Trung Quốc có hy vọng "hút" tài năng công nghệ từ Mỹ?

THÁI DUY| 19/12/2016 03:59

Các đại gia công nghệ tại Trung Quốc đang kỳ vọng vào việc có thể thu hút tài năng ngành này từ nước Mỹ

Trung Quốc có hy vọng

Các đại gia công nghệ tại Trung Quốc kỳ vọng vào việc có thể thu hút tài năng ngành này từ nước Mỹ, nhưng cuộc họp của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với các lãnh đạo công nghệ đã càng bóp nghẹt tham vọng này.

Tuần trước, ông Trump đã có buổi nói chuyện rất quan trọng với đại diện của Amazon, Apple, Microsoft, Tesla, Oracle, Google, Intel, Anphabet, IBM, Cisco, Facebook và Palantir. Cuộc trao đổi được đánh giá có kết quả tốt, theo truyền thông Mỹ. Ông Trump nói rằng muốn ngành công nghệ “tiếp tục với những sáng kiến tuyệt vời”, và “Các bạn thực sự độc đáo trên thế giới. Không ai trên đời giống được với những người trong căn phòng này”.

Từ chỗ tồn tại một cảm giác chống lại ông Trump, Thung lũng Sillicon có vẻ đã bắt nhịp được với tỷ phú này, người sẽ chính thức là Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017. Cuộc nói chuyện được xem xoay quanh vấn đề công ăn việc làm, dân nhập cư có trình độ cao và mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trước đó, chính sách thắt chặt vấn đề nhập cư của ông Trump đã gợi lên khung cảnh u ám cho làng công nghệ Mỹ. Thung lũng Sillicon hiện nay có sự đóng góp đáng kể từ những người lao động nước ngoài có tay nghề cao. Báo cáo của Bloomberg cho thấy người nước ngoài đóng góp một nửa trong số những công ty khởi nghiệp công nghệ có giá 1 tỷ USD trở lên tại Thung lũng Sillicon, trong khi 2/3 người làm việc ở lĩnh vực máy tính và toán học sinh ra bên ngoài nước Mỹ. Nếu chính sách thị thực mới của ông Trump có hiệu lực, khá nhiều người trong số này sẽ bị hạn chế sinh sống và làm việc ở Mỹ, đồng nghĩa họ sẽ chọn một nơi khác để cống hiến, với hai lựa chọn tốt nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, theo South China Morning Post.

Baidu doanhnhansaigon
Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Baidu cũng khó thu hút nhân tài từ Mỹ vì nhiều lý do khác nhau. Nguồn: Reuters

Với riêng Trung Quốc, việc “rút ruột” được tài năng từ Mỹ có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nước này bùng nổ ngành công nghệ. Bloomberg tuần trước dẫn lại lời ông Robin Li, người đứng đầu hãng công nghệ Baidu cho rằng, ông hy vọng những người không được chào đón ở Mỹ sẽ “đến Trung Quốc và giúp Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn sáng kiến toàn cầu”.

>>Baidu có phải Google của Trung Quốc?

Tuy nhiên, lời của ông Li có vẻ hơi thiếu thực tế. Bloomberg trong bài viết tuần trước chỉ ra 3 điểm yếu khiến Trung Quốc càng khó thu hút nhân lực công nghệ nước ngoài, trong đó có cảm giác không ủng hộ người nước ngoài, điều đi ngược lại với sự “chào đón” của ông Li.

Thêm vào đó, Trung Quốc nổi tiếng là thị trường “đóng cửa”, khi không cho phép Facebook, Google hay Twitter tham gia. Sự kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc là rào cản lớn nhất cho khả năng phát triển công nghệ với những học giả, người lao động tay nghề cao của ngành công nghệ tại đây.

Sau cùng, trình độ công nghệ của Trung Quốc thực tế chưa sánh kịp các đại gia từ Mỹ, trong lúc nhiều học giả quốc tế khó chấp nhận chuyện phát triển một hệ thống chỉ phục vụ cho Trung Quốc. Lấy ví dụ, Facebook không cần thị trường Trung Quốc vẫn có hơn 1,5 tỷ người dùng, trong lúc WeChat hùng mạnh nhất làng mạng xã hội Trung Quốc chỉ hơn 850.000 người.

Với nhiều hạn chế ấy, bất kể ông Trump có “đá” nhiều nhân tài khỏi Mỹ, Bloomberg cho rằng các thị trường như Ấn Độ, Canada và đặc biệt Đông Nam Á vẫn có sức hút cao hơn Trung Quốc.

>>Vì sao Trung Quốc hay sao chép ý tưởng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc có hy vọng "hút" tài năng công nghệ từ Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO