Tổng biên tập không chốn nương thân

27/10/2010 08:29

Là người đồng sáng lập kiêm tổng biên tập trang web Wikileaks, Julian Assange không bao giờ dừng lại ở một nơi quá lâu. Cuộc đời anh là cuộc trốn chạy bất tận.

Tổng biên tập không chốn nương thân

Là người đồng sáng lập kiêm tổng biên tập trang web Wikileaks, Julian Assange không bao giờ dừng lại ở một nơi quá lâu. Cuộc đời anh là cuộc trốn chạy bất tận.

Phút trầm tư của tổng biên tập Wikileaks Julian Assange - Ảnh: Reuters

Assange không bao giờ cho ai biết anh đi đâu. Giờ cơ hội định cư ở Thụy Điển không còn, thị thực ở Anh sẽ hết hạn vào đầu năm tới, Assange sẽ lại tiếp tục cuộc trốn chạy.

Không nơi ẩn náu

Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ năm 2006, khi Assange, với kinh nghiệm của một tin tặc và trí tuệ mà bạn bè đánh giá là “gần mức thiên tài”, sáng lập trang web Wikileaks. Giờ anh là người nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng thường xuyên sống trong sự đề phòng. Ba tháng trước, sau khi Wikileaks công bố 90.000 tài liệu về cuộc chiến tranh Afghanistan, Assange đã đến Thụy Điển xin giấy phép nhập cư và tận dụng luật tự do báo chí mạnh mẽ của quốc gia này.

Sự chào đón ban đầu vô cùng nồng ấm. “Họ gọi tôi là James Bond báo chí - Assange nói một cách mỉa mai - Tôi có rất nhiều người hâm mộ”. Tuy nhiên, xìcăngđan cưỡng dâm, gạ gẫm nổ ra. Chính quyền Thụy Điển đang điều tra cáo buộc anh cưỡng hiếp và gạ gẫm hai phụ nữ. Assange khẳng định đó là những mối quan hệ xuất phát từ cả hai phía và cáo buộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở chiến dịch bôi nhọ thanh danh anh. Nhưng đến nay các công tố viên Thụy Điển vẫn chưa chính thức bãi bỏ hai vụ kiện.

Tuần trước, Ủy ban di trú Thụy Điển tuyên bố không cấp giấy phép định cư cho Assange. Điều khiến Assange lo ngại nhất là Mỹ sẽ làm gì kế tiếp chống lại anh. Các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang xem xét kiện Assange tội vi phạm Luật phản gián sau khi Wikileaks công bố tài liệu mật về Afghanistan.

Assange đã bôn ba qua Thụy Điển, Đức và Anh trong hành trình trốn chạy của mình. Ban đầu anh định đến định cư ở Iceland, nơi cũng có luật tự do báo chí phát triển rất mạnh. Nhưng giờ đất nước đó cũng đã mất đi sức hút. Assange khẳng định cũng giống như Anh, chính quyền Iceland dễ dàng bị Washington kiểm soát. Tại Úc, quê hương của Assange, các quan chức chính phủ cũng tuyên bố họ sẽ hợp tác với phía Mỹ nếu Washington truy tố anh. Một quan chức cấp cao Úc nói thẳng với Assange: “Cậu không chơi đúng luật thì sẽ bị xử lý bằng luật rừng”.

Xung đột nội bộ

Khi quyết định đi theo con đường này và không chấp nhận thỏa hiệp, tôi đã rơi vào một tình huống vô cùng khó khăn. Khi bạn thường xuyên nghĩ rằng mình sẽ phải vào tù, tình hình sẽ trở nên căng thẳng hơn là bạn tưởng

Julian Assange

Assange còn phải đương đầu với những xung đột ngay trong Wikileaks. Báo New York Times đã phỏng vấn hàng chục người từng làm việc với anh ở Iceland, Thụy Điển, Đức, Anh, Mỹ... Tất cả đều mô tả Assange là một nhà cách tân giàu ảnh hưởng nhưng thất thường và độc đoán. “Một mình anh ấy quyết định công bố tài liệu Afghanistan mà không bỏ đi tên tuổi các nguồn tin tình báo của NATO tại Afghanistan - Birgitta Jonsdottir, một tình nguyện viên quan trọng của Wikileaks và là thành viên Quốc hội Iceland, cho biết - Chúng tôi đã rất giận”.

Chính Assange cũng thừa nhận tính cách độc đoán này. “Tôi là trái tim, là linh hồn của tổ chức này, là người sáng lập, nhà tư tưởng, người phát ngôn, người tổ chức, người tài trợ, là tất cả - anh tuyên bố trong một cuộc tranh cãi trên mạng với Herbert Snorrason, một nhà hoạt động chính trị ở Iceland - Không có tôi, Wikileaks sẽ tan vỡ”. Khi Snorrason tranh luận với anh về một số vấn đề, Assange thẳng thừng nói: “Tôi không thích cái giọng của anh.

Nếu còn tiếp tục như vậy thì anh sẽ phải ra đi”. Assange mô tả tất cả những người chỉ trích mình là “không biết suy nghĩ” và là “những kẻ ngốc”. Smari McCarthy, một tình nguyện viên Iceland, cho biết hơn 10 tình nguyện viên Wikileaks đã bỏ đi thời gian qua và nhiều người khác có thể sẽ tiếp bước.

Hồi mùa hè Assange cũng đã đình chỉ công việc của Daniel Domscheit-Berg, người Đức, đóng vai trò người phát ngôn Wikileaks. Assange phủ nhận việc các tình nguyện viên Wikileaks bỏ đi hàng loạt. Nhưng nếu đó là sự thật thì Wikileaks sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi cả tổ chức chỉ có 40 tình nguyện viên

chủ chốt và 800 người khác, phần lớn không được trả lương để điều hành trang web và bảo vệ các máy chủ trước nguy cơ bị tấn công. Dù vậy, những người phản đối Assange đều thừa nhận hệ thống hạ tầng và tài chính của Wikileaks phụ thuộc hoàn toàn vào Assange và , như bà Jonsdottin mô tả, “anh ấy là người đặc biệt, độc nhất vô nhị và cực kỳ tài năng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng biên tập không chốn nương thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO