Bài 1: Thị trường đủ lớn

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 22/07/2010 08:20

Thị trường quảng cáo Việt Nam đang được xem là tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á với doanh thu năm 2009 lên đến 1 tỷ USD.

Bài 1: Thị trường đủ lớn

Thị trường quảng cáo Việt Nam đang được xem là tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á với doanh thu năm 2009 lên đến 1 tỷ USD. Thế nhưng, tuy có những thay đổi nhanh chóng về mặt thị trường và các hình thức quảng cáo, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là nơi áp dụng công nghệ quảng cáo chứ chưa trở thành một trung tâm phát triển công nghệ quảng cáo. Vì vậy, phần lớn nhất của "miếng bánh" này vẫn nằm ngoài tầm với của các doanh nghiệp trong nước.

Thị trường quảng cáo Việt Nam đã đủ lớn, nhưng so với cách đây nhiều năm vẫn không thay đổi về thị phần: ưu thế vẫn thuộc về các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài.

Bài 2: Công nghệ làm phim quảng cáo: Chưa thành nghề

Bài 3: Điều chỉnh và phân hóa

Miếng bánh đã nở ra

Dù chỉ có 30 giây quảng cáo cho một sản phẩm cà phê, nhưng công ty quảng cáo phải cử một đoàn hơn 10 người sang Thái Lan thực hiện, giám sát hợp đồng này trong ba ngày duyệt hậu kỳ. Trước đó, quy trình từ khi lên ý tưởng cho đến khi thực hiện kéo dài gần hai tháng. Chi phí cho quảng cáo truyền hình (TVC) ngắn ngủi này khoảng 150.000USD...

Biển quảng cáo tại TP.HCM - Ảnh: Quý Hòa

Đó là chuyện thường thấy của các hợp đồng quảng cáo tại Việt Nam, dù là nhãn hiệu trong hay ngoài nước. Thời gian và chi phí thực hiện cho thấy: Cùng với sự phát triển của thị trường, quảng cáo tại Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Theo Công ty Truyền thông TNS, năm 2007, tổng doanh thu quảng cáo là 440 triệu USD, và đến năm 2009 đã tăng lên 700 triệu USD ở 40 kênh truyền hình và 67 đầu báo và tạp chí. Năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, vẫn “mạnh tay” chi cho quảng cáo.

Thống kê của Tạp chí Quảng cáo châu Á - Thái Bình Dương cũng cho thấy, chi phí quảng cáo của Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với nhiều nước: Năm 2007-2008, GDP của Trung Quốc khoảng 5.000 tỷ USD thì chi dùng cho quảng cáo của họ lên đến 100 tỷ USD, chiếm 2%. Tương tự, đầu tư cho quảng cáo của Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore... cũng chiếm 2 - 3% GDP cả nước. Trong khi đó, hiện tại, GDP của Việt Nam ước tính khoảng 90 tỷ USD/năm, nhưng chi phí hợp lý, hợp lệ (gồm tiếp thị, quảng cáo, khuyến mãi…) chỉ chiếm 1 tỷ USD.

Và tính bình quân, mức tăng trưởng của quảng cáo năm 2009 lên đến 20%. Còn theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hầu hết các loại hình báo chí, bao gồm 800 ấn phẩm báo in, 200 kênh truyền hình ở Trung ương và địa phương, trên 50 đơn vị báo điện tử, đều tham gia quảng cáo.

Lý giải về sự tăng trưởng mạnh mẽ này, ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, cho rằng, đó là do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao cộng với các DN Việt Nam ngày càng nhận thức được phải dành ngân sách cho quảng cáo thì mới mong kinh doanh đạt hiệu quả.

Cùng quan điểm này, bà Monica Morelos, Tổng giám đốc Điều hành Công ty Quảng cáo Riverorchid Vietnam, khẳng định: “Kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, và ở đâu có tăng trưởng kinh tế thì ngành truyền thông quảng cáo ở đó cũng sẽ phát triển”.

Trước đây, tại Việt Nam, thường chỉ các tập đoàn quốc tế lớn mới quan tâm đầu tư vào truyền thông thương hiệu, nhưng những năm gần đây, mức độ đầu tư cho hoạt động này của các công ty trong nước tăng lên rõ rệt. Điều này đã minh chứng cho nhận định của bà Monica Morelos. “Hàng ngày xem tivi bạn cũng được xem clip quảng cáo của rất nhiều nhãn hiệu sản phẩm, chẳng hạn như Dr. Thanh, X-men, Vinamilk..., và các công ty Việt Nam đang cạnh tranh giờ phát sóng với những nhãn hiệu quốc tế như Pepsi, Nestlé, Unilever...”.

heo bà Trần Uyên Phương, Giám đốc Truyền thông Công ty Tân Hiệp Phát, sở dĩ các DN chi mạnh cho truyền thông, quảng cáo là bởi “cuộc chiến” trên thị trường hiện nay giữa các DN là “cuộc chiến” trong tâm trí người tiêu dùng và vũ khí quan trọng giúp mang lại hiệu quả kinh doanh nằm ở truyền thông, tiếp thị và quảng cáo.

Không chỉ các DN sản xuất, kinh doanh quan tâm đầu tư cho quảng cáo, mà chính các công ty quảng cáo cũng phấn đấu để ngày càng chuyên nghiệp hơn. Điều này thể hiện qua nội dung của quảng cáo trên báo chí, truyền thanh và truyền hình.

“Vụn bánh” không nhiều

Thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 3.000 DN đăng ký ngành nghề quảng cáo, nhưng thực chất chỉ khoảng 1.500 DN có các hoạt động liên quan đến quảng cáo. Tuy nhiên, làm quảng cáo đúng nghĩa (có đầy đủ các hoạt động từ sáng tạo, xây dựng chiến lược cho sản phẩm, thương hiệu đến đăng ký quảng cáo trên truyền hình - phương tiện truyền thông, quảng cáo ngoài trời...) thì chỉ có khoảng 30 DN và hầu hết là các công ty nước ngoài với các tên tuổi như Ogilvy & Mather Vietnam, Saatchi & Saatchi Vietnam, Lowe, Stitch, Chuo Senko Vietnam, DDB Vietnam, TBWA, Riverorchid, Bates 141...

Điều đáng nói là các công ty quảng cáo nước ngoài tuy có tỷ lệ nhỏ về số lượng, nhưng lại chiếm tới 80% doanh thu. Nguyên nhân của sự chênh lệch này, theo ông Cáp, là do các DN quảng cáo trong nước yếu về nhiều mặt: công nghệ, tài chính, tính chuyên nghiệp, và đa phần làm thuê cho các DN nước ngoài.

Ngoài ra còn do hầu hết các thương hiệu đầu tư mạnh cho quảng cáo đều thuộc các tập đoàn đa quốc gia. Mà những tập đoàn này thường đã ký hợp đồng với những đối tác quảng cáo nước ngoài, nên các chiến dịch quảng cáo của họ tại Việt Nam cũng do đối tác nước ngoài thực hiện. Do vậy, các DN trong nước có muốn làm việc với đối tác lớn cũng không có cơ hội.

Từ thực tế làm việc với nhiều công ty quảng cáo, bà Uyên Phương đánh giá cao các DN nước ngoài: “Các công ty quảng cáo nước ngoài có điểm mạnh là biết “nhìn xa trông rộng”, có hoạch định chiến lược và sự sáng tạo khác biệt cho từng sản phẩm. Trong khi đó, các dịch vụ cung cấp cho khách hàng của các DN trong nước hầu hết vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, thuần túy kỹ thuật”. Đây chính là lý do khiến hầu hết các DN chi mạnh cho quảng cáo như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, ICP, MobiFone, Viettel, Vietnammobile... đều chọn các đối tác nước ngoài. 

Nhân lực - cơn khát của doanh nghiệp nội

Không chỉ yếu về công nghệ, tài chính, tính chuyên nghiệp, ngành quảng cáo Việt Nam còn đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sáng tạo Công ty Brand Vision, ở Việt Nam chưa có trường đào tạo chính quy ngành quảng cáo, nên hầu hết những người làm việc trong ngành này đều phải tự mò mẫm, tự học hỏi để rút kinh nghiệm. Do vậy, khi có những đơn đặt hàng quảng cáo đòi hỏi sự chuyên nghiệp và sáng tạo cao, các công ty quảng cáo trong nước vẫn phải nhờ đến những chuyên gia quảng cáo và sáng tạo nước ngoài. Ông Thủy cho biết, mỗi khi tuyển dụng nhân sự, phải mất ít nhất ba tháng để đào tạo lại nhân viên quảng cáo.

Thời gian gần đây, một số chương trình đào tạo nhân sự ngành quảng cáo đã được các đơn vị như Việt Nam Marcom, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam - ARTI Việt Nam… tổ chức, nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo nhân sự quản lý chung chung chứ không phải là đào tạo nhân sự chuyên ngành. Từ hai năm nay, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam mới chỉ mở được 10 lớp đào tạo ngắn hạn về marketing, PR… “Phần đông những người theo học các khóa này chủ yếu là sinh viên hoặc nhân viên các công ty sản xuất, kinh doanh. Còn thực sự làm trong lĩnh vực quảng cáo thì chẳng có mấy ai, vì giáo trình là những kiến thức họ đã biết cả rồi!”, ông Nguyễn Quý Cáp nói.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Thị trường đủ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO