4 vấn đề then chốt tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

HỒNG BÍCH| 07/11/2017 01:40

Với chủ đề Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung, Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6 - 11/11 với 8 sự kiện chính cùng nhiều hoạt động bên lề, nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

4 vấn đề then chốt tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức bắt đầu với Hội nghị Tổng kết quan chức cấp cao (CSOM), kéo dài trong 2 ngày 6 - 7/11.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang chủ trì và tham dự các sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, gồm Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN trong ngày 10/11, lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, phu quân, phu nhân và tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (tối 10/11), Hội nghị Lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (ngày 11/11). Chủ tịch Nước sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra từ ngày 8 - 10/11.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 có sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, với các bài phát biểu quan trọng, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin... Theo chương trình nghị sự, lãnh đạo 21 nền kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác đạt được trong suốt cả năm. Cùng với đó là định hướng hợp tác của Diễn đàn Kinh tế APEC trong những năm tiếp theo.

>>12 câu nói ý nghĩa nhất của Jack Ma tại APEC 2015

Nhằm thể hiện chủ đề Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ thảo luận các định hướng cho Diễn đàn trên 4 vấn đề then chốt:

Thứ nhất, khơi dậy động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của các nền kinh tế APEC. Các động lực đó cần gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trang bị cho người lao động những kỹ năng làm việc trong môi trường số, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, khai phá tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Các thành viên cũng cần hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC tự cường và bao trùm, phát triển đô thị, nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nước và năng lượng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và tạo thuận lợi hơn cho các nhóm người dễ bị tổn thương. Những nỗ lực này sẽ góp phần đưa chất lượng tăng trưởng của APEC lên một tầm cao mới.

Thứ hai, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối khu vực. Đẩy nhanh hoàn tất các "Mục tiêu Bogor" vào năm 2020, tăng cường liên kết, kết nối khu vực sâu rộng và hướng tới hình thành FTAAP (Khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương) để gắn kết chặt chẽ hơn các nền kinh tế và doanh nghiệp APEC với dòng chảy thương mại và đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương. APEC cần tiếp tục thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, không phân biệt đối xử và mang tính bao trùm.

Thực tiễn thương mại thế giới đòi hỏi các thành viên tăng cường hợp tác trên các vấn đề chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thương mại điện tử..., tiếp tục nâng cao năng lực và hài hòa chính sách. Đây là những tiền đề quan trọng để Diễn đàn tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế đa tầng nấc.

Thứ ba, đóng góp vào việc củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung. Nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động của thời cuộc, đi đầu cải cách, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác để mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân và các doanh nghiệp trong khu vực. APEC cũng cần góp phần tích cực triển khai các cam kết toàn cầu, đặc biệt là các mục tiêu đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thứ tư, để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư, cần thảo luận các bước đi để xây dựng tầm nhìn chiến lược cho Diễn đàn sau năm 2020. Tầm nhìn đó cần gắn với việc đưa APEC đi đầu trong việc thúc đẩy liên kết, kết nối, tăng trưởng chất lượng, bền vững và bao trùm, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, kinh tế số, kinh tế mạng, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây chính là những nhu cầu phát triển nội tại của các nền kinh tế thành viên và xu thế chung của hợp tác quốc tế trong thế kỷ XXI.

>>Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016: Những nhà Nobel kinh tế nói gì?

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với APEC, trong 20 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn.

Bước vào giai đoạn đổi mới đồng bộ và toàn diện, với việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng các nền kinh tế thành viên vun đắp cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng sẽ diễn ra nhiều sự kiện, nhiều cuộc gặp song phương quan trọng giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Đây chính là cơ hội để APEC nói chung và mỗi nền kinh tế thành viên nói riêng tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, tạo ra một tầm nhìn mới cho Châu Á - Thái Bình Dương. Tầm nhìn ấy không chỉ là trong kinh tế, thương mại mà xa hơn là sự ổn định, tăng trưởng, hòa bình và thịnh vượng cho toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 vấn đề then chốt tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO