Bộ Y tế thí điểm cho F0 tại TP.HCM dùng thuốc Molnupiravir tại nhà

PV| 16/08/2021 04:56

Từ ngày 16/8, các F0 ở TP. HCM bắt đầu được thí điểm phát nhiều loại thuốc, trong đó có thuốc kháng virus Molnupiravir.

Bộ Y tế thí điểm cho F0 tại TP.HCM dùng thuốc Molnupiravir tại nhà

Từ 16/8, Bộ Y tế đưa thuốc Molnupiravir vào triển khai điều trị thí điểm tại nhà F0 có kiểm soát tại TP.HCM

Đó là thông tin báo chí từ Bộ Y tế ngày 14/8. Đây là chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà bao gồm các dịch vụ cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần. Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir. Theo Bộ Y tế, Molnupiravir là một trong những thuốc kháng virus giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày dùng Molnupiravir, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Cụ thể 3 hoạt động chính gồm: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe cho bệnh nhân. Trong túi thuốc sẽ có thuốc kháng virus Molnupiravir; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần giảm nguy cơ lây lan.

Trước khi triển khai diện rộng,  từ 16/8 - 22/8, Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm diện hẹp với các bệnh nhân thể nhẹ và vừa trước để đánh giá, giao bệnh viện Thống nhất (TP. HCM) và bệnh viện Phổi Trung ương triển khai. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu từ hai bệnh viện này,  Bộ Y tế giao cho trường Đại học Y dược TP. HCM và trường Đại học Y tế công cộng trực tiếp triển khai chương trình thí điểm tại cộng đồng.

Anh-HCDC-tui-thuoc-an-sinh-do-1623-6445-

Túi thuốc an sinh do phường 1 quận Tân Bình cấp phát cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: HCDC

Nếu hiệu quả tốt, sau ngày 22/8 sẽ triển khai cho các F0 tại cộng đồng. Trước khi tham gia, F0 sẽ phải điền vào phiếu chấp nhận tự nguyên tham gia chương trình. Sau khi dùng thuốc, các bệnh nhân được theo dõi hàng ngày về tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng nhật ký bệnh nhân điện tử (qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý).

Dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá tại TP. HCM, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục mở rộng sang các địa phương khác có số F0 lớn. Để nhân rộng mở rộng F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế sẽ tăng cường hệ thống tư vấn cho người bệnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như  điện thoại, zoom, zalo, viber…

Điểm đáng lưu ý, khi F0 điều trị tại nhà cần phải có thuốc hỗ trợ. Hiện Bộ Y tế có chiến lược cấp cho mỗi gia đình có F0 điều trị tại nhà một túi thuốc an sinh, trong đó bao gồm nhiều loại thuốc như kháng virus, tăng miễn dịch, bồi bổ sức khỏe... để người bệnh an tâm. Người bệnh cũng sẽ được nhân viên y tế tuyến cơ sở, bác sĩ gia đình, mạng lưới bác sĩ tình nguyện hỗ trợ tư vấn

Hiện tại, Việt Nam chưa sản xuất được thuốc Molnupiravir. Bộ Y tế đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dược phẩm tiếp xúc, đàm phán với các đối tác để mua, nhập khẩu cũng như nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất loại thuốc này. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC),  TP.HCM hiện đang điều trị 33.149 bệnh nhân, trong đó có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 41.209 người, bao gồm 15.554 trường hợp F0 mới và 25.655 trường hợp F0 sau xuất viện, đang tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ Y tế thí điểm cho F0 tại TP.HCM dùng thuốc Molnupiravir tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO