Trung Quốc sau 10 năm gia nhập WTO

13/12/2011 04:52

Ngày 11/12 vừa rồi đánh dấu tròn 10 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong thập kỉ qua, Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng và vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trung Quốc sau 10 năm gia nhập WTO

Ngày 11/12 vừa rồi đánh dấu tròn 10 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong thập kỉ qua, Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng và vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

1. Gia nhập WTO

Ngày 10/12/2001, tại Doha, Qata, Hội nghị lần thứ 4 cấp Bộ trưởng các nước thành viên của WTO đã nhất trí thông qua quyết định về việc Trung Quốc gia nhập WTO. 30 ngày sau, quốc gia này chính thức trở thành thành viên WTO sau 15 năm chuẩn bị. Trong ảnh, Bộ trưởng Bộ Hợp tác kinh tế và Ngoại thương Trung Quốc – ông Shi Guangsheng – vỗ tay hoan nghênh sự kiện Trung Quốc được gia nhập WTO ngày 10/12/2001

2. Trở thành nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu thứ nhì thế giới

Bất chấp khủng hoảng tài chính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2009 vẫn tăng đều đều, giúp nước này trở thành nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu nhiều thứ nhì thế giới (theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 10/1/2010). Năm 2010, giao thương hàng hóa của Trung Quốc tăng vọt lên đến gần 3.000 tỷ USD năm 2010 so với chỉ 509,6 tỷ USD năm 2001. Trong đó, xuất khẩu tăng gấp gần 5 lần và nhập khẩu tăng gấp 4,7 lần. Trong ảnh, hội chợ xuất nhập khẩu ở Quảng Châu, tháng 10/2011.

3. Trở thành thành viên nòng cốt trong hệ thống thương mại đa phương thế giới

Đoàn đại biểu của Trung Quốc, dẫn đầu bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh, đã tham gia vào rất nhiều các cuộc đàm phán để đạt được sự đột phá trong các thỏa thuận thương mại về nông nghiệp và quyền gia nhập các thị trường công nghiệp. Đây là hai vấn đề chính tại các vòng đàm phán Doha ở Geneva tháng 7/2008.

Trong ảnh, Bộ trưởng Trần Đức Minh và Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy trong một phiên họp của Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, tháng 1/2011.

4. Gỡ bỏ hạn chế về ngoại thương

Ngày 1/7/2004, lần đầu tiên trong vòng 50 năm, Trung Quốc cho phép các cá nhân và công ty, bao gồm cả người ngoại quốc, tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu mà không cần sự cho phép của chính phủ. Động thái này đã được thực hiện sớm hơn 6 tháng so với lộ trình cam kết ban đầu của Trung Quốc khi gia nhập WTO. Trong ảnh là cảng Qingdao – cảng biển lớn thứ 5 ở Trung Quốc.

5. Thực hiện đúng cam kết về các khu vực thuế quan và phi thuế quan

Trung Quốc đã bãi bỏ tất cả các rào cản phi thuế quan trái với quy định của WTO, ví dụ như quota và giấy phép nhập khẩu, vào ngày 1/1/2005. Thuế nhập khẩu chung của Trung Quốc cũng giảm từ 43,2% năm 1986 xuống 15,3% năm 2001 và chỉ còn 9,8% năm 2011.

6. Vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

Quý II/2010, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản để chiếm ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Nhật Bản trong quý II/2010 là 1.288 tỷ USD, trong khi đó con số này của Trung Quốc là 1.337 tỷ USD.

7. An toàn trong khủng hoảng

Khi cả thế giới vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008, thì Trung Quốc vẫn đứng vững, thậm chí nhu cầu tiêu dùng nội địa của nước này còn tăng lên. Năm 2009, nhập khẩu của nước này tăng 2,8% so với năm 2008, biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong giai đoạn này. Trung Quốc cũng đóng góp rất lớn vào công cuộc hồi phục của kinh tế toàn cầu nhờ việc duy trì xuất khẩu cho rất nhiều nước bị ảnh hưởng của khủng hoảng, tăng cường đầu tư ra nước ngoài và tạo ra nhiều việc làm.

8. Thống nhất thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty trong nước và nước ngoài

Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngày 16/3/2007, quy định mức thuế ngang nhau cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2008, không chỉ làm lợi cho các công ty trong nước, mà còn góp phần cái thiện chất lượng và cấu trúc đầu tư nước ngoài.

9. Các ngành công nghiệp truyền thống đạt bước tiến lớn

Theo số liệu thống kê mới nhất của WTO ngày 21/10/2011, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Trung Quốc đạt 77 tỷ USD năm 2010, chiếm 30,7% tổng kim ngạch trên toàn thế giới. Xuất khẩu hàng may mặc cũng đạt 130 tỉ USD, chiếm 39,9% kim ngạch thế giới. Các ngành công nghiệp truyền thống khác như đồ điện gia dụng và công nghệ thông tin cũng có tiềm năng phát triển rất lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

10. Sản xuất và tiêu thụ ô tô nhiều nhất thế giới

Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia sản xuất và tiêu thụ ô tô nhiều nhất thế giới lần đầu tiên vào năm 2009. Năm 2010, cả hai số liệu này đều vượt quá 18 triệu chiếc và lập kỉ lục thế giới về số lượng. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã có những bước phát triển đáng kể để mở rộng quy mô, gây dựng thương hiệu và tăng cường ngoại thương. Nếu như năm 2001, sản lượng ô tô của họ chỉ là 2,47 triệu chiếc, thì đến năm 2010, con số này đã là 18,26 triệu chiếc.

11. Tranh chấp thương mại với Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế

Ngày 11/9/2009, tổng thống Mỹ Barrack Obama đã tăng thuế nhập khẩu lên 35% đối với các sản phẩm ô tô và lốp xe tải hạng nhẹ từ Trung Quốc để trừng phạt nước này. Đây chỉ là một trong số rất nhiều các tranh chấp thương mại mà nước này vướng vào kể từ khi gia nhập WTO. Chính vì thế, Trung Quốc cần phải linh hoạt hơn nữa trong việc tận dụng các cơ chế về giải quyết tranh chấp để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.

Trong 10 năm gia nhập WTO, Trung Quốc đã bị vướng vào hơn 690 cuộc điều tra về bán phá giá, trợ giá trong nước, vi phạm các quy định về bảo đảm và giải quyết tranh chấp thương mại với tổng số tiền lên tới 40 tỷ USD. Đây sẽ là nhiệm vụ rất dài hơi của Trung Quốc nếu muốn dứt bỏ cơ chế bảo hộ và duy trì hệ thống thương mại đa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc sau 10 năm gia nhập WTO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO