Uber và hiện tượng "kinh tế chia sẻ"

THỤY KHA| 09/01/2015 07:07

Sự nổi lên của các mô hình "kinh tế chia sẻ”, "kinh tế theo yêu cầu" đang tạo nên một nền kinh tế mới của thế giới.

Uber và hiện tượng

Sự nổi lên của các mô hình "kinh tế chia sẻ”, "kinh tế theo yêu cầu" đang tạo nên một nền kinh tế mới của thế giới.

Đọc E-paper

Vào đầu thế kỷ XX, Henry Ford sử dụng dây chuyền lắp ráp để sản xuất xe ô tô nhiều hơn, rẻ hơn và nhanh hơn. Do đó, từ một món hàng xa xỉ của người giàu có, ô tô trở thành phương tiện đi lại phổ thông.

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực để làm điều tương tự với các dịch vụ, quy tụ sức mạnh máy tính với lao động tự do để cung cấp đại trà những thứ từng được coi là xa xỉ của người giàu có.

Chẳng hạn, Uber cung cấp tài xế, Handy cung cấp lao công dọn dẹp, SpoonRocket phân phát bữa ăn nhà hàng đến cửa nhà bạn...

Các doanh nghiệp này đã phát triển nhanh như vũ bão chỉ bằng cách thúc đẩy làn sóng thuê, chia sẻ, đi nhờ xe, nhà cửa, vật dụng, trang phục..., tạo thành một xu hướng mới của nền kinh tế.

Trong đó, Uber, được thành lập tại San Francisco vào năm 2009, trở thành một hiện tượng khi hoạt động tại 53 quốc gia, có doanh số vượt quá 1 tỷ USD trong năm 2014 và được định giá 40 tỷ USD.

Thuật ngữ mới để gọi hiện tượng này là "kinh tế chia sẻ” (sharing economy), hoặc kinh tế theo yêu cầu (on demand economy).

Karl Marx cho rằng thế giới sẽ được chia thành những người sở hữu các phương tiện sản xuất nhàn rỗi và những người lao động cho họ. Trong thực tế, xã hội ngày càng được phân chia giữa những người có tiền nhưng không có thời gian và những người có thời gian nhưng không có tiền.

Các nền kinh tế theo yêu cầu đã kết nối hai lực lượng này với nhau và tạo nên một động lực mới cho phát triển. Máy tính giá rẻ khiến một người dùng máy Apple Mac có thể tạo nên những video cạnh tranh với những hãng phim của Hollywood.

Các nền kinh tế theo yêu cầu cho phép xã hội sử dụng triệt để các nguồn lực lao động: Uber tận dụng những chiếc xe ô tô riêng, trong khi InnoCentive thu hút các ý tưởng của bạn vào lúc nhàn rỗi.

Điều này sẽ thúc đẩy các công ty dịch vụ theo các nhà sản xuất và tập trung vào năng lực cốt lõi của họ. Thay vì kiểm soát các nguồn tài nguyên cố định, các công ty theo yêu cầu là trung gian, sắp xếp các kết nối và giám sát chất lượng.

Theo The Economist, số các công ty cung cấp dịch vụ lao động tự do (freelancer) ngày càng tăng. Như Freelancer.com và Elance-oDesk, kết nối với 9,3 triệu lao động và 3,7 triệu công ty. Hiện nay, khoảng 53 triệu lao động tại Mỹ làm việc như một freelancer.

Tuy nhiên, các nền kinh tế theo yêu cầu đã gây ra nhiều tranh luận, chẳng hạn, Uber bị "tấn công" ở khắp thế giới. Nhiều thành phố, tiểu bang và quốc gia đã cấm dịch vụ Uber với các lo ngại về an toàn hoặc pháp lý.

Nhiều hệ thống thuế châu Âu đối xử với lao động freelancer như công dân hạng hai, trong khi các bang tại Mỹ có những quy định khác nhau cho "công nhân hợp đồng".

Tuy nhiên, sự phát triển và tồn tại của những dịch vụ như Uber cho thấy, trong nhiều ngành công nghiệp, có những mô hình già cỗi để đến lúc phải đổi mới và cả thay thế.

Và những công ty mới, đại diện của nền kinh tế thuê, nhờ, chia sẻ, theo yêu cầu... cùng với công nghệ mới này, đang thực sự góp phần vào quá trình sụp đổ đó.

Mặc dù vậy, nền kinh tế mới đặt ra nhiều rủi ro hơn về cá nhân. Mọi người sẽ phải nắm vững nhiều kỹ năng và thường xuyên cập nhật kỹ năng nếu họ muốn tồn tại trong một thế giới như vậy.

Mọi người cũng sẽ phải học cách để "bán mình" thông qua mạng cá nhân và phương tiện truyền thông xã hội, hoặc nếu họ tham vọng, có thể biến mình thành các thương hiệu, thành những công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Uber và hiện tượng "kinh tế chia sẻ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO