Ý sẽ nối gót Hy Lạp?

21/07/2011 02:29

Trong khi vấn đề nợ Hy Lạp vẫn còn nóng hổi trên bàn thương thảo tại Brussels thì lại có thêm một quốc gia lớn của châu Âu đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Ý sẽ nối gót Hy Lạp?

Trong khi vấn đề nợ Hy Lạp vẫn còn nóng hổi trên bàn thương thảo tại Brussels thì lại có thêm một quốc gia lớn của châu Âu đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Các thị trường tài chính đã một phen kinh hãi khi tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) tuần qua, các vị bộ trưởng tài chính châu Âu đưa ra một đề nghị rằng sẽ chấp nhận cho Hy Lạp vỡ nợ tạm thời. Thông tin đó chưa kịp tiêu hóa thì một tin dữ khác xuất hiện: Ý, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu, cũng đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Mức nợ khổng lồ 2.600 tỉ USD

Ý, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu, cũng đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Theo nhận định của ngân hàng Pháp Credit Agricole Corporate & Investment (Credit Agricole CIB), số phận của khu vực đồng euro có thể nằm trong tay những người nắm giữ trái phiếu Ý. Đó là vì Ý là quốc gia có mức nợ lớn nhất khu vực đồng euro, 1.800 tỉ euro (tương đương 2.600 tỉ USD), cao hơn cả nợ của Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gộp lại. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu áp lực trong Chính phủ là phải hạn chế mức đóng góp của Đức cho các gói cứu trợ. Còn Quỹ Ổn định Tài chính châu ÂU (EFSF) hiện chỉ có thể cho vay đến 250 tỉ euro.

Điều đó có nghĩa “nếu Ý không đấu thấu thành công các đợt phát hành trái phiếu và không tiếp cận được thị trường vốn thì khó có thể tưởng tượng ai sẽ nắm trong tay đủ số tiền cần thiết để giải cứu nền kinh tế Ý. Quy mô nợ của Ý còn lớn hơn cả năng lực cho vay hiện tại của EFSF”, Luca Jellinek, đứng đầu bộ phận chiến lược lãi suất châu Âu tại Credit Agricole CIB ở London, nhận định.

Từ lâu nay, Ý, dù có mức nợ lớn, nhưng vẫn được xem là điểm đầu tư khá an toàn so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Bộ trưởng Tài chính Ý Giulio Tremonti đã giúp cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia xuống còn 4,6% tổng sản phẩm quốc nội vào năm ngoái. Mặt khác, với việc cho vay một cách thận trọng, Ý chẳng bao giờ có những vụ bong bóng bất động sản từng “hành hạ” Ireland và Tây Ban Nha và hơn 50% trái phiếu chính phủ Ý là do các tổ chức trong nước nắm giữ. Những yếu tố trên đủ để bảo vệ quốc gia này khỏi những biến động trên thị trường tài chính.

Thế nhưng, vào ngày 21.5.2011, tổ chức đánh giá tín nhiệm Mỹ Standard & Poor’s đã hạ bậc triển vọng của Ý từ ổn định xuống mức tiêu cực. Lý do là sự bế tắc về chính trị có thể sẽ làm chậm lại quá trình cắt giảm chi tiêu ngân sách trong khi nền kinh tế Ý lại tăng trưởng yếu ớt nhiều năm liền. 10 ngày sau đó, đảng cầm quyền của Berlusconi đã thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương khắp nước Ý. Điều này đã khiến chính quyền của ông có thể sẽ bị hạ bệ trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2013, đe dọa làm gián đoạn những cải cách kinh tế. Moody’s Investors Service (Mỹ) như đổ thêm dầu vào lửa khi vào ngày 17/6 đã khuyến cáo rằng họ cũng có thể hạ bậc tín nhiệm nợ đối với Ý.

“Nếu các áp lực thị trường này tiếp tục kéo dài, chi phí tài trợ vốn của Ý sẽ nhanh chóng tăng lên mức cao một cách đáng ngại”, Vladimir Pillonca, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Pháp Société Générale ở London, nhận định. Nỗi lo này đã thực sự hiện hữu khi vào ngày 12/7/2011, lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Ý đã tăng hơn 6% lần đầu tiên kể từ năm 1997 sau khi Moody’s Investors Service và Standard & Poor’s cho biết nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu này có thể sẽ không thể giảm được gánh nặng nợ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ý đã rơi xuống mức thấp trong vòng 2 năm qua.

Khủng hoảng nợ Ý đáng sợ đến mức nào?

Nếu cuộc khủng hoảng nợ của Ý bùng nổ thì đó sẽ là một trận đại hồng thủy. Thị trường trái phiếu Ý là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nhật. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của một thị trường lớn, có tính thanh khoản cao như Ý. Nhưng đồng thời, sức hấp dẫn cũng có mặt trái - đó cũng là ổ lây lan dịch bệnh với tốc độ cực kỳ nhanh.

Có thể hình dung sự nguy hiểm này qua việc phân tích cơ cấu đầu tư trái phiếu chính phủ của Ngân hàng Dexia (Brussels). Tính đến ngày 31/3/2011, Dexia chỉ có 3,7 tỉ euro (5,3 tỉ USD) là liên quan đến nợ Hy Lạp, chỉ chiếm 19% vốn cấp 1 (bao gồm các loại nguồn lực tài chính có độ tin cậy cao nhất và có tính thanh khoản tốt nhất).

Nếu xét trên con số này, Dexia có thể xoay xở được ngay cả khi Hy Lạp bị vỡ nợ. Nhưng Ý là câu chuyện hoàn toàn khác vì 2 lý do. Thứ nhất, đó là mức độ ngân hàng này dính líu đến nợ chính phủ Ý là rất lớn. Với mức xấp xỉ 16 tỉ euro, nợ chính phủ Ý là lớn nhất trong các khoản dầu tư vào trái phiếu chính phủ của Dexia, chiếm tới 85% vốn cấp 1 của Ngân hàng. Mặc dù con số này rất lớn, nhưng từ trước đến nay chưa ai nghiêm túc nghĩ đến chuyện Ý vỡ nợ, khả năng đó dường như rất xa vời.

Lý do thứ 2 khiến người ta lo ngại là giống như các ngân hàng châu Âu khác, hầu hết các khoản đầu tư vào nợ chính phủ của Dexia đều được ghi nhận ở sổ sách ngân hàng. Đó là loại sổ sách kế toán bao gồm các chứng khoán không được giao dịch bởi tổ chức nắm giữ, nghĩa là chúng được nắm giữ cho đến khi đáo hạn. Các chứng khoán này được bút toán theo cách khác với những chứng khoán nằm trong sổ sách giao dịch thường được giao dịch trên thị trường và giá trị thay đổi theo biến động thị trường. Vì thế, các thay đổi về giá trị của trái phiếu không có ảnh hưởng gì đến giá trị bút toán của chúng trong sổ sách ngân hàng. Có nghĩa là chỉ khi bên phát hành trái phiếu tuyên bố vỡ nợ hoặc tái cấu trúc nợ thì lúc đó mới đáng lo ngại.

Tuy nhiên, các ngân hàng luôn nắm giữ trái phiếu trong sổ sách giao dịch. Điều này có nghĩa giá trị của trái phiếu phụ thuộc vào thị trường. Tính đến ngày 31/3/2011, Dexia đã nắm giữ 725 triệu euro trái phiếu Ý trong sổ sách giao dịch của mình, trong khi chỉ nắm giữ 1 triệu euro trái phiếu Hy Lạp, 13 triệu euro trái phiếu Tây Ban Nha và không nắm giữ trái phiếu Ireland và Bồ Đào Nha.

Câu chuyện này cũng tương tự như các ngân hàng khác trong đó có những ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều so với Dexia. Mức độ dính líu của họ đến nợ của Ý cũng cực kỳ lớn. Cuộc kiểm tra sức khỏe ngân hàng năm 2010 cho thấy nợ của Ý chiếm tới hơn 1/3 khoản đầu tư trái phiếu chính phủ châu Âu nằm trong sổ sách giao dịch của các ngân hàng châu Âu. Nói cách khác, nếu khủng hoảng nợ của Ý diễn ra, các ngân hàng châu Âu sẽ bị tác động nặng nề hơn rất nhiều so với trường hợp vỡ nợ tại các quốc gia châu Âu khác

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ý sẽ nối gót Hy Lạp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO