8 quy định mới có hiệu lực trong tháng 1/2015

P.V| 02/01/2015 06:33

Tăng lương tối thiểu vùng, thay đổi mức đóng BHYT, tăng mức xử phạt xe tải; xử phạt về đất đai; tinh giản biên chế… là những quy định mới, quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 1/2015.

8 quy định mới có hiệu lực trong tháng 1/2015

Tăng lương tối thiểu vùng, thay đổi mức đóng BHYT, tăng mức xử phạt xe tải; xử phạt về đất đai; tinh giản biên chế… là những quy định mới, quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 1/2015.

1. Chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn.

Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê mà chưa được UBND tỉnh cho phép bị phạt từ 20 triệu đến 200 triệu đồng.

Trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở thì sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng tùy thời gian làm chậm và số hộ gia đình, cá nhân bị làm chậm.

Lấn chiếm đất ở sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định.

2. Tăng mức lương tối thiểu vùng

Từ ngày 1/1/2015, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động có hiệu lực.

Theo đó mức lương vùng I là 3,1 triệu đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng I năm 2014 là 400.000 đồng), vùng II là 2,75 triệu đồng/tháng, vùng III 2,4 triệu đồng/tháng và vùng IV 2,15 triệu đồng/tháng.

3. Thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế

Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (người lao động) mức đóng bảo hiểm bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động.

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng cũng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì mức đóng bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.

Còn mức đóng của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là 4,5% mức lương cơ sở.

Riêng người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế.

4. Tăng lương đối với cán bộ xã đã nghỉ việc

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh lương hưu đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; theo đó, sẽ tăng 8% đối với toàn bộ đối tượng (không phân biệt thời điểm nghỉ hưu). Việc tăng lương được thực hiện từ ngày 1/1/2015. Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và trình tự thủ tục rút gọn quy định.

5. Nhiều trường hợp không được tinh giản biên chế

Từ 10/1/2015, những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định, nếu thôi việc ngay thì được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm và được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế quy định.

Chưa xem xét tinh giản biên chế đối với các trường hợp: Những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 38 tháng tuổi; những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Tăng mức phạt xe quá tải

Nghị định 107/2014/NĐ-CP sẽ tăng mức phạt đối với hành vi chở quá tải và hành vi xếp hàng hóa quá tải lên xe.

Tăng lên xử phạt 12 - 14 triệu đồng đối với cá nhân và 24 - 28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% đến 60% quy định. Tăng xử phạt 14 - 16 triệu đồng đối với cá nhân và 28 - 32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% đến 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 50% đến 100%) quy định.

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện việc xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe, ở mức trên 40%.

Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định trên 100% (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Đồng thời tước quyền sử dụng GPLX 3 tháng.

7. Hỗ trợ hộ chăn nuôi gia súc

Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (gọi chung là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

Cụ thể: hộ chăn nuôi được hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống lợn, trâu, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ.

Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đồng/1 con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị. Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

8. Điều kiện nhập khẩu tàu khách

Điều kiện nhập khẩu đối với tàu khách: Tuổi của tàu khách, tàu chở người được phép nhập khẩu không được quá 10 năm. Đối với các phương tiện thủy còn lại tối đa là 15 năm.

Không được nhập khẩu tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi vỏ gỗ và các phương tiện thủy không đủ căn cứ xác định được năm đóng phương tiện. Các tàu cao tốc chở khách hết niên hạn sử dụng từ ngày 5/1/2017 sẽ không được kéo dài thời gian hoạt động.

Nghị định 111/2014/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1/2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
8 quy định mới có hiệu lực trong tháng 1/2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO