Trung Quốc - trụ đỡ thị trường khi FED tăng lãi suất?

04/03/2017 06:21

Dữ liệu tăng trưởng của Trung Quốc đảm bảo với các nhà đầu tư rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ đương đầu tốt với việc FED tăng lãi suất.

Trung Quốc - trụ đỡ thị trường khi FED tăng lãi suất?

Trong những tuần qua, khi hầu hết sự chú ý của giới đầu tư quốc tế đổ dồn vào tình hình chính trị tại Mỹ và Châu Âu, Trung Quốc đang lặng lẽ củng cố sức ảnh hưởng đang lên của mình đối với thị trường tài chính toàn cầu.

Trong cùng tuần mà các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã làm giới đầu tư ngạc nhiên bằng việc nêu ra khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 14 - 15 tháng 3 tới, các thị trường mới nổi vẫn đứng vững trước tín hiệu này. Đây là một sự thay đổi lớn so với tháng 5/2013, khi viễn cảnh về việc FED thu hẹp dần các gói kích thích định lượng đã khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường này.

Vậy thì những thay đổi đó là gì? Hiện nay, Trung Quốc đã tạo ra cho thị trường một điểm tựa, dựa trên sự phát triển bền vững và độ rõ ràng trong chính sách của mình. Khi khả năng FED nâng lãi suất ngày một cao, cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi đều tránh được hiện tượng bán tháo. Ví dụ: các chỉ số chứng khoán châu Á từ Hàn Quốc cho tới Malaysia đều đã tăng trong ngày 2/3, ngay cả khi một vị quan chức FED vốn rất thận trọng về tình hình kinh tế toàn cầu đã cho rằng nước Mỹ đã sẵn sàng để nâng lãi suất sớm.

Ông Rob Subbaraman - Kinh tế gia trưởng phụ trách khu vực Châu Á (ngoài Nhật Bản) của Nomura Holding Singapore cho rằng: “Sự bền vững của Trung Quốc đã được thể hiện thông qua dữ liệu tăng trưởng, đảm bảo với nhà đầu tư rằng các nước mới nổi sẽ đương đầu tốt với việc FED tăng lãi suất. Câu chuyện này sẽ rất khác nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Việc thị trường hàng hóa đảo chiều để tăng lên, một phần do Trung Quốc, phần khác do diễn biến trên thị trường dầu mỏ hiện nay, cũng đã hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi".

Vai trò của FED

Sự ổn định của Trung Quốc sẽ đóng vai trò vào việc FED tăng tốc nâng lãi suất, với bằng chứng là bình luận của bà Lael Brainard - thành viên ban điều hành của FED. Bà Lael cho rằng hành động của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc “dường như đã bình ổn được thị trường và đẩy lùi mối lo về sự bất ổn của thị trường tài chính, vốn có thể xuất phát từ việc giảm giá đột ngột đồng CNY”. Bà cho biết thêm: “Điều kiện hiện nay là thích hợp cho việc nâng lãi suất của FED”.

Sự ổn định kinh tế của Trung Quốc được khẳng định hơn nữa khi chỉ số PMI tháng 2 của nước này khá lạc quan, cho phép Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) chuyển từ chính sách kích cầu sang trạng thái thắt chặt tiền tệ.

Điều này đã giúp nâng giá đồng CNY, vốn bị ảnh hưởng bởi dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc trong năm 2015 và 2016. Khi đó, những lo lắng về việc Trung quốc cố ý hỗ trợ tỷ giá đã ngầm tác động lên thị trường toàn cầu, với phát biểu của Chủ tịch FED bà Janet Yellen vào tháng 9/2015 chỉ ra rằng việc ngần ngại về các chính sách của Trung Quốc đã khiến FED chậm tăng lãi suất. Điều này một lần nữa được nêu lên vào tháng 1/2016, khiến FED hoãn nâng lãi suất.

Stephen Jen - CEO của quỹ phòng vệ Eurizon SLJ Capital tại London nhận định: “Nếu Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ tăng trưởng kinh tế thay vì cải cách, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ giữ được ổn định và không trở thành một nhân tố gây bất ổn cho thế giới năm nay”. Vốn giữ quan điểm bi quan về các thị trường mới nổi trong nhiều năm, Jen cho rằng viễn cảnh của các thị trường mới nổi năm 2017 sẽ tốt hơn là ông từng nghĩ, tất cả là nhờ Trung Quốc.

Thomas Finke - người đang quản lý khối tài sản hơn 271 tỷ USD trên cương vị chủ tịch kiêm CEO tại Barings - nói với Bloomberg rằng: “FED không chỉ quan tâm tới tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tại Mỹ, mà cũng quan tâm tới sự bất ổn trên thị trường toàn cầu. Và nỗi lo về Trung Quốc giờ đã thấp hơn rất nhiều so với 1 năm về trước”.

>>Tương ớt thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc

Sự ổn định của thị trường sẽ kéo dài được bao lâu, đặc biệt là các thị trường mới nổi vốn dễ tổn thương do việc tháo chạy của dòng vốn nước ngoài khi Mỹ nâng lãi suất, hiện phụ thuộc vào Trung Quốc. Và diễn biến thì cũng luôn thay đổi rất nhanh.

Nhưng như bà Brainard đã ám chỉ, chính quyền Trung Quốc vẫn phải tiếp tục vật lộn với khối dư nợ tín dụng vốn đã lên đến 260% quy mô nền kinh tế, và đó mới chỉ là tính lượng tín dụng chính thống có thể theo dõi được. Việc kiểm soát dòng vốn là cần thiết để ngăn dòng tiền tháo chạy, và đồng CNY sẽ tiếp tục bị thử thách bởi một đồng USD mạnh nên FED theo đuổi quan điểm diều hâu hơn là mức thị trường đã đánh cược.

Larry Hu - trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Công ty Chứng khoán Macquarie ở Hong Kong phát biểu rằng: “Trong khi một cuộc khủng khoảng lớn khó xảy ra, 2 vấn đề trên đã thể hiện những vấn đề nghiêm trọng về mặt cơ cấu của Trung Quốc, vốn có rất ít cải thiện trong chu kỳ tăng trưởng lần này”.

Một rủi ro nữa phải tính đến là chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng dù Trump và FED có thể thu hút hết sự chú ý của giới đầu tư quốc tế, những biến động tại Trung Quốc sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn đến các nền kinh tế đang phát triển cũng như tình hình chứng khoán và tiền tệ của các nền kinh tế này.

Subbaraman xem Trung Quốc như là “trụ đỡ” cho các nền kinh tế mới nổi, và bình luận: “Lúc này chúng ta có thể an tâm đôi chút, nhưng vẫn phải hết sức cẩn trọng”. Theo ông, tình hình tăng trưởng của Trung Quốc lúc này trông có vẻ đang khá ổn định, nhưng cũng có khá nhiều nhân tố có thể thay đổi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc - trụ đỡ thị trường khi FED tăng lãi suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO