![]() |
Theo Wall Street Journal, Trung Quốc vừa thành lập Tập đoàn Động cơ Máy bay (AECC) nhằm tăng cường sức mạnh hàng không và hiện đại hóa quân sự của nước này.
AECC có vốn đăng ký 50 tỷ CNY (7,5 tỷ USD) với 96.000 nhân viên và đặt trụ sở tại Bắc Kinh.
Theo Xinhua, AECC sẽ tập trung thiết kế, sản xuất và thử nghiệm động cơ máy bay. Các nhà đầu tư của công ty gồm Chính phủ Trung Quốc và hai công ty quốc doanh khác - Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc gặp khó trong việc tự sản xuất động cơ máy bay cỡ lớn để bắt kịp các đối thủ nước ngoài dù đã nỗ lực hàng thập kỷ và đầu tư nhiều tiền vào trong đó. Các máy bay quân sự tốt nhất của nước này cũng sử dụng động cơ của Nga. Trong khi đó, hai loại máy bay chở khách nước này tự sản xuất hiện vẫn dựa vào động cơ phương Tây.
Giới phân tích nhận xét với việc thành lập AECC, Bắc Kinh kỳ vọng sẽ phát triển ngành hàng không một cách độc lập bằng công nghệ trong nước.
AECC ra đời cũng giúp hợp nhất các công ty đang sản xuất động cơ máy bay tại Trung Quốc. Hồi tháng 3, 3 doanh nghiệp đã tuyên bố họ sẽ nhập vào công ty mới này. Đó là Tập đoàn Động cơ Hàng không AVIC, Công ty Công nghệ và Khoa học Hàng không Sichuan Chengfa và Công ty Kiểm soát Động cơ Hàng không AVIC.
Nó cũng phù hợp với nỗ lực cải tổ ngành sản xuất quốc doanh của Bắc Kinh. Họ đang đặt mục tiêu tạo ra các nhà vô địch về công nghệ cao trong hàng không, robot, năng lượng nguyên tử và nhiều ngành khác.
Trung Quốc thành lập các công ty hàng không quốc doanh từ thập niên 50, khi họ bắt đầu sản xuất máy bay dân dụng và quân sự theo thiết kế của Liên Xô. Từ đó, các kỹ sư Trung Quốc đã phát triển động cơ máy bay, nhưng vẫn chưa nắm được công nghệ để sản xuất các loại động cơ turbin cánh quạt phù hợp cho mục đích thương mại. Do sản phẩm này đòi hỏi cao hơn về chất lượng và độ an toàn.
Vì vậy, dù đã thiết kế 2 loại máy bay nội địa, họ vẫn phải mua động cơ và nhiều thành phần quan trọng khác từ bên ngoài.
>Ngành hàng không thế giới vẫn "cất cánh" bất chấp khủng hoảng
>Ngành hàng không giá rẻ "lên ngôi" tại Đông Nam Á
> Sibongile Sambo - Người phụ nữ làm thay đổi ngành hàng không châu Phi