Bốn mươi lăm năm thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Nguyễn Loan| 27/04/2020 04:00

Sau cột mốc năm 1975, nhiều thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nước ngoài và cộng đồng doanh nhân người Hoa, các tổ chức Hiệp hội, nghề nghiệp... đã tạo nhiều dấu ấn trong suốt 45 năm qua.

Bốn mươi lăm năm thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM năm 2019 đạt 409.923 tỷ đồng (102,71% dự toán), là mức thu cao nhất sau 45 năm thống nhất đất nước.

Sau cột mốc lịch sử năm 1975, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hưng, phát triển kinh tế. Song hành với công cuộc tái thiết đất nước và hội nhập, nhiều thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nước ngoài và cộng đồng doanh nhân người Hoa, các tổ chức Hiệp hội, nghề nghiệp... đã chung tay, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước và đã tạo nhiều dấu ấn trong suốt 45 năm qua.

Đặt nền móng phát triển ngành thương mại, dịch vụ

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM năm 2019 đạt 409.923 tỷ đồng (102,71% dự toán), là mức thu cao nhất sau 45 năm thống nhất đất nước. Để làm được điều đó, các thế hệ lãnh đạo TP.HCM, lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và phần lớn công chức, người lao động luôn tìm tòi cái mới, đột phá khỏi sự trì trệ, lạc hậu.

Thử thách đầu tiên của chính quyền cách mạng sau đại thắng mùa xuân năm 1975 là giải quyết vấn đề lương thực. Làm sao đủ lương thực cho 4 triệu dân thành phố trong bối cảnh mùa màng thất bát triền miên, cơ chế quản lý không phù hợp với hình thái xã hội kiểu kinh tế thị trường đã tồn tại trong thời gian dài.

Câu hỏi làm đau đầu giới lãnh đạo thành phố khi đó được bà Nguyễn Thị Ráo (thường gọi là Ba Thi) - Phó giám đốc Sở Lương thực đề xuất xuống đồng bằng sông Cửu Long mua gạo, đổi gạo đem về phục vụ người dân. Phương án được chấp thuận, tổ thu mua lúa gạo ra đời. Tuy là tổ công tác đặc biệt do UBND TP.HCM thành lập, nhưng để mua được gạo về phân phối là cả một hành trình gian khó, nhọc nhằn. Vậy nhưng với "tài thao lược", bà Ba Thi đã góp phần quan trọng giải quyết nạn thiếu lương thực cho thành phố. Cuối năm 1980, lãnh đạo TP.HCM cho thành lập công ty kinh doanh lương thực do bà Ba Thi làm giám đốc. 

Kết quả kinh doanh của Công ty Lương thực TP.HCM đã phá vỡ thế cô lập kinh tế kiểu 'ngăn sông cấm chợ', chính sách quản lý lỗi thời, tư duy bao cấp lạc hậu và đặt nền móng phát triển ngành thương mại, dịch vụ sau này. Năm 1985, bà Nguyễn Thị Ráo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Mặt tiền UBND TP.HCM tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Mặt tiền UBND TP.HCM trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1

Những hình mẫu được nhân rộng

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) mở ra định hướng mới: xóa bỏ bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, đổi mới cơ chế quản lý theo phương thức hạch toán kinh doanh XHCN; thực hiện 3 mục tiêu lớn là sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời (năm 1987), TP.HCM đã tập trung xây dựng mô hình kinh tế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trên thế giới. Kết quả ban đầu là khu vực dịch vụ như văn phòng cho thuê, nhà hàng, khách sạn phát triển nhanh chóng, góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố. 

Khó khăn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. Từ thực tế ấy, Thành ủy giao nhiệm vụ cho ông Phan Chánh Dưỡng - Giám đốc Công ty Cholimex phụ trách nhóm xây dựng đề án thành lập khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ông Phan Chánh Dưỡng nhớ lại: "Mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp hoàn toàn mới đối với Việt Nam, văn bản pháp lý về mô hình này cũng chưa có, nên chúng tôi phải vừa làm vừa mày mò học hỏi". 

Sau nhiều nỗ lực, ngày 25/11/1991, KCX Tân Thuận thành lập theo Quyết định 394/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Cơ hội này mở ra cánh cửa lớn, tạo nên làn sóng đầu tư vào TP.HCM và các vùng lân cận. Năm 2019, thành phố thu hút 8,3 tỷ USD vốn FDI, quý I/2020 đạt 65,98 triệu USD, (tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2019) trong khi dịch Covid-19 đang làm lung lay nền kinh tế toàn cầu.

Một góc toà nhà Bitexco

Một góc toà nhà Bitexco được khánh thành vào năm 2010.

Thực hiện chính sách mở cửa, TP.HCM dần hoàn thành 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ giao là thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành. 

Quá trình thực hiện 5 mục tiêu ấy đã phát sinh những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng và sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Lao động... tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho cả nước. 

Cùng với thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, TP.HCM đã xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung ở quận 12, Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi, Khu Công nghệ cao ở quận 9, Trung tâm Công nghệ sinh học ở quận 12 với mục tiêu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây đều là các mô hình chuẩn mực được các tỉnh, thành khác học hỏi kinh nghiệm. 

Lưu thông hàng hóa cởi mở, người Sài Gòn vốn nhạy bén với kinh tế thị trường nên đã phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ lớn mạnh chưa từng có. Ngoài các chợ truyền thống, TP.HCM đã xây dựng hai chợ đầu mối nông sản Bình Điền và Thủ Đức, xây dựng hệ thống siêu thị Co.opmart, hàng loạt trung tâm thương mại được các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển, đáp ứng đầy đủ sức mua của người dân thành phố và du khách.

Thành phố văn minh, hiện đại

Kinh tế phát triển đòi hỏi hạ tầng giao thông phải đồng bộ, do đó hàng loạt công trình trọng điểm như đại lộ Đông Tây, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, cầu Phú Mỹ, hầm vượt sông Sài Gòn... đã được xây dựng để cùng với mạng lưới đường thủy, đường hàng không kết nối thành phố với tất cả tỉnh, thành, khu vực và thế giới.

Liên kết phát triển du lịch TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây đã tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng và toàn diện. Riêng TP.HCM năm 2019 đón 8,619 triệu lượt khách nước ngoài và 32,77 triệu lượt khách trong nước, doanh thu trên 140.000 tỷ đồng. Đồng thời, TP.HCM cũng đang xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, trung tâm tài chính của khu vực và thế giới. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: "Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế thành phố dựa trên đổi mới, sáng tạo, lấy hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao làm mục tiêu. Xây dựng đô thị thông minh và sáng tạo sẽ tạo nên thị trường lớn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo 'làn gió mới' thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững".

Có thành tựu nhưng cũng có sai lầm, 45 năm qua, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM đã vi phạm pháp luật do chủ quan, nóng vội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi. Những sai lầm của những cán bộ ấy đều phải trả giá, trả lại sự công bằng cho xã hội và lòng tin của người dân thành phố. 

Để có một thành phố văn minh, hiện đại, TP.HCM không thể thiếu vai trò to lớn của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân của thành phố luôn tự tin, có chí làm giàu mãnh liệt đã và sẽ góp phần tạo nên bản sắc của một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bốn mươi lăm năm thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO