Trung Quốc: Khó chồng khó

22/04/2013 00:26

Trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô không mấy tích cực, Trung Quốc lại phải đối phó với trận cúm gia cầm đang có dấu hiệu lan rộng.

Trung Quốc: Khó chồng khó

Trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô không mấy tích cực, Trung Quốc lại phải đối phó với trận cúm gia cầm đang có dấu hiệu lan rộng.

Dịch cúm H7N9 đã khiến ngành gia cầm Trung Quốc thiệt hại 1,6 tỉ USD

Cả nhà đầu tư lẫn giới kinh tế đều bất ngờ khi đầu tuần qua, Chính phủ Trung Quốc cho biết tăng trưởng GDP quý I/2013 chỉ đạt 7,7%, mặc cho những nỗ lực nới lỏng tín dụng của chính phủ. Con số này thấp hơn mức dự báo 8% của các chuyên gia kinh tế.

“GDP tăng trưởng chậm lại trong quý I/2013 mặc cho những biện pháp mở rộng tín dụng mạnh mẽ là một tin xấu cho nền kinh tế Trung Quốc”, Patrick Chovanec, trưởng chiến lược gia tại Silvercrest Asset Management, nhận xét.

Những con số đáng buồn

Trong 6 tháng cuối năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra gói kích thích cơ sở hạ tầng 157 tỉ USD. Hoạt động tín dụng cũng tăng mạnh, gần 60% trong quý I/2013 so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, biện pháp này giờ đã không thể tạo ra mức tăng trưởng như đã từng làm cách đây 10 năm.

Theo hãng phân tích tài chính IHS, giữa thập kỷ 2000, cho vay ra 1 nhân dân tệ tạo ra khoảng 1 nhân dân tệ GDP danh nghĩa. Nhưng trong năm 2012, 3 nhân dân tệ cho vay ra chỉ tạo ra được khoảng 1 nhân dân tệ GDP danh nghĩa.

Chỉ số rõ ràng nhất cho thấy dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp suy giảm. Theo số liệu được công bố vào đầu tuần qua, sản xuất công nghiệp trong tháng 3 đã giảm xuống còn 8,9% từ mức tăng dự kiến trên 10%. Con số này tương đương với mức tăng sản xuất công nghiệp tháng 8/2012, được coi là đáy của suy giảm kinh tế.

“Mặc dù tháng 8/2012 được coi là đáy của suy thoái hồi năm ngoái, nhưng chúng tôi ngờ rằng tháng 3 sẽ là một bước ngoặt đối với năm 2013, xét trong bối cảnh chính sách vĩ mô đã chuyển hướng sang siết chặt lại thị trường nhà đất đang có dấu hiệu tăng nóng, cũng như siết chặt hơn việc đi vay của chính quyền địa phương”, Alistar Thornton, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại IHS, cho biết.

Thực vậy, thị trường nhà đất Trung Quốc, sau các biện pháp nới lỏng tín dụng, đã bắt đầu tăng giá mạnh trở lại. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá nhà ở đã tăng lên tại 66 trong số 70 thành phố Trung Quốc trong tháng 3, so với tháng trước đó. Sự tăng nóng này đã buộc 2 thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải phải công bố các giải pháp mới để hạ nhiệt thị trường.

Việc nợ chính phủ Trung Quốc đang đứng ở mức cao cũng là một mối lo ngại khác. Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc gần đây ước tính nợ chính quyền địa phương và trung ương đã lên tới 15.000-18.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 29-35% GDP, tính đến cuối năm 2012.

Đầu tuần qua, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s đã cắt triển vọng tín nhiệm nợ của Trung Quốc từ “tích cực” xuống “ổn định”. Lý do là tổ chức này quan ngại với nợ của chính quyền địa phương, tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong khi các cải cách kinh tế chưa thực sự mạnh mẽ.

Moody’s vẫn giữ đánh giá tín nhiệm nợ của Trung Quốc là Aa3, nhưng việc hạ triển vọng có nghĩa là Trung Quốc sẽ không được nâng hạn mức tín nhiệm trong vòng 12-18 tháng tới.

Rủi ro mới từ cúm H7N9

Trong kinh tế vĩ mô không mấy tích cực, Trung Quốc lại phải đau đầu với dịch cúm gia cầm H7N9. Trận cúm này đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực ở Trung Quốc.

Đầu tuần qua, một quan chức thuộc Hiệp hội Gia cầm Quốc gia Trung Quốc cho biết, thiệt hại của ngành gia cầm đã vượt con số 1,6 tỉ USD. Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

China Spring Tour, một trong những công ty du lịch lớn nhất nước, cho biết trong 10 ngày đầu tiên của tháng 4, số khách Công ty đưa tới Thượng Hải và các vùng lân cận đã giảm 30% - 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trận cúm cũng dự kiến sẽ làm giảm sức tiêu thụ trong nước. Li Wei, chuyên gia kinh tế tại Thượng Hải của ngân hàng Standard Chartered, cho biết doanh số tại các nhà hàng đang giảm và sản xuất của ngành thực phẩm cũng bị tác động (Li không đưa ra ước tính cụ thể).

Một mối lo ngại lớn hơn, theo Ding Shuang, chuyên gia kinh tế của Citigroup ở Hồng Kông, là trận cúm này có thể ảnh hưởng ngắn hạn đến tăng trưởng cũng như lạm phát tại Trung Quốc và tác hại sẽ còn lớn hơn nếu cúm H7N9 được chứng minh rằng có thể lây từ người sang người.

Theo ông, nỗi lo sợ dịch cúm có thể đẩy tăng giá thịt heo và các sản phẩm thay thế cho gia cầm và nhu cầu cao hơn sẽ vượt qua nguồn cung. “Giá lương thực sẽ tiếp tục là một động lực quan trọng đẩy tăng lạm phát”, ông nói.

Ông Lu Ting, đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc của Bank of America (BofA) tại Hồng Kông, cho biết BofA có thể sẽ giảm dự báo tăng trưởng quý II/2013 của Trung Quốc xuống còn chưa tới 8% từ mức 8,1% nếu trận cúm trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, Zhu Haibin, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng JPMorgan, cho rằng: “Tôi không nghĩ trận cúm này sẽ tệ như đợt SARS năm 2003. Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc giải quyết dịch cúm, vì thế tôi nghĩ tác hại sẽ rất hạn chế”.

Trận SARS năm 2003 đã giết chết 743 người và khiến Trung quốc thiệt hại 40 tỉ USD.

Với những diễn biến mới này, ít nhất trong ngắn hạn, khó có thể kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Khó chồng khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO