'Bật đèn đỏ' về môi trường kinh doanh Việt Nam

Nguồn VietNamNet| 02/12/2009 07:14

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng "nút thắt" quen thuộc này sẽ trở thành cản trở lớn với đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của VN, nếu không được giải quyết mạnh mẽ thời gian tới.

'Bật đèn đỏ' về môi trường kinh doanh Việt Nam

"Bật đèn đỏ" Chính phủ vấn đề cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng "nút thắt" quen thuộc này sẽ trở thành cản trở lớn với đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của Việt Nam, nếu không được giải quyết mạnh mẽ thời gian tới.

Ảnh: XL

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - hoạt động trước thềm Hội nghị các nhà tư vấn tài trợ cho Chính phủ (CG) diễn ra sáng nay (1/12) tại Hà Nội. Với chủ đề "Phục hồi kinh tế Việt Nam", Diễn đàn xoay quanh những vấn đề "hậu khủng hoảng" kinh tế, đặc biệt những điều tra mới nhất về cảm nhận môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam năm 2009.

Sức ép quản lý tiền tệ, vàng

Đại diện cho khối doanh nghiệp trẻ, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Vương Anh đề cập ngay vấn đề quản lý ngoại tệ, vàng đang diễn biến phức tạp, khó lường, khiến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Vương Anh cho hay các doanh nghiệp lo ngại về việc điều hành kinh tế vĩ mô liên quan đến các thị trường như tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, thị trường vàng hiện không có điều tiết thống nhất dẫn đến mỗi biến động của thị trường thế giới đều tác động đến hành vi đầu cơ, do vậy đầu vào của doanh nghiệp sản xuất không thể kiểm soát và hiệu quả xuất khẩu có thể bằng 0 hoặc âm.

"Với việc đồng Việt Nam hiện đã mất giá khoảng hơn 20% so với USD, giá cả nhu yếu phẩm tiếp tục tăng, các mặt hàng chiến lược như xăng dầu luôn được điều chỉnh theo thị trường thế giới và tỷ giá ngoại tệ, sức ép lên doanh nghiệp và người lao động sẽ ngày càng gia tăng", Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ phản ánh.

Bỏ thủ tục không nhất quán

Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam Alain Cany:

Eurocham cho rằng việc Chính phủ chú trọng kích thích tài chính có thể làm chệch hướng của Việt Nam trong quá trình cải cách chung. Chúng tôi tin rằng Chính phủ không nên "đi chệch đường" bằng việc phục hồi mạnh trong ngắn hạn, mà phải tập trung vào việc giải quyết các rào cản căn bản ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo cảm nhận chung, chúng tôi cho rằng đường hướng đúng đắn của Chính phủ trong tình hình hiện nay là thúc đẩy thay đổi cơ cấu kinh tế sao cho có thể tăng năng suất và phát huy tối đa các tiềm năng tăng trưởng.

Năm nay, lĩnh vực thay đổi rõ nhất được các doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận là quá trình cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính của Nhà nước.

Đánh giá cao động thái thống kê và công bố bộ thủ tục hành chính cũng như mục tiêu Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương giao phải đơn giản hóa ít nhất 30% số thủ tục hiện nay, song cộng đồng doanh nghiệp đòi hỏi có những cải cách mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch Phòng Thương mại Úc (Auscham) Paul Fairhead cho rằng các thủ tục hành chính vẫn "thiếu hiệu quả, phức tạp và phát sinh các chi phí không cần thiết làm cản trở các hoạt động kinh tế".

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) thì chỉ ra quy trình cấp phép thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn phức tạp.

Khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ các biện pháp của Chính phủ thực hiện Đề án 30, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Siebert cũng cho rằng cải cách hành chính, bao gồm cả việc đơn giản hóa quá trình phê duyệt, cho phép đủ thời gian để góp ý, rà soát luật, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư là công việc quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

"Nếu Thủ tướng thực hiện các biện pháp mà ông đã hứa, thì thế giới sẽ biết rằng Việt Nam nghiêm túc trong cải cách và trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nếu dự án này không tiến triển, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nghi ngờ quá trình cải cách và cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam", ông Thomas nhấn mạnh.

Trong số 5 giải pháp hàng đầu quan trọng nhất khuyến nghị Chính phủ thực hiện ngay để cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước nhận định ưu tiên số một cần làm là tiếp tục cải cách hành chính, bãi bỏ các giấy phép, quy định, thủ tục không cần thiết và không nhất quán.

Chất lượng cơ sở hạ tầng

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng để cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên số một là cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Đã nhiều lần đề cập đến vấn đề cơ sở hạ tầng trong nhiều cuộc họp của Diễn đàn doanh nghiệp, song lần này, cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước "bật đèn đỏ" nếu Chính phủ không mạnh mẽ hơn để giải quyết "nút thắt" quen thuộc này, các vấn đề về cơ sở hạ tầng sẽ là cản trở lớn cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Có tới 87,8% doanh nghiệp nước ngoài và 83% doanh nghiệp trong nước được hỏi cho rằng chất lượng cơ sở hạ tầng là kém và rất kém. Một trong những lời giải hiến kế cho Chính phủ là tạo động lực thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.

"Sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng, cung cấp nguồn tài chính và quản lý hạ tầng là vô cùng cần thiết, nhất là trong sản xuất điện năng và cảng nước sâu", Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ kiến nghị.

Theo ông, trong xây dựng hạ tầng cơ bản, vẫn còn tình trạng "thiếu" và "chậm trễ", nhất là đường liên tỉnh, cầu, kể cả đường tiếp cận, điện năng, cảng biển có vị trí chiến lược, các công trình hạ tầng trên đất liền có liên quan và giao thông nội đô như hệ thống xe điện nhẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
'Bật đèn đỏ' về môi trường kinh doanh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO