Bắc cầu cho sản phẩm miệt vườn

VÂN ANH| 22/01/2010 08:07

Bốn mươi bốn doanh nghiệp đưa hàng Việt về huyện Châu Thành và Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (từ ngày 8 - 10/1) đã thu hút khoảng 28.000 người đến mua sắm, đạt doanh số gần 1,4 tỷ đồng...

Bắc cầu cho sản phẩm miệt vườn

Bốn mươi bốn doanh nghiệp đưa hàng Việt về huyện Châu Thành và Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (từ ngày 8 - 10/1) đã thu hút khoảng 28.000 người đến mua sắm, đạt doanh số gần 1,4 tỷ đồng. Đó là bề nổi của đợt mua bán này, còn bề sâu là để phát triển thương mại nông thôn một cách bài bản. 

Kỳ vọng

Chợ nông sản Hóc Môn, TP.HCM, nơi nông dân ĐBSCL có thể bán sản phẩm với số lượng lớn - Ảnh Quý Hòa

Đây là đợt mà Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng 44 doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khơi thông dòng chảy hàng hóa Việt “chính hãng” về nông thôn, củng cố và phát huy hệ thống phân phối hàng Việt ở nông thôn, đồng thời kích hoạt tinh thần hỗ trợ nông dân phát triển thương mại thông qua tọa đàm “Kết nối nhà sản xuất - doanh nghiệp chế biến - nhà phân phối”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, là người được nông dân Đồng Tháp mong đợi góp phần thúc đẩy việc mua bán giữa nông dân và nhà chế biến. Nhiều nông dân biết Vinamit có chương trình gắn kết vùng nguyên liệu rất thành công ở Cà Mau. Ông Viên cho biết, chương trình nông sản - chế biến này được thực hiện với mức đầu tư 20 tỷ đồng. Vinamit hỗ trợ nông dân vốn, kỹ thuật và tổ chức lại cách sản xuất theo kiểu “làm ăn có hợp đồng”, tức sản phẩm phải đúng quy cách và đồng đều.

Anh Nguyễn Văn Thọ ở thị trấn Cái Tàu Hạ (Châu Thành - Đồng Tháp), thú thật: “Trước năm 1975, tôi sống ở Sài Gòn, học ngành kinh tế. Sau trở về quê làm vườn, bà con nói tui là nhà nông lai. Bây giờ đã thành ông ngoại, thành nhà vườn rặt nhưng trở lên Sài Gòn bán trái cây bị thua hoài do mình không có thương hiệu và số lượng ít.

Ở đây mình có vài chục tấn trái là cùng, lên tới chợ đầu mối mới thấy mênh mông, giá nào cũng có. Mình muốn giá cao, người mua muốn giá thấp thì biết làm sao! Năm nay nhãn có giá 7.500 đồng/kg, hai công nhãn của tôi thu được 50 triệu đồng. Hai công cam sành thu được 140 triệu đồng. Cam bán ra ngoài Bắc lời 50%, nhưng nhãn chỉ lời chút đỉnh. Hiện nay, cam đang mùa chín tới nhưng có lẽ phải “treo” để bán lên Sài Gòn dịp Tết tới”.

Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ vựa Chín Tâm, cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông sơ chế, đóng gói, vận chuyển khoảng 15 tấn nhãn ra miền Bắc. Mối lái của ông ở Châu Thành, Đồng Tháp có thể cung cấp 50 tấn nhãn/ngày. Nhưng cứ bán như vậy chứ chẳng có tên tuổi gì. Châu Thành là vùng nhãn hàng ngàn hecta. Cũng có nghĩa hàng vạn con người đang sống nhờ dòng sản phẩm này. Làm cách nào để đừng thua thiệt?

Các chuyên gia của BSA Hoàng Trọng, Trần Anh Tuấn chia sẻ với các nhà sản xuất miệt vườn thông tin xu hướng tiêu dùng, cách tiếp cận các nhà phân phối lớn. Hai chuyên gia này đã đến vùng trồng khoai lang ở Châu Thành, nơi nuôi cá làm khô ở Tràm Chim, thăm các chành vựa trái cây để đưa ra những góp ý sát hợp với nông dân.

Tìm kiếm mô hình đột phá

Ông Huỳnh Minh Phụng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, nói: “Chúng tôi có vùng trồng khoai lang khá lớn, cây ăn trái thì có nhãn giống mới Indor, ổi không hạt, xoài, cam sành..., nếu có đầu ra ổn định là tụi tui tổ chức bà con sản xuất theo đơn đặt hàng”.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, các chuyên gia đang tiếp tục khảo sát thực tế ở nhiều vùng nguyên liệu, tiếp xúc nông dân ở nhiều địa phương nhằm tìm kiếm ứng viên để hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Tại Châu Thành, ông Phạm Hữu Hiện muốn xây dựng thương hiệu cho nhãn Indor, ông Chín Tâm muốn xây dựng thương hiệu nhãn tiêu da bò. Nông dân Châu Thành có vùng trồng nhiều loại khoai lang rộng lớn, nhưng chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng bao tiêu số lượng lớn. Cuộc trao đổi giữa nông dân với lãnh đạo siêu thị Co.opMart, Vinamit đã nhận được 18 yêu cầu hợp tác tiêu thụ trái cây, lúa gạo, cá khô, khoai... kèm theo yêu cầu hỗ trợ tổ chức cộng đồng và giải pháp nâng cao giá trị hàng hóa, hoàn thiện sản phẩm của 18 cơ cở sản xuất và đại diện cộng đồng ở các xã, ấp.

Từ những ý kiến của doanh nhân về cùng hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản, đã giúp nhiều nông dân càng thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất hàng hóa để cung cấp số lượng lớn cho thị trường, tức là phát triển thương mại nông thôn theo chiều hướng có mang lại lợi nhuận cao và ổn định.

Ông Nguyễn Lâm Viên mong muốn làm thế nào để nông dân và doanh nghiệp có thể nhìn thấy khả năng của nhau để ký được hợp đồng và nông dân hưởng được những lợi ích từ việc khai thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Mô hình được kỳ vọng ấy là xây dựng công ty cổ phần nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và dòng sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắc cầu cho sản phẩm miệt vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO