Biết kềm, giá khó đột biến

28/02/2010 07:08

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM tháng 2/2010 thấp hơn mức trung bình của cả nước nhờ chính quyền TP đã tổ chức làm tập trung, chặt chẽ các chương trình bình ổn giá.

Biết kềm, giá khó đột biến

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM tháng 2/2010 thấp hơn mức trung bình của cả nước nhờ chính quyền TP đã tổ chức làm tập trung, chặt chẽ các chương trình bình ổn giá. Từ bài học của TP.HCM cho thấy vẫn có thể kềm bớt đà tăng của giá cả.

Nhờ chương trình bình ổn nên giá thực phẩm ở chợ tại TP.HCM không “thoát ly” mặt bằng giá chung như các năm trước - Ảnh: N.C.T.

Theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội có chỉ số giá tiêu dùng cao nhất cả nước trong tháng 2/2010 với 2,61%, ngược lại mức tăng tại TP.HCM chỉ 1,68%.

Thêm hàng tươi sống

Từ tháng 10/2009, UBND TP đã chi 422 tỉ đồng không tính lãi suất cho 13 doanh nghiệp vay, trong thời gian sáu tháng để tạo nguồn hàng tăng từ

20-40% phục vụ nhu cầu trước, trong và sau tết của người dân. Ngoài bảy mặt hàng thiết yếu (dầu ăn, đường, gạo, trứng, thịt gia súc, thịt gia cầm và sản phẩm chế biến từ thịt), năm nay rau củ, quả tươi sống lần đầu tiên được đưa vào diện bình ổn.

Bà Quách Tố Dung, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết giá đã được kềm cả trước và sau tết. Trước đây, giá ở các chợ tăng cao thì giá thực phẩm tươi sống tại siêu thị cũng gần như chạy theo. Nay thì ngược lại, giá tại siêu thị ổn định, thậm chí thấp hơn nhiều lần dẫn đến tình trạng vào siêu thị gom hàng.

Nhiều cửa hàng, thêm thời gian bình ổn giá

Thường xuyên bình ổn giá thực phẩm

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, về lâu dài UBND TP sẽ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn các mặt hàng thiết yếu quanh năm nhằm chăm lo bữa ăn hằng ngày cho người dân chứ không chỉ vào dịp lễ tết. Những mặt hàng được lựa chọn có thể là mặt hàng thiết yếu trùng với dịp tết và nhiều mặt hàng khác.

Đây là năm thứ sáu TP.HCM thực hiện chương trình bình ổn giá hàng hóa nhằm đảm bảo cho người dân không phải đối mặt với nạn tăng giá vô lý vào dịp tết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM, công tác tạo nguồn hàng tốt đã giúp doanh nghiệp chủ động trong sự biến động giá cả. Trước đây, UBND TP chỉ ứng tiền cho doanh nghiệp mua hàng hóa trên thị trường để dự trữ sẵn, khi giá thị trường lên thì hàng bình ổn cũng biến động theo.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp tự tổ chức sản xuất, đầu tư chăn nuôi, chủ động được nguồn cung, giá thành, hiệu quả bình ổn tăng lên rõ rệt.

Một trong những yếu tố góp phần thành công cho chương trình bình ổn giá là điểm bán tăng gấp ba lần với hơn 1.000 điểm. Với hệ thống phân phối rộng khắp, người dân tiếp cận được hàng hóa dễ dàng hơn, không xảy ra tình trạng đầu cơ, khan hàng.

Nếu như dịp Tết Kỷ Sửu, việc bình ổn giá chỉ diễn ra trước và sau tết 15 ngày thì năm nay chương trình được kéo dài thêm 30 ngày, từ 15/1 đến 15/3. Điều này giúp việc kéo mặt bằng giá trở về mức như ngày bình thường nhanh hơn.

Trong tháng 12/2009, khi mặt hàng đường sốt hàng, hai doanh nghiệp tham gia đã tung hàng đường ra bán với giá cam kết không quá 18.000 đồng/kg, trong khi trên thị trường tại thời điểm đó giá đường lên đến 20.000-21.000 đồng/kg.

 Lợi cho dân, tốt cho doanh nghiệp

Ông Hoàng Thọ Xuân (vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương): Cái chính là sâu sát và mạng lưới tốt.

TP.HCM cho 13 doanh nghiệp vay 422 tỉ đồng với lãi suất 0% trong sáu tháng để mua hàng hóa dự trữ dịp tết, với 1.542 điểm bán hàng bình ổn giá. TP Hà Nội thì cho 12 doanh nghiệp vay 250 tỉ đồng trong năm tháng với lãi suất 0% để mua hàng hóa, với khoảng 120 địa điểm bán hàng bình ổn.

Kết quả ban đầu cho thấy đa số mặt hàng đã giữ giá ổn định trong tết, chỉ một số mặt hàng tăng giá sau tết. Tại TP.HCM, công tác chuẩn bị rất tốt, chính quyền TP sâu sát hơn nên giá cả được giữ tốt hơn. Hà Nội không được như vậy. TP.HCM có doanh nghiệp cam kết giữ giá đến tận rằm tháng giêng nên giá cả ổn định hơn. Không chỉ là số tiền TP.HCM bỏ ra nhiều hơn, thời gian dài hơn mà chính là sự sâu sát và mạng lưới phân phối ở TP.HCM tốt hơn. Những vấn đề này sẽ được chúng tôi tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm cho các năm sau.

Từ chương trình bình ổn đầu tiên vào năm 2004 khi đối phó với dịch cúm gia cầm, UBND TP.HCM lúc đó đã chỉ đạo các công ty mua gà, trữ đông để tiêu thụ trong dịp tết, đến nay đã có thêm bảy mặt hàng thiết yếu nằm trong diện bình ổn giá.

Bà Hồng cho rằng chương trình đã khuyến khích được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Công ty TNHH Ba Huân đầu tư thêm nhà máy xử lý trứng công suất 120.000 trứng/giờ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chi phí sản xuất và giá thành.

Các doanh nghiệp cho biết nếu xây dựng được chương trình bình ổn quanh năm sẽ giúp nguồn hàng dồi dào, ổn định hơn. Ông Phạm Văn Minh, giám đốc Công ty Phú An Sinh, cho biết bản chất chương trình bình ổn là cân đối cung cầu.

Một khi tạo được sự xuyên suốt luân chuyển hàng hóa quanh năm, TP sẽ đối phó được với các đợt biến động giá, bởi việc thực hiện bình ổn theo thời điểm hiện nay vẫn khá bất cập.

“Doanh nghiệp mua dự trữ hàng bình ổn trước tết 3-4 tháng nên rủi ro mua cao, bán thấp rất dễ xảy ra. Trong khi nếu bình ổn quanh năm doanh nghiệp có thể chọn thời điểm giá thấp để mua vào, cũng có lợi cho nông dân. Ngược lại thời điểm giá cao, doanh nghiệp sẽ bung hàng ra để kềm giá” - ông Minh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biết kềm, giá khó đột biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO