![]() |
Hôm 26/10, hành khách đã bắt đầu sử dụng tàu điện cao tốc mới nhất của Trung Quốc, và thời gian đi lại giữa trung tâm kinh tế Thượng Hải và thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang đã giảm xuống một nửa.
![]() |
Tàu cao tốc nhanh nhất thế giới của Trung Quốc - Ảnh: Xinhua |
Với tốc độ di chuyển đến 350 km/giờ, thời gian đi lại giữa hai thành phố từ 90 phút chỉ còn 45 phút. Tuyến đường sắt này đã mở rộng thêm mạng lưới đường sắt của Trung Quốc tới hơn 7.430 km.
![]() |
Nữ tiếp viên trên tàu trước giờ khởi hành - Ảnh: Xinhua |
"Việc hoàn thành tuyến đường sắt mới giữa Thượng Hải và Hàng Châu sẽ đẩy mạnh tốc độ hội nhập trong vùng đồng bằng sông Dương Tử", AFP ghi nhận phát biểu của thị trưởng Thượng Hải Han Zheng tại buổi lễ khánh thành.
Còn Bộ trưởng Bộ Đường sắt Liu Zhijun nói với Tân Hoa Xã rằng: "Việc đưa vào sử dụng đường sắt tốc độ cao Thượng Hải - Hàng Châu sẽ giảm bớt áp lực giao thông trong khu vực đồng bằng sông Dương Tử". Bộ Đường sắt (MOR) dự báo năm 2010 sẽ có khoảng 3.05 tỉ lượt người đến và đi tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử.
![]() |
Tổng cộng quãng đường sắt mới này dài 202 km - Ảnh: Xinhua |
Trong một chuyến chạy thử hôm 28/9, con tàu này đã lập được một kỷ lục tốc độ mới khiến nhiều người choáng váng: 416,6 km/giờ. Tuyến đường này được xây dựng vào tháng 2-2009.
Trung Quốc không giấu giếm tham vọng xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao dài nhất thế giới. Theo Bộ Xây dựng, Trung Quốc sẽ có một mạng lưới đường sắt đạt 110.000 km vào năm 2012, trong đó có 13.000 km là đường sắt cao tốc. Điểm nổi bật của mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ là tuyến đường Bắc Kinh - Thượng Hải có chiều dài 1.318 km. Hiện nay tuyến đường có tổng vốn đầu tư là 220,9 tỉ nhân dân tệ (khoảng 33n1 tỉ USD). Sau khi hoàn thành, thời gian đi lại giữa hai thành phố quan trọng nhất đất nước này sẽ giảm hẳn một nửa, còn chưa đầy 5 tiếng. |
Không có số liệu cụ thể từ các quan chức rằng 202 km tuyến đường sắt đã sử dụng bao nhiêu tiền đầu tư, nhưng trước đó các báo cáo từ phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin tổng vốn đầu tư là 29,3 tỉ nhân dân tệ (khoảng 4,4 tỉ USD). Tuyến đường có 9 trạm dừng và giá vé suốt tuyến là 156 nhân dân tệ (23,4 USD) đối với ghế hạng nhất và 98 nhân dân tệ (14,7 USD) đối với ghế hạng hai.
Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng và nâng cấp mạng lưới đường sắt trong bối cảnh áp lực đang gia tăng lên hệ thống giao thông của nước này. Cơ quan đường sắt cho biết trong tháng 7, Trung Quốc chi khoảng 120 tỉ USD để tăng gần gấp đôi mạng lưới đường sắt cao tốc vào năm 2012.
Lần đầu tiên Trung Quốc bắt đầu sử dụng đường sắt cao tốc là vào năm 2008 để nối liền thủ đô với thành phố cảng Thiên Tân trong thời gian Olympic Bắc Kinh diễn ra. Kể từ đó, đường sắt cao tốc đã bắt đầu được đưa vào sử dụng nhiều hơn, như tuyến đường Vũ Hán - Quảng Châu nối miền trung và nam Trung Quốc; tuyến Trịnh Châu - Tây An nối trung và tây; tuyến Thượng Hải - Nam Kinh ở phía đông của đất nước.