Toàn cảnh bản đồ nợ

LAM HỒNG| 25/02/2010 00:18

Sau cơn mưa tiền trút xuống các gói kích thích kinh tế, kinh tế nhiều nước trở nên chòng chành với các mối nguy hiểm phát sinh từ những khoản nợ khổng lồ đang ngày một gia tăng.

Toàn cảnh bản đồ nợ

Sau cơn mưa tiền trút xuống các gói kích thích kinh tế, kinh tế nhiều nước trở nên chòng chành với các mối nguy hiểm phát sinh từ những khoản nợ khổng lồ đang ngày một gia tăng. Từ cuộc khủng hoảng nợ của các ngân hàng, thế giới bước vào khủng hoảng nợ có quy mô quốc gia.

Hiệu ứng domino

Tính tổng, nhóm nước châu Âu dành khoảng hơn 200 tỷ USD cho các kế hoạch kích cầu để hồi sinh nền kinh tế. Tiền chi tiêu quá nhiều cho kế hoạch kích cầu cứu kinh tế châu Âu khỏi suy thoái đã đẩy mức thâm hụt lên cao, đến mức Hy Lạp và Tây Ban Nha tiến gần hơn đến khả năng vỡ nợ. Hy Lạp cần khoảng 73 tỷ USD đến cuối năm 2010 để lấp lỗ hổng ngân sách và thanh toán các khoản nợ. Nguy cơ vỡ nợ từ Athens có thể gây hiệu ứng domino, tạo dây chuyền sụp đổ trên toàn khu vực. Con bệnh Hy Lạp đang đẩy châu Âu đến thảm họa tài chính lớn nhất trong lịch sử 11 năm của khối này.

Hiện 20/27 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đang phải chịu thâm hụt ngân sách để có tiền cứu kinh tế khỏi suy thoái, mức trung bình năm 2010 khoảng 7,5%. Ba năm trước, mức thâm hụt chỉ khoảng 0,8% GDP và thâm hụt ngân sách trong nhóm nước thuộc khu vực cho phép chỉ là 3%.

Cuối năm ngoái, Ủy ban Châu Âu (EC) công bố danh sách một loạt các nước hiện đang tiềm ẩn những rủi ro tương tự, trong đó có Pháp và Ireland. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng phải chịu thâm hụt ngân sách ở mức 4% năm 2009 cho đến gần 5% trong năm 2010. Ông Eric Grémont, cơ quan nghiên cứu Politico - Economic Observatory of Capitalistic Structures, nhận xét: “Quy mô của kinh tế châu Âu không lớn như My,õ vì thế mức độ nợ không cao như vậy. Thế nhưng, khi nợ lên mức quá cao và việc mất khả năng trả nợ gần hơn, mọi thứ có thể sụp đổ”. Để ngăn điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính phủ các nước châu Âu nên ngưng có biện pháp giúp tăng trưởng kinh tế sớm trở lại bình thường.

Rắc rối tại châu Âu làm cho các nhà đầu tư có lý do phải lo ngại, nhưng họ không chỉ là nguyên nhân khiến dư luận phải quan tâm. Thay đổi chính sách khắp thế giới cũng khiến các nhà đầu tư phải e dè hơn. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết lại hệ thống ngân hàng với lo ngại lạm phát và bong bóng tài sản. Trong khi đó, ngân hàng Ấn Độ tăng yêu cầu dự trữ; còn Brazil đang rút dần các chương trình kích thích tài chính.

Những thay đổi này bước đầu đã khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Chỉ số MSCI World Index giảm xuống gần 10%. Lạc quan về kịch bản phục hồi hình chữ V bị thay thế bằng nỗi bi quan về sự suy giảm kép. Nguy hiểm lặp lại sai lầm từng diễn ra tại Mỹ năm 1937 và tại Nhật năm 1997 - chính sách thắt chặt tiền tệ đẩy các nước vào suy thoái.

Bệnh của những con nợ lớn

Khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang biến kinh tế nhiều nước thành quân cờ domino có thể đổ rạp bất cứ lúc nào. Vì thế, cả châu Âu nháo nhào tìm cách cứu nền kinh tế của những vị thần. Tờ Financial Times chạy tựa “Khủng hoảng tại Hy Lạp đang đến Mỹ” để cảnh báo nguy cơ vỡ nợ dây chuyền đang diễn ra trên khắp thế giới.

Mỹ cũng là nước nằm trong câu lạc bộ “vay trước, trả sau” của các con nợ khổng lồ. Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/1 thông báo, trong quý I của tài khóa 2010, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 388 tỷ USD, tăng 56,5 tỷ USD so với mức thâm hụt 332 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Dự báo trong cả năm tài khóa 2010, ngân sách sẽ thâm hụt 1,5 nghìn tỷ USD, tăng 5,6% so với mức 1,4 nghìn tỷ USD của tài khóa 2009. Để ngăn chặn núi nợ khổng lồ đang đổ ập xuống,

Tổng thống Obama thông báo kế hoạch thắt lưng buộc bụng chưa từng có, ngưng chi tiêu trong ba năm. Khoản tiết kiệm - dự kiến sẽ được khoảng 15 tỷ USD cho ngân sách năm tới và có thể lên tới 250 tỷ USD trong 10 năm tới. Châu Á và các nước khác nắm giữ các món nợ của Mỹ khi đồng USD bắt đầu giảm sẽ gặp những bất lợi và họ cũng đã thiệt hại từ sự nắm giữ này.

Trong khi đó, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhật Bản cũng đang rơi vào hố đen nợ nần chồng chất. Số nợ của Nhật Bản từ mức chiếm 188% GDP năm 2007 sẽ tăng lên 246% GDP của năm 2014. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chi nhiều vốn để xây dựng đập nước và các công trình quốc lộ, khiến cho con số nợ của Chính phủ Nhật lên đến 5.000 tỷ USD. Con số nợ khổng lồ và đang tiếp tục tăng lên của Nhật Bản như là cơn ác mộng đối với các nhà đầu tư, những khoản nợ này của Nhật có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới và đồng yên có thể sẽ phải đối mặt với nhiều nhân tố bất ổn định.

Bộ Tài chính Mỹ đã công bố thống kê hằng tháng về tình hình mua bán công khố phiếu Mỹ. Một dữ kiện khiến dư luận và các thị trường tài chính thế giới chú ý là việc Trung Quốc đã bán công khố phiếu Mỹ và vì vậy, Nhật Bản trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc xác nhận là kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi nên bán bớt hơn 34 tỷ USD công khố phiếu ngắn hạn của Mỹ. Nhìn trên toàn cảnh thì Trung Quốc chỉ còn làm chủ một lượng công khố phiếu Mỹ trị giá 755,4 tỷ USD so với 768,8 tỷ USD của Nhật Bản.

Mặc dù nhiều người lo ngại Trung Quốc có dấu hiệu rút tiền khỏi thị trường Mỹ, nhưng trên thế giới không có thị trường trái phiếu nào đủ dày và đủ sâu như thị trường Mỹ để nhận cả trăm tỷ USD tràn vào hay chảy ra mỗi ngày. Thị trường châu Âu hiện nay với viễn ảnh các nước phía nam có khi vỡ nợ, hay thị trường Anh hoặc Thụy Sĩ cũng không đủ quy mô. Thị trường Nhật là nơi mà công khố phiếu Nhật có giá trị rất thấp, như mớ giấy lộn vì đang là khách nợ lớn nhất thế giới, hơn cả Mỹ.

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào xuất khẩu và thị trường xuất khẩu lớn nhất cũng lại là Mỹ. Khi cho Mỹ vay tiền, Bắc Kinh góp phần làm hạ lãi suất dài hạn khiến dân Mỹ tiếp tục hồ hởi tiêu xài và tiếp tục mua hàng Trung Quốc. Họ cố nuôi khách nợ để khách nợ trở thành khách hàng. Nếu không thì thị trường đại lục cũng sẽ mất thăng bằng nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Toàn cảnh bản đồ nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO