![]() |
Việt Nam được nhận định là số ít có tăng trưởng khả quan trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang căng thẳng. Ảnh: Lê Hữu Thiết |
Sự ổn định của các nền kinh tế thế giới phần nhiều phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Reuters nhận định, những quốc gia, khu vực có nền kinh tế yếu nhất từ năm 2009 đều sẽ gặp ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Trung Quốc không thể dàn xếp ổn thỏa cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Các báo cáo về các nhà xưởng ở châu Á dần cho thấy dấu hiệu tiêu cực. Đài Loan, Thái Lan và Malaysia đều tiến gần tới việc bị thu hẹp sản xuất.
Cả khu vực đồng EURO cũng đánh mất đà tăng trưởng, thể hiện qua việc kinh tế Ý và Đức chững lại. Tình hình tại hai quốc gia này góp phần khiến tốc độ tăng trưởng chung của cả khối trong quý III chỉ bằng một nửa so với quý trước.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ rất khó khăn để giải quyết tình hình phức tạp trên trong năm 2019. Đặc biệt, nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB đang muốn giảm hỗ trợ tiền tệ.
Khi thế giới cùng nhau đổ dốc
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) phải thay đổi dự đoán kinh tế toàn cầu lần đầu tiên sau hai năm. Theo cơ quan này, tăng trưởng kinh tế thế giới đã chững lại.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc giảm từ 50,8 điểm nhiều tháng trước xuống 50,2 điểm hồi tháng 10. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, giữa chiến tranh thương mại và các khoản nợ quốc nội. PMI của khối EURO cũng không khá hơn.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Mỹ có thể thoát khỏi xu hướng chung trên, trở thành lực đẩy cho phần còn lại của thế giới hay không.
Đợt bán tháo cổ phiếu hồi tháng 10 đã xóa bay 8.000 tỷ USD lợi nhuận của thị trường chứng khoán Mỹ.
Việc cường quốc số một này siết chặt thị trường lao động của mình được nhiều người nhìn nhận như tia hy vọng lúc này.
Thế nhưng, đa số các kinh tế gia đều dự đoán tăng trưởng sẽ đi xuống nhẹ trong năm 2019. Nguyên nhân xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ, lãi suất tăng cao và sự hỗ trợ từ miễn giảm thuế dần phai nhạt.
Oxford Economics dự báo thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ sụt giảm thêm 20%, kéo theo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng chững lại trong giai đoạn 2019-2020.
Việt Nam thoát chiến tranh thương mại?
Theo các số liệu gần đây, các đòn trả đũa thuế quan liên tiếp giữ Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng tới châu Á. Hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu đã yếu đi kể từ tháng 10. Các chỉ số từ Nikkei/IHS Markit cho thấy nhiều quốc gia châu Á có PMI sụt giảm.
Các nhà sản xuất công nghiệp tại Đông Nam Á cũng chịu tác động tương tự. PMI của Malaysia và Thái Lan giảm xuống dưới mức 50 điểm, điều cho thấy lĩnh vực này đang bị thu hẹp.
Thế nhưng, Việt Nam được nhận định là số ít có tăng trưởng khả quan hiện nay. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã di dời từ Trung Quốc sang Việt Nam để né tác động trực tiếp từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung.
PMI của Việt Nam thoát khỏi 51,5 điểm hồi tháng 9, mức thấp nhất trong vòng mười tháng, và tăng lên 53,9 điểm trong tháng 10.
Song, trao đổi với AFP, chuyên gia kinh tế cao cấp của Pantheon Macroeconomics, ông Miguel Chanco cho rằng những số liệu cứng về hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp gần đây thực tế không tốt đến thế, và kết quả khảo sát gần đây nhất chỉ cho thấy Việt Nam đang chống chọi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tốt hơn các nước còn lại trong ASEAN.
Tuy thế, ông Chanco cũng nhận định: "Nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang, Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến ưu tiên của các doanh nghiệp xuất khẩu muốn rời khỏi Trung Quốc".