện trước tiên phải là người tỉ mẩn, chu đáo, biết chăm chút tới từng chi tiết. Đó chính là thể hiện của sự chuyên nghiệp. Còn sự sáng tạo đương nhiên cũng là một yếu tố không thể thiếu trong nghề này, nhưng tôi chỉ xếp ở vị trí thứ 2".

Theo nhận định của bà Vũ Hoài Thu, Trưởng nhóm phụ trách Khách hàng, Công ty truyền thông T&A, hiện nay, tuy ngành nghề này đang nở rộ nhưng chủ yếu các công ty vẫn chỉ hoạt động mang tính manh mún và thiếu chuyên nghiệp, nhân sự tốt cho lĩnh vực này còn chưa nhiều.

Dịch vụ chăm sóc vật nuôi

Cuộc sống hiện đại khiến ngay cả vật nuôi cũng được hưởng những dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Dịch vụ này ngày càng phát triển phong phú, từ đồ ăn, thức uống, quần áo, giày dép, trang sức, mỹ phẩm… đến cả những dịch vụ phức tạp hơn như chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Tại các phố Trường Chinh, Trương Định (Hà Nội), cửa hàng bán đồ ăn, khám chữa bệnh và cung cấp những sản phẩm thời trang cho chó, mèo mọc lên san sát.

Thậm chí, khách sạn dành cho chó mèo của ông Nguyễn Bảo Sinh tại phố Trương Định ngoài các dịch vụ thông thường như tư vấn chăm sóc, chải lông, tắm rửa, thẩm mỹ, tiêm phòng, khám chữa bệnh... còn kiêm cả việc thu xếp nghĩa trang cho vật nuôi. Chủ nhân sẽ trả cho một suất "mộ phần" ở đây là 2,5 triệu đồng, còn việc "hương khói" ngày rằm, mùng 1… đều do ông Sinh và nhân viên lo.

Ông Sinh cũng mở dịch vụ cho thuê phòng cho các vật nuôi khi chủ đi công tác, du lịch với giá 70.000 - 80.000 đồng một ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các nghề "hái ra tiền" trong 10 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO