10 sự kiện doanh nhân - doanh nghiệp tiêu biểu năm 2019

DNSG| 22/01/2020 09:59

Năm 2019, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD. Thành tựu này có sự góp sức tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Để ghi nhận những đóng góp đó, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã tiến hành bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

1. Cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ đặc biệt quan tâm

Doanh-nhan-1-1366-1579660516.jpg

Thông qua nhiều hoạt động trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sự đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh. Nhiều hội nghị gặp gỡ và ghi nhận những kiến nghị của các khối doanh nghiệp đã được tổ chức. Tại đây, Thủ tướng đã trực tiếp lắng nghe để ghi nhận và đề nghị các bộ ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển. 

Năm 2019 cũng là năm kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2019) và 74 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương. Nhiều hoạt động đã được cơ quan liên quan tổ chức nhằm ghi nhận, cổ vũ, động viên doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua mọi khó khăn thách thức vươn lên không ngừng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

2. Doanh nhân - doanh nghiệp hiến kế

doanh-nhan-2-4375-1579660516.jpg

Lần đầu tiên doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam được mời tham gia hiến kế phát triển kinh tế thông qua cuộc vận động doanh nhân, doanh nghiệp hiến kế nhằm hoàn thiện cơ chế, thể chế kinh tế. Đây là chương trình đặc biệt do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức. Cuộc vận động nhằm mục đích phát huy trí tuệ, khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng và Nhà nước nhất là Nghị quyết 10, Hội nghị TW5, Ban chấp hành Trung ương khóa 12.

3. Doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ vào thị trường hàng không

bamboo-01-3611-1579660516.jpg

Năm 2019, Bamboo Airways chính thức gia nhập thị trường hàng không. Nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng công bố tham gia thị trường hàng không như Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Công ty CP Hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar), Công ty CP Hàng không Thiên Minh (dự án Hãng hàng không Kite Airlines)... Việc nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ hàng không sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường vốn trước đây chỉ dành cho một vài ông lớn. Cũng nhờ đó, người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho việc di chuyển bằng đường hàng không.

4. Nhiều thương vụ mua bán của ngành bán lẻ

ban-le-sap-nhap-03-7026-1579660516.jpg

Năm 2019, nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập bất ngờ đã diễn ra ngành bán lẻ. Trong đó, nhà bán lẻ nội - Saigon Co.op đã tiếp quản tất cả hoạt động của Auchan (Pháp) tại Việt Nam gồm 18 cửa hàng Auchan đang hiện diện cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online. 

Đây được xem là một sự kiện khá đặc biệt, khi doanh nghiệp nội tiếp quản doanh nghiệp ngoại thay vì ngược lại. Trong năm 2019, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập cũng diễn ra giữa các doanh nghiệp nội với nhau như Vingroup mua lại Viễn thông A, Shop & Go; Masan mua lại Vincommerce (chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+). 

Loạt thương vụ mua bán bất ngờ, kịch tính này cho thấy sự vươn lên của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ trong nước, tạo nên bức tranh thị phần bán lẻ có sự thay đổi đáng kể, với ưu thế nghiêng về doanh nghiệp nội.

5. báo động vấn đề xuất xứ hàng hóa việt nam

Asanzo-03-7623-1579660516.jpg

Câu chuyện “đội lốt hàng Việt” của Công ty Asanzo trong năm 2019 đặt ra vấn đề về tính trung thực trong kinh doanh của doanh nghiệp và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng. Sự việc này xảy ra tiếp nối câu chuyện của Khải Silk trước đó, làm dấy lên câu hỏi về việc ghi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước như thế nào cho đúng quy định. 

Thông qua vụ việc này, nhiều câu hỏi được đặt ra về định nghĩa hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Sự nổi cộm của vụ việc giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa này, dẫn đến việc Bộ Công Thương sau đó đã ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi xuất xứ hàng hóa sản xuất trong nước.

6. Thêm một doanh nghiệp tư nhân lớn nhảy vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất ô tô

nha-may-vinfast-02-7459-1579660517.jpg

Năm 2019, nhà máy ô tô VinFast chính thức khánh thành và đưa sản phẩm ra mắt thị trường. Đây là nhà máy thuộc tập đoàn tư nhân Vingroup và có thời gian xây dựng, lắp đặt nhà xưởng, dây chuyền, vận hành thử ô tô chỉ trong vòng 21 tháng. Đây được xem là kỳ tích trong ngành ô tô thế giới. 

Trước đó, Thành Công Motor ngoài việc sản xuất lắp ráp xe Hyundai, doanh nghiệp này cũng ôm tham vọng sản xuất ô tô thương hiệu riêng. Riêng Thaco Trường Hải, ngoài tham vọng nội địa hóa các dòng xe cá nhân (Kia, Mazda, Peugeot...), cũng vừa xuất khẩu xe buýt sang thị trường Philippines. 

Việc có thêm sự tham gia của Vingroup trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất ô tô mang đến kỳ vọng, Việt Nam sẽ trở thành một nước có nền công nghiệp ô tô trên bản đồ thế giới. Sự kiện này cũng mang lại niềm hy vọng góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam sau nhiều năm bị phá sản. 

7. Nhiều doanh nghiệp nội gia nhập thị trường mạng xã hội

mang-xa-hoi-lotus-03-2580-1579660517.jpg

Gia nhập thị trường vào ngày 23/7/2019, mạng xã hội Gapo tuyên bố tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Mạng xã hội này kỳ vọng sẽ có khoảng 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020, và đạt mốc 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021.

Sau Gapo, VCCorp cũng trình làng mạng xã hội Lotus vào ngày 16/9/2019. Theo công bố của VCCorp, Lotus lấy nội dung làm trung tâm, do đó mạng xã hội này sẽ không chỉ đơn thuần là like và share. Người dùng tham gia MXH Lotus sẽ được nhận token khi sử dụng, tiêu token theo những cách hữu ích và lan tỏa những giá trị tốt đẹp...

Việc VCCorp dấn thân vào thị trường đã bị thống trị bởi những “gã khổng lồ” trên thế giới sẽ mở ra hy vọng về việc Việt Nam có mạng xã hội đủ mạnh để có thể cạnh tranh và tiến tới thay thế dần các mạng xã hội nước ngoài. 

Chặng đường đi của các doanh nghiệp nội tham gia cung cấp mạng xã hội còn dài và nhiều khó khăn, nhưng nếu thành công sẽ cổ vũ cho chiến lược “make in Việt Nam” mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mới đây. 

8. Năm của nữ doanh nhân Việt

CEO-VietJet-02-8340-1579660517.jpg

Năm 2019 được xem là năm thành công của nhiều nữ doanh nhân Việt Nam. Nhiều “nữ tướng” của các doanh nghiệp Việt tiếp tục được Forbes Việt Nam bình chọn và vinh danh là những phụ nữ ảnh hưởng nhất năm 2019. Trong đó, có nhiều gương mặt nổi bật như Tổng giám đốc Vinamilk - bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch REE - bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch PNJ - bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo...

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air và bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood cũng được Forbes Asia lựa chọn là hai nữ doanh nhân quyền lực của châu Á năm 2019. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành hàng không thế giới khi là phụ nữ duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại lớn. Thành công với Vietjet Air đồng thời giúp bà Thảo trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á với khối tài sản ròng trị giá 2,5 tỷ USD. 

Còn bà Trần Thị Lệ đã đưa NutiFood trở thành một trong những nhà sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa lớn nhất Việt Nam. Doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của NutiFood là 9.500 tỷ đồng và 828 tỷ đồng và đặt tham vọng đưa NutiFood vượt ra khỏi biên giới Việt Nam bằng việc đầu tư ra nước ngoài thông qua các hoạt động liên doanh, mua bán và sáp nhập. Bà được đánh giá là CEO tài năng khi đã giải cứu thành công doanh nghiệp thời kỳ "tái định vị hình ảnh" sai lầm dẫn đến thua lỗ.

9. Cú sốc lớn bất động sản nghỉ dưỡng

Cocobay-01-5872-1579660517.jpg

Năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “rúng động” sau khi Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng thông báo sẽ không chi trả thu nhập cam kết 12%/năm cho khách hàng mua căn hộ khách sạn và khách sạn mini tại dự án này. Trước đó, dự án condotel Bavico tại Nha Trang do Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Bạch Việt từng phải đàm phán để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15%/năm xuống còn 8%. Tuy nhiên, sau đó việc chi trả của chủ đầu tư này cũng không được thực hiện. Việc phá vỡ cam kết của chủ đầu tư với khách hàng sẽ dẫn đến tiền lệ xấu đối với thị trường. Từ đây đặt ra uy tín của chủ đầu tư và trách nhiệm quản lý với các dự án condotel để khắc phục tình trạng một số chủ đầu tư hứa hẹn trả lãi suất cao cho người mua, nhập nhèm thông tin về công trình dự án, áp đặt một số quy định có lợi cho chủ đầu tư...

10. Doanh nghiệp đầu tiên phát sóng thử nghiệm 5G tại Việt Nam

Mang-5G-trien-khai-8267-1579660517.jpg

Ngày 21/9/2019, Viettel tổ chức lễ công bố phát sóng mạng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) và nền tảng phát triển xã hội số tại TP.HCM. Việc chính thức phát sóng 5G của doanh nghiệp này là một bước đi quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thương mại hóa dịch vụ 5G. Hiện trên thế giới mới chỉ có một số ít quốc gia thương mại hóa 5G như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Nga... Như vậy, với kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2020, Viettel sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai 5G. Đây được xem là cơ hội vàng để các doanh nghiệp CNTT phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước tham gia vào tiến trình chuyển đổi số. Viettel và Vingroup là hai doanh nghiệp cũng đã sản xuất được thiết bị 5G. Đây là điều đặc biệt, bởi trên thế giới, mới chỉ có 5 nước sản xuất được thiết bị 5G.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 sự kiện doanh nhân - doanh nghiệp tiêu biểu năm 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO