10 năm kinh tế Việt Nam: Các tổ chức quốc tế nói gì?

19/12/2015 06:36

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), theo World Bank.

10 năm kinh tế Việt Nam: Các tổ chức quốc tế nói gì?

Trung tâm nghiên cứu thuộc BIDV vừa phát đi bản báo cáo đánh giá thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam, giai đoạn 10 năm 2006 - 2015.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế, báo cáo dẫn ra những con số đáng chú ý: GDP bình quân 10 năm qua ước đạt 6,5%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2006 - 2010 ước đạt 7%/năm và 5 năm giai đoạn thứ hai (từ năm 2011 - 2015) đạt khoảng 5,9%/năm, với nông nghiệp tăng 3,01%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 6,74%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm.

Cùng với đó, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người ước đạt 2.228 USD, tăng 1,9 lần so với năm 2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2011…

Đặc biệt, 5 năm 2011 - 2015 còn gắn với giai đoạn với tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh, nhờ đó đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Được đánh giá là một trong ba trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã thực hiện, đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9% so với mức 17,43% tháng 9/2012 và đã giảm 17 tổ chức tín dụng.

Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.

Các tổ chức quốc tế nói gì?

Mặc dù còn không ít hạn chế, yếu kém, nhưng những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm 2006 - 2015 là không thể phủ nhận. Nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều có những đánh giá tích cực đối với thành tựu kinh tế - xã hội của Việt nam giai đoạn 2006-2015.

Liên hợp quốc (UN) cho rằng, trong giai đoạn 2006 - 2015 Việt Nam đã vươn mình từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một nền kinh tế dựa trên thị trường và ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng khu vực và toàn cầu; từ một trong những quốc gia nghèo khó đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng. Điều này là nhờ những chiến lược và nỗ lực của chính phủ Việt Nam, trong đó chủ yếu bắt nguồn từ những cải cách kinh tế được duy trì liên tục, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới và một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Theo khẳng định của Ngân hàng Thế giới (World Bank), quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên trong giai đoạn 2006 - 2015, trong đó xuất khẩu vẫn là cỗ máy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh. An sinh xã hội và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs); đồng thời và ví dụ điển hình về việc thực hiện mục tiêu kép của nhóm Ngân hàng Thế giới về xóa nghèo cùng cực (mức sống dưới 1,25 USD/ngày) vào năm 2030 và tăng cường chia sẻ thịnh vượng trong số 40% nhóm nghèo nhất tại các nước đang phát triển, với thành tích tăng trưởng nhanh mà không kéo theo bất bình đẳng lớn.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lại cho rằng, tỷ lệ nghèo giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ qua là thành công của các cuộc cải cách theo hướng thị trường và chính trị ổn định của Việt Nam.

“Trước tác động của suy thoái toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chương trình kích thích tài chính và tiền tệ, nhưng gần đây đã kịp thời chuyển đổi sang chính sách cân bằng hơn. Nhờ đó Việt Nam đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu 2009; đồng thời đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn so với các quốc gia tương đương trong khu vực trong giai đoạn 2011 - 2015”, ADB nhấn mạnh.

Còn theo Quỹ tiền tệ Quốc tê (IMF), nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô bắt đầu từ năm 2011 của Việt Nam đã mang lại kết quả khả quan. Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong các năm qua với mức lạm phát giảm xuống một con số trong thời gian khá dài. Tăng trưởng GDP hồi phục nhờ tăng trưởng xuất khẩu và dùng vốn FDI tăng mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong cải cách cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong ngành ngân hàng. Một số vụ sát nhập ngân hàng đã được thực hiện và điều này làm giảm gánh nặng đối với Ngân hàng Nhà nước. 

>Nền kinh tế nhìn từ những động lực

>Tái cơ cấu nền kinh tế và tìm động lực mới

>Sắc màu tương phản ở 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á

>Những nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 năm kinh tế Việt Nam: Các tổ chức quốc tế nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO