"Bộ đôi" lạm phát và tăng trưởng

TS. LƯU BÍCH HỒ| 28/05/2013 09:34

Việt Nam lấy mức tăng giảm của giá tiêu dùng (CPI) để đo mức tăng giảm của lạm phát. Từ năm 1986 đến nay, nền kinh tế đã trải qua một chặng đường đổi mới và phát triển với nhiều diễn biến sôi động.

Việt Nam lấy mức tăng giảm của giá tiêu dùng (CPI) để đo mức tăng giảm của lạm phát. Từ năm 1986 đến nay, nền kinh tế đã trải qua một chặng đường đổi mới và phát triển với nhiều diễn biến sôi động.

Đọc E-paper

Lạm phát và tăng trưởng kinh tế thường diễn biến cùng chiều khi tình hình phát triển bình thường, tăng trưởng cao đi cùng với lạm phát được kiểm soát ở trên dưới mức tăng trưởng một chút (tính theo bình quân năm của cả thời kỳ). Đó là hai thời kỳ 1992 đến 1997 (tăng trưởng 8,4%, lạm phát 9,6%) và 2002 -2007 (tương ứng là 7,9% và 7,5%).

Bên cạnh đó, khi kinh tế phát triển không bình thường thì tăng trưởng thấp và lạm phát cao (1987 -1991 tăng trưởng 5,4%, lạm phát 140,5%); hoặc tăng trưởng ở mức trung bình, nhưng lạm phát thấp (1998 -2001 tăng trưởng 6%, lạm phát 2%); hoặc tăng trưởng thấp (suy giảm mạnh) và lạm phát cao thấp đan xen (2008 - 2012 tăng trưởng 5,8%, lạm phát 12,6%).

Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn ở nước ta cho thấy, quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể của nền kinh tế trong từng thời kỳ, thời điểm.

Có thể nhận thấy ở nước ta, trong thời kỳ phát triển bình thường, tăng trưởng và lạm phát song hành cùng chiều do hiệu quả đầu tư đạt khá và chính sách tài chính, tiền tệ hợp lý.

Trong thời kỳ phát triển không bình thường, kinh tế bất ổn, nên phải thực thi chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt hoặc chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, đồng thời cố duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Tuy nhiên, kết quả điều hành thường vượt ra ngoài ý muốn do xử lý các giải pháp cụ thể không thích hợp, thể hiện rõ nét trong mấy năm vừa qua.

Những hạn chế về chính sách được thực hiện không chỉ khuôn trong thời kỳ đó mà có thể còn từ trước đó tạo hệ quả, như chính sách đầu tư không hợp lý, thâm hụt ngân sách, phân bổ nguồn lực kém hiệu quả kéo dài, mô hình tăng trưởng lạc hậu chậm chuyển đổi... Ngoài ra, các nguyên nhân khác như tham nhũng, lợi ích nhóm cũng đã tác động mạnh đến nền kinh tế.

Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp, gần đây mới đạt mức thu nhập trung bình thấp nên yêu cầu bức bách phải tăng trưởng kinh tế nhanh là dễ hiểu. Tăng trưởng lại chưa có điều kiện tốt về yếu tố thể chế, quản lý, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực nên chủ yếu phải dựa vào vốn, tài nguyên, lao động phổ thông cũng là điều dễ hiểu.

- Từ năm 2008-2012, thời kỳ lạm phát cao – thấp đan xen và suy giảm tăng trưởng mạnh, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,86%/năm, lạm phát bình quân 12,62%/năm.
- Nhìn tổng thể từ năm 1987 đến 2012, GDP tăng khoảng 5,7 lần, bình quân năm tăng 6,87%, GDP bình quân đầu người tăng gần 4 lần, tính theo giá hiện hành đã đạt 1.540USD năm 2012 và từ năm 2008 đã đạt 1.070USD/người.

Tuy nhiên, do không quan tâm đúng mức đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, quá chạy theo tăng trưởng về lượng hơn chất, bệnh thành tích, chậm xử lý các yếu kém về cơ cấu và cơ chế kinh tế; không đặt yêu cầu giữ ổn định kinh tế lên hàng đầu nên về tăng trưởng và phát triển thiếu bền vững, tuy đã được nêu ra từ sớm, nhưng không kiên quyết thực hiện.

Thể chế là yếu tố quyết định, nhưng trong nhiều năm, lĩnh vực này luôn bị lạc hậu so với yêu cầu, cả về thể chế kinh tế, hành chính. Hội nhập quốc tế sâu rộng, gia nhập WTO, yêu cầu này đã trở nên bức thiết hơn.

Việt Nam cũng đã có bước tiến lớn, nhưng một phần do khủng hoảng kinh tế thế giới tác động, ta lại phải ứng phó với nhiều khó khăn kinh tế nội tại kéo dài, không đổi mới kịp yêu cầu của cuộc sống quan điểm còn những vướng mắc, nên cải cách thể chế chậm, nhất là về cạnh tranh chống độc quyền, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, thị trường bất động sản...

Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường luôn là vấn đề mấu chốt, tuy đã được xác định về cơ bản và thể hiện trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước nhưng chưa hoàn chỉnh và việc vận dụng thực hiện chưa đúng, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống.

Trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách để chống lạm phát và ổn định nền kinh tế, vấn đề này càng bộc lộ những hạn chế, bất cập, vừa không phát huy được đúng vai trò của thị trường, vừa không bảo đảm được hiệu quả của quản lý nhà nước.

Tình hình khó khăn hiện nay có thể kéo dài đến năm 2015. Lạm phát vẫn có khả năng tăng, do phải tạo cả cầu và cung cho tăng trưởng. Do đó, cần kết hợp việc giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt với thực hiện các giải pháp cơ bản, trung dài hạn về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Sự kết hợp này đã nói nhiều nhưng làm chậm, ít hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bộ đôi" lạm phát và tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO