Xung quanh việc Mỹ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Nguồn Web Chính phủ| 19/12/2009 02:08

Từ đầu tháng 12/2009, kinh tế Mỹ trở nên lạc quan hơn, nhất là tỉ lệ thất nghiệp giảm và nhu cầu tiêu dùng tăng lên...

Xung quanh việc Mỹ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Từ đầu tháng 12/2009, kinh tế Mỹ trở nên lạc quan hơn, nhất là tỉ lệ thất nghiệp giảm và nhu cầu tiêu dùng tăng lên, đồng USD tăng dần so với các loại tiền tệ chủ chốt và đạt mức cao nhất từ hơn 3 tháng qua.

Điều đó làm dấy lên đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cân nhắc tăng lãi suất so với dự kiến, góp phần tăng giá trị tài sản bằng USD và tăng hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, còn quá sớm để kết luận là tình trạng sụt giá USD chấm dứt, thị trường lao động vẫn cải thiện chậm do các chỉ số chủ yếu và áp lực lạm phát yếu ớt, đây là điều cần thận trọng trong chính sách tiền tệ (CSTT).

Mặt khác, trước vấn đề giảm thất nghiệp, FED vẫn giữ cam kết giữ chi phí vay thấp trong thời gian tới, kiềm chế xu hướng lạm phát và ổn định kỳ vọng lạm phát dài hạn, mặc dù lạm phát không phải là mối lo ngại trong ngắn hạn. Bởi tỉ lệ sử dụng vốn còn thấp và giá cả nhích lên trong tháng 11 chủ yếu là nhờ nhóm hàng lương thực – thực phẩm và thị trường nhà ở phục hồi so với tháng trước.

Trong tháng 11 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục tăng (0,4%), thị trường nhà đất đang phục hồi và lạm phát vẫn được kiểm soát.

Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 11 của Mỹ giảm xuống còn 10%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, nhưng vẫn cao và tỉ lệ này còn đứng ở mức 9% chí ít là đến hết năm 2010, đây là lý do cơ bản khiến FED không thể thắt chặt CSTT trước tháng 6/2010. Hơn nữa, việc ngừng theo đuổi CSTT nới lỏng sẽ phức tạp hơn so với bình thường do những biện pháp kích thích kinh tế. Thậm chí, nếu FED thắt chặt tiền tệ thì lãi suất dường như cũng không tăng nhanh, đồng thời FED phải cân nhắc mức vốn của FED để đảm bảo sức cạnh tranh với thế giới.

Kết thúc cuộc họp trong 2 ngày 15-16/12, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc FED tuyên bố giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục gần 0% như hiện nay trong một thời gian nữa nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức hai con số và duy trì sự hồi phục kinh tế.

Bên cạnh bối cảnh lãi suất thấp, những yếu tố tác động tiêu cực đối với USD vẫn còn đó. Nhiều NHTW vẫn muốn bán USD do họ đã tích lũy quá nhiều, dòng vốn tư nhân ra khỏi Mỹ vẫn nhiều và chưa thể thay đổi. Trung Quốc bày tỏ đa dạng dự trữ ngoại tệ sang những tiền tệ khác và tài sản chất lượng cao hơn, mặc dù USD vẫn là ngoại tệ chủ chốt.

Việc USD tăng giá trong thời gian qua còn do đồng Euro mất giá sau khi công ty xếp hạng Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm của Hy Lạp trước những tín hiệu xấu đi về tỉ lệ nợ vay nước ngoài sau khi nước này gia nhập EU. Trong những tuần gần đây, mối quan hệ giữa chứng khoán, USD, vàng, dầu mỏ đã bị phá vỡ, việc kinh doanh những tài sản có giá trị trở nên độc lập chứ không như trước đây.

Báo cáo về cải thiện thu nhập trong khu vực phi nông nghiệp và số người thất nghiệp ở Mỹ giảm đã buộc các nhà đầu tư phải xem xét lại việc sử dụng USD để mua tài sản sinh lời cao nhưng rủi ro (gọi là carry transactions – khi mới đây họ đã tranh thủ vay rất nhiều USD lãi suất thấp để mua tài sản nước ngoài với lợi nhuận cao), kết quả là USD tăng trở lại so với các đồng tiền chủ chốt.

Tuy nhiên, phần nhiều nhà phân tích và quản lý tài chính cho rằng USD chỉ tăng trong ngắn hạn và xu hướng sử dụng USD để tài trợ carry transactions dường như không thay đổi. Chính việc sử dụng nhiều USD vào kinh doanh này đã hạ thấp giá trị USD với mức giảm mạnh 7% trong năm so với giỏ tiền tệ chủ chốt.

Trước những thách thức đối với nền kinh tế, Bộ trưởng Kho bạc Geithner quyết định chi thêm 700 tỉ USD từ quĩ hỗ trợ tài chính cho đến tháng 10/2010. Trong đó, gần 550 tỉ dành cho Chương trình giảm nhẹ khó khăn (TARP), phần còn lại để giảm thâm hụt ngân sách. Việc sử dụng khoản cứu trợ này đang được Quốc hội bàn luận về mục tiêu sử dụng với nhiều ý kiến khác nhau.

Chương trình sẽ giúp chống lại tình trạng tịch thu tài sản thế chấp, hỗ trợ những người gặp khó khăn về nhà ở và thúc đẩy tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ để tạo thêm việc làm, góp phần phục hồi hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Chương trình bị một số Nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối và đề nghị kết thúc chương trình này trong năm nay. Theo luật, Geithner phải quyết định trước 31/12 là có triển khai chương trình hay không, nếu không sẽ phải giảm 330 tỉ USD không giải ngân được.

Những khoản trợ cấp sẽ được hoàn trả lại dần, góp phần giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Trong đó, Kho bạc kỳ vọng là trên 175 tỉ USD sẽ được trả lại cho đến cuối năm 2010, khoản thuế thu được từ chương trình dự kiến là 141 tỉ USD.

Thứ tư tuần trước (9/12), Ngân hàng Mỹ (Bank of America) đã trả lại toàn bộ 45 tỉ USD mà ngân hàng này đã nhận trước đây theo TARP. Citigroup có kế hoạch tăng vốn khẩn trương để hoàn trả 45 tỉ USD đã nhận trong TARP.

Chương trình này được nhiều người kỳ vọng và ít tác động đến thị trường tài chính. Tuy nhiên, nhóm giám sát chương trình cho rằng, chương trình bỏ quên việc giải quyết những tai họa tài chính chủ yếu. Chương trình góp phần ổn định thị trường, nhưng chưa làm được nhiều để khắc phục tình trạng tịch thu tài sản thế chấp, nó có thể lên tới 13 triệu trường hợp trong 5 năm tới.

Trong bối cảnh kinh tế như trên, nguy cơ mất giá USD vẫn còn và FED chưa thể tăng lãi suất cơ bản (hay thắt chặt CSTT) chí ít là cho đến tháng 6/2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xung quanh việc Mỹ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO