Tương lai nào cho Hàn Quốc sau thời Park Geun-hye?

THÁI DUY| 13/12/2016 04:33

Dù Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gần như chắc chắn phải rời vị trí lãnh đạo đất nước sau cuộc bỏ phiếu ngày 9/12 nhưng dấu hỏi đặt ra là Hàn Quốc sẽ đi về đâu trong tình hình chính trị hỗn loạn hiện nay.

Tương lai nào cho Hàn Quốc sau thời Park Geun-hye?

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gần như chắc chắn phải rời vị trí lãnh đạo đất nước sau cuộc bỏ phiếu ngày 9/12. Trong 300 thành viên Quốc hội, có tới 234 phiếu thuận dành cho quyết định buộc tội bà Park về việc vi phạm hiến pháp và lạm quyền.

Đọc E-paper

Sau sự kiện này, bà Park lập tức bị đình chỉ chức vụ và có 180 ngày để tự nguyện thôi chức, hoặc chờ đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc. Tạm thời, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn sẽ là quyền Tổng thống, trong khi nếu bà Park từ chức sớm, Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử trong vòng 60 ngày.

Đây là kết quả được dự đoán từ trước, khi bà Park trong hơn 6 tuần gần đây đã hai lần xin lỗi công chúng giữa các cuộc biểu tình có lúc lên đến xấp xỉ 2 triệu người - lớn nhất lịch sử Hàn Quốc. Người dân nước này khẳng định bà Park đã lừa dối niềm tin bằng việc cho phép Choi Soon-sil, người bạn lâu năm của gia đình bà và không có chức vụ trong bộ máy lãnh đạo, truy cập các tài liệu mật an ninh quốc gia cũng như ngoại giao. Trong khi đó, các nghị sĩ đối lập cáo buộc bà Park vi phạm hiến pháp và lạm quyền, bao gồm các biểu hiện cấu kết trục lợi cùng các công ty lớn nhất Hàn Quốc như Samsung, Hyundai hay LG.

Mặc dù tương lai bà Park xem như đã xong, nhưng dấu hỏi đặt ra là Hàn Quốc sẽ đi về đâu trong tình hình chính trị hỗn loạn hiện nay.

Trước hết, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc buộc phải điều tra bà Park theo sức ép dư luận, nhưng các cuộc điều tra cũng cần có bằng chứng xác đáng về cáo buộc vi phạm của nữ chính trị gia này.

Nói cách khác, dù bà Park mất uy tín trầm trọng, tiến trình điều tra vẫn cần minh bạch và phải có 6/9 đại diện Tòa án đồng ý thì bà Park mới bị luận tội. Trong thời gian ấy, chắc chắn ông Kwang Kyo-ahn, người do chính bà Park bổ nhiệm, phải giải quyết rất nhiều công việc an ninh và ngoại giao, gồm quan hệ với Nhật Bản, Mỹ và đối phó với Triều Tiên.

Thứ hai, một cảm giác quen thuộc ở Hàn Quốc lâu nay là thực tế ngoài bà Park, chính trường nước này chưa có nhân vật nào xứng tầm thay thế. Thậm chí người ta đã tính đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, 72 tuổi. Ngoài ra, nếu không kể Thủ tướng Hwang, The New York Times lọc một danh sách thay thế tiềm năng cho bà Park với những cái tên không quá ấn tượng ở lĩnh vực chính trị như: Lãnh đạo đảng Dân chủ Moon Jae-in (63 tuổi), Thị trưởng Seongnam Lee Jae-myeong (51), Lãnh đạo đảng Nhân dân Ahn Cheol-soo (54) hay Thị trưởng Seoul Park Won-soon (60).

Với chỉ 60 ngày từ lúc bà Park rời chức (nếu điều này xảy ra), rất khó để người Hàn Quốc chọn được lãnh đạo mới thực sự thích hợp, và cũng khó để các đảng đối lập thành lập liên minh cầm quyền hay gầy dựng uy tín, Forbes nhận định ngày 11/12.

Nhưng dẫu sao, việc bà Park rời chức lúc này cũng là nguyện vọng của người dân. BBC ngày 10/12 ghi nhận có hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Seoul ăn mừng kết quả bỏ phiếu buộc tội bà Park. Dù có là người tài năng, xứng đáng hay không, Hàn Quốc có tìm được ai thay thế hay không, số phận của nữ tổng thống đầu tiên tại Hàn Quốc cũng đã được định đoạt.

>Anh của Tổng thống Hàn Quốc bị bắt vì tội nhận hối lộ

>Hàn Quốc: Lãnh đạo chaebol phải điều trần vì scandal của Tổng thống

> Tổng thống Hàn Quốc thăm TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tương lai nào cho Hàn Quốc sau thời Park Geun-hye?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO