Cả công ty làm đại sứ hàng Việt

Nguồn SGTT| 14/11/2009 09:27

Với giới quản trị, chương trình đại sứ hàng Việt mà PNJ phát động không hề mang tính phong trào mà là một cách xây dựng thương hiệu nội bộ.

Cả công ty làm đại sứ hàng Việt

Cô nhân viên Lê Thị Kim Loan của công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nói súc tích về vai trò đại sứ hàng Việt: “Mình là nhân viên công ty Việt Nam, trước hết phải tự tin vào chất lượng sản phẩm công ty, rồi dùng sự niềm nở, tận tình trong bán hàng, trong phục vụ khách để người tiêu dùng vui vẻ, tin tưởng mua hàng”.

Không riêng gì cô, hơn hai ngàn người thuộc công ty này, từ chủ tịch hội đồng quản trị cho đến người bán hàng, đều đang hướng về nhận thức như vậy. Sau hơn hai tháng bàn luận, ngày 10/11, PNJ phát động chương trình “Mỗi nhân viên PNJ là một đại sứ hàng Việt”.

Toàn bộ nhân viên PNJ đều tham gia hưởng ứng cuộc vận động hàng Việt. Ảnh: Lê Quang Nhật

Nhu cầu tự thân

Có mặt tại buổi phát động, bà Vũ Kim Hạnh, chủ nhiệm câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao nói: “Đóng góp của PNJ chính là sự tích hợp giữa chiến lược sản phẩm và dịch vụ khách hàng, định ra như một trách nhiệm tự thân, một niềm tự hào, để nhận rõ mình là đại sứ cung ứng dịch vụ cho khách hàng Việt Nam”.

Trong 13 năm gắn bó với chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch hội đồng quản trị PNJ hiểu rõ đòi hỏi của người tiêu dùng mỗi lúc mỗi cao khiến doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, cải tiến từ kỹ thuật, mẫu mã thiết kế, chất lượng cho tới dịch vụ bán hàng. Những trải nghiệm qua tiếp xúc người dùng, phân tích hoạt động kinh doanh, khiến bà Dung thú nhận rằng, hàng đẹp phải có người bán tốt mới lấy lòng được khách hàng.

Từ năm 1992, PNJ đã đưa người sang Singapore, rồi Đức, Ý để nắm công nghệ sản xuất nữ trang và quản lý, vận hành dây chuyền sản xuất tự động. Hơn 1.000 thợ nữ trang và tám nghệ nhân được đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm chế tác hàng nữ trang của PNJ có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài việc luôn cải tiến mẫu mã theo kịp với xu hướng của thời trang quốc tế, đội ngũ thiết kế được trang bị những phần mềm hiện đại, cho phép thiết kế sản phẩm tinh xảo, nhẹ nhàng hơn.

Mỗi thiết kế mới đều phải trải qua những quy trình nghiêm ngặt trên 2D, 3D, thiết kế bằng tay, rồi mới đưa vào sản xuất hàng loạt. Mỗi năm, PNJ xuất xưởng hơn hai triệu sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, mà vẫn bảo đảm độ bóng đẹp đồng đều và độ tinh xảo.

Làm được hàng tốt, mẫu mã đẹp thôi chưa đủ. Điều mà bà Dung và đội ngũ thiết kế cũng như kinh doanh của PNJ suy nghĩ, là làm sao người tiêu dùng trong nước đều có thể mua được dù thu nhập không cao. Với ngành nữ trang, làm được các sản phẩm nhỏ, nhẹ nhưng vẫn bảo đảm tính thẩm mỹ, độ bền là một thách thức về kỹ thuật. Theo bà Dung, người dùng có thể mua được vàng nữ trang với giá 600 ngàn đồng trở lên. “Chúng tôi sử dụng vàng 10K, với hàm lượng vàng 41,6%”, bà Dung giải thích. Quan trọng hơn, là PNJ công khai tuổi vàng để người tiêu dùng có thể lựa chọn.

Thông qua câu lạc bộ Giám đốc kinh doanh vàng và hiệp hội, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, PNJ cũng tích cực vận động người kinh doanh vàng cùng cam kết với nhau để giữ uy tín độ tuổi vàng với người tiêu dùng, “Làm đúng tuổi, bán đúng giá”, không tính tiền nhân công quá rẻ mạt tạo thói quen cho người chế tác bớt xén như trước, để họ sống được bằng nghề và giữ được sự trung thực.

Đầu tư cho tương lai

Sự trung thực với khách hàng của PNJ, có lẽ, được bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ chấp nhận những giá trị như vậy. Bà Dung nói: “Con người chính là nền móng của ngôi nhà PNJ, với những phẩm chất đã được tôi luyện và thử thách trong suốt bao nhiêu năm qua, đó là sống và làm việc trung thực, thẳng thắn, biết yêu thương nhau và biết đấu tranh cho những gì tốt đẹp”. Chính nhờ vậy mà trong mô hình của PNJ, mỗi nhân viên được giao quản lý từ 50 – 1.000 lượng vàng, chưa kể kim cương và đá quý.

Theo bà Dung, ngoài những quy trình, quy chế cụ thể để mỗi người biết rất rõ trách nhiệm, và không đơn độc, hoặc chịu áp lực quá lớn, công ty còn có quỹ phòng ngừa rủi ro, cập nhật tiền lương sát tình hình lạm phát. “Cái được lớn nhất của chúng tôi là lòng tin”, bà Dung nói.

Khi PNJ phát động chương trình “Đồng hành cùng hàng Việt”, bà Dung cho rằng: “Cốt lõi nằm ở công tác quản trị để tinh thần và hành động cụ thể phải được triển khai đến từng nhân viên”. Không chỉ tin dùng hàng Việt do chính công ty sản xuất, mà PNJ còn vận động đội ngũ của họ mua phiếu sử dụng hàng Việt, cam kết ưu tiên sử dụng hàng Việt trong đời sống hàng ngày.

Với giới quản trị, chương trình đại sứ hàng Việt mà PNJ phát động không hề mang tính phong trào mà là một cách xây dựng thương hiệu nội bộ. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, giám đốc marketing PNJ nói: “Chúng tôi hiểu rất rõ xây dựng thương hiệu là sự đầu tư cho tương lai chứ không phải là chi phí”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cả công ty làm đại sứ hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO