10 năm lan tỏa và khuyến đọc sách hay

Ý Nhi| 28/09/2020 02:16

Với nhiều góc nhìn đa chiều, sâu sắc về sách và vai trò quan trọng của sách, cũng như những thay đổi tích cực về thói quen đọc sách của người Việt trong một thập kỷ qua, lễ công bố “Giải Sách hay lần thứ X năm 2020” do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức đã mang đến nhiều thông điệp sâu sắc lan tỏa từ những cuốn sách đoạt giải năm nay.

10 năm lan tỏa và khuyến đọc sách hay

Mùa giải năm nay tiếp tục với 07 hạng mục, gồm: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới và 15 tựa sách đã được trao tặng Giải Sách hay năm 2020. Đây cũng là cột mốc Giải Sách hay chạm mốc 10 năm. 

Theo Nhà giáo dục Giản Tư Trung: “Trước kia, người Việt không đọc sách vì thiếu sách còn ngày nay thì không đọc sách vì quá nhiều sách nên không biết đọc sách gì. Vì vậy, mục đích ban đầu của Giải Sách hay là khuyến đọc. Những năm đầu, Giải Sách hay hướng đến phục hồi những cuốn sách hay, có chân giá trị nhưng lại bị lãng quên và những năm tiếp theo thì tôn vinh những tác phẩm có tác động đến xã hội". Ông nói thêm: "Một cuốn sách chỉ có ý nghĩa khi có người đọc. Đó cũng là lý do Giải Sách hay dù không có hiện kim, hiện vật nhưng vẫn được nhiều tác giả quan tâm và rất đỗi tự hào khi được bình chọn. Và cách tri ân tốt nhất của Giải Sách hay chính là sự lan tỏa, khuyến khích độc giả đọc những cuốn sách hay”.

Dich-gia-Tran-Van-Thuan-cua-cu-4985-7333

Dịch giả Châu Văn Thuận chia sẻ tại buổi lễ

 Lấy ví dụ cuốn Khuyến học của Fukuzawa Yukichi do Phạm Hữu Lợi dịch, ông Trung cho biết, lúc chưa đoạt giải cuốn sách này chỉ in 1.000 cuốn mà bán mãi không hết, nhưng sau khi được vinh danh ở Giải Sách hay năm 2011 thì cuốn sách đã tái bản tới mấy chục lần, với con số ấn bản đáng tự hào”. Vậy nên, tầm nhìn 10 năm tới của Giải Sách hay là tiếp tục khuyến đọc sách hay để bớt đi sách dở và khuyến đọc sách thật để bớt đi sách giả”, ông Trung nói.

Chia sẻ cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản của tác giả Nguyễn Quốc Vương được trao Giải Sách hay 2020 ở hạng mục sách Giáo dục, ông Trung chia sẻ góc nhìn của mình về thông điệp của cuốn sách với một triết lý: “Mỗi người không thể thay đổi mình nếu không học hỏi người khác và giáo dục Việt Nam có rất nhiều thứ phải học”. Song, ông cũng nhấn mạnh: “Học cách suy nghĩ của người khác chứ không học cách làm. Nếu chỉ “học theo” mà không học hỏi thì sẽ biến mình thành những kẻ... trộm cắp”.

Cùng được xướng tên ở hạng mục sách Giáo dục, cuốn sách Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng, dịch giả Châu Văn Thuận chuyển ngữ, ông Trung cho rằng, đây là một cuốn sách giản dị nhưng “nặng ký”. Bởi, tác giả Fareed Zakaria đặt ra vấn đề giáo dục Mỹ và châu Âu càng lúc càng rời xa nền giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 hoành hành khắp thế giới như hiện nay, các nước phương Tây, Mỹ và châu Âu đã lộ ra nhiều vấn đề và cần phải quay lại giáo dục khai phóng nếu không thế giới sẽ sụp đổ. 

Một vấn đề mà tác giả đặt ra cũng là tâm đắc của nhiều người đọc, đó là chúng ta cần phải quay về với giáo dục khai phóng để học sinh, sinh viên có thể tìm thấy chính mình chứ không phải chỉ đi học lấy một cái nghề. “Một thanh niên bước vào đại học mà chỉ quanh quẩn để tìm được một nghề chứ không lo học những thứ khác để khai phóng chính mình thì lúc ra trường, anh ta vẫn “chưa lớn”, không có tầm, không nhận thức được chính mình và không phải là một con người tự do. Và cách duy nhất để “lớn” là phải có giáo dục khai phóng và cuốn sách này sẽ hỗ trợ con người tự khai phóng chính mình, ông Trung nói.

 Nói thêm về khái niệm con người “tự do”, ông Trung nhấn mạnh: ‘Một con người tự do là con người phải có đủ “tam tính”. Nhân tính, quốc tính và cá tính. Đây chính là thông điệp mà cuốn sách đưa ra rất mạnh mẽ và đúng lúc. Nếu phương Tây đang trở về với giáo dục khai phóng thì chúng ta phải tiến lên giáo dục khai phóng” .

Chia sẻ góc nhìn về cuốn Thần kỳ kinh tế Tây Đức, tác giả Tôn Thất Thông, dịch phẩm được trao giải ở hạng mục sách Kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thoạt nghe tựa sách, hẳn nhiều người đều cho rằng cuốn sách không có gì gần gũi đến Việt Nam nên ít quan tâm. Thời điểm cuốn sách này đề cập là giai đoạn 1949-1969- hai thập kỷ để nền kinh tế Tây Đức từ sự hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, một thời kỳ mà cả Tây Đức rơi vào tình trạng “trầm cảm tập thể” nhưng đã vươn mình để trở nên thần kỳ. Và thông điệp mà tác giả muốn nói, đó là sự vươn lên của Tây Đức không do một tác động hay hỗ trợ nào bên ngoài mà do “chính mình”.

Tac-gia-nho-tuoi-Nguyen-Khang-9696-8708-

Nguyễn Khang Thịnh (áo đỏ)-Tác giả nhỏ tuổi nhất (13 tuổi)  nhận giải tại Giải Sách hay năm nay

Sức mạnh “chính mình” mà cuốn sách đề cập, đó là sự tổng hợp các nền tảng quan trọng mà Tây Đức có được, đó là nền tảng học thuyết có được cả trăm năm, một dân tộc có học vấn và ý chí, tinh thần trách nhiệm và ý thức xã hội của người dân, đặc biệt những người lãnh đạo mà tác giả đề cập là những người có tri thức, biết đặt lợi ích của người dân lên trên, có đạo đức, không tham nhũng vì lợi ích riêng và mục tiêu số một của họ là cùng nhau đưa đất nước đi lên, tái hòa hợp xã hội, tận dụng tối đa trí tuệ của con người, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức để tạo ra đất nước Đức mới, con người Đức mới.

Cũng bởi là tri thức nên những người lãnh đạo biết đưa ra quyết sách, con đường kinh doanh, quan hệ ngoại giao và chọn con đường kinh tế thị trường xã hội, song hành đó là các bộ Luật dẫn dắt nền kinh tế và đã đưa Tây Đức trở nên lớn mạnh. Đó là những bài học rất sâu sắc và đưa ra vào thời điểm này với chúng ta vẫn còn rất phù hợp.

Lẽ trao giải cũng vinh danh tác phẩm thuộc hạng mục sách Quản trị với 2 tựa sách: Tác phẩm Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh, tác giả Lê Hồng Nhật, dịch phẩm: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ,tác giả Klaus Schwab, dịch giả Nguyễn Vân và Thành Thép.

Hạng mục sách Văn học vinh danh bộ tiểu thuyết Thái hậu Từ Dụ của nhà văn Trần Thùy Mai, viết về người phụ nữ đặc sắc bậc nhất trong lịch sử chế độ quân chủ ở nước ta. “Dưới ngòi bút đã thật chín muồi của Trần Thùy Mai, chúng ta không chỉ có được chân dung đậm nét về một người đàn bà đặc sắc và hết sức độc đáo của lịch sử, mà còn cả một bức tranh triều chính và chừng nào đó cả xã hội thật sinh động” – Đại diện Hội đồng trao giải Sách hay 2020 nói về bộ sách của nhà văn Trần Thùy Mai được trao giải.

Hạng mục sách Thiếu nhi có 2 tựa sách: Tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy, tác giả Nguyễn Khang Thịnh; dịch phẩm: Hành trình của cá Voi, tác giả Michael Morpurgo, dịch giả Trần Thị Minh Hiếu.

Hạng mục sách Phát hiện mới (3 tựa sách): Tác phẩm: Bộ sách 2 quyển: Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn, tác giả Nguyễn Quốc Trị, dịch phẩm Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi, tác giả: Shibusawa Eiichi, dịch giả Nguyễn Lương Hải Khôi); Dịch phẩm: Những tìm sâu Triết học,  tác giả Ludwig Wittgenstein, dịch giả Trần Đình Thắng (Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 năm lan tỏa và khuyến đọc sách hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO