Tìm lời giải cho học thuyết Tập Cận Bình

LAM HỒNG| 20/11/2012 03:11

Duy trì ổn định xã hội và xây dựng mô hình kinh tế lấy tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng là thách thức lớn chờ đợi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Tìm lời giải cho học thuyết Tập Cận Bình

Duy trì ổn định xã hội và xây dựng mô hình kinh tế lấy tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng là thách thức lớn chờ đợi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Kế hoạch dang dở

Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) đã công bố các thành viên trong ban lãnh đạo cấp cao là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực: Tập Cận Bình, 59 tuổi, kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Lý Khắc Cường, 57 tuổi, thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Như vậy, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ trở thành hai nhân vật chấp chính, lèo lái đất nước tỷ dân đi lên trong 10 năm tới.

TQ đưa một thế hệ lãnh đạo mới lên cầm quyền trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chững lại. Do tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu và khó khăn kinh tế toàn cầu, GDP của TQ trong năm nay không tăng quá 7,5%.

Mặc dù có quy mô kinh tế 7,3 ngàn tỷ USD, tương đương 48% GDP của Mỹ nhưng hiện tại TQ vẫn là một nước nghèo. Đóng góp vào kinh tế của một người dân TQ chỉ bằng 17% mức trung bình của một người Mỹ.

Một nửa dân số vẫn sống dựa vào nông nghiệp và chưa có cơ hội đến các thành phố nơi họ có thể đóng góp nhiều hơn bằng việc làm trong ngành công nghiệp...

Vì vậy, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang đặt vấn đề xét lại mô hình phát triển vốn dựa vào xuất khẩu, đầu tư quá tải và chính sách tiền tệ quá dễ dãi; coi đây là nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo mới phải hoàn thành trong 10 năm tại nhiệm.

Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 18, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề ra mục tiêu cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp "nhân thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi từ nay cho đến năm 2020".

Mục tiêu đó chỉ có thể hoàn thành với điều kiện trong 8 năm tới, TQ liên tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên, trụ cột chính tạo nên sức phát triển thần kỳ của TQ gồm xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài đang ngày càng suy yếu, đặc biệt là kể từ sau khủng hoảng 2008 - 2009, bắt buộc phải có một cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ, tương đương với cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng ba thập kỷ trước.

Thực tế, TQ trong 5 năm qua đã tiến hành một loạt biện pháp cải tổ để tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất của chiến lược này là khoảng cách quá lớn giữa các vùng miền.

Chiến lược mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã giúp các tỉnh miền Đông phát triển mạnh nhất vì hướng ra ngoài, nhưng lại bỏ quên các tỉnh ở bên trong.

Năm 1999, thế hệ lãnh đạo thứ ba là Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ đã muốn điều chỉnh tình trạng đó với kế hoạch "Phát triển Địa khu Tây bộ” nhằm gia tăng đầu tư vào 6 tỉnh và 5 khu tự trị hành chính bị khóa trong lục địa ở miền Tây mà không thành.

Sau năm 2002, thế hệ thứ tư cũng đòi khôi phục ba tỉnh Đông Bắc và một phần của Nội Mông, rồi kế hoạch phát triển 6 tỉnh thuộc khu vực Trung bộ.

Thay vì cố gắng để phù hợp với tốc độ mở rộng, ông Hồ Cẩm Đào hứa hẹn một con đường phát triển cân bằng hơn trong việc theo đuổi một "xã hội hài hòa".

Tuy nhiên, kế hoạch cũng còn dang dở và kết quả là khoảng cách phát triển giữa các vùng miền ngày càng cách biệt. Đến năm 2008, thu nhập nông thôn trung bình thấp hơn 30% thu nhập đô thị. Chỉ có 34% chi tiêu của TQ là từ người tiêu dùng trả cho hàng hóa và dịch vụ, 48% chi tiêu là từ đầu tư.

Nói một cách khác, sự mất cân bằng cơ bản tại TQ ngày nay lớn hơn Nhật Bản hai thập kỷ trước; có nghĩa là TQ sẽ phải thúc đẩy chi tiêu trong nước mạnh mẽ nếu như muốn tránh khỏi đình trệ kinh tế như Nhật hiện nay.

Đụng chạm quyền lợi

Báo Thanh Niên Trung Quốc số ra ngày 6/11 công bố một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện qua mạng internet. Theo đó, 75,4% những người được tham khảo ý kiến cho rằng, bất bình đẳng về thu nhập là một mối đe dọa đối với tương lai đất nước.

Lãnh đạo nước này nhìn nhận rằng sự phẫn nộ của người dân về nạn tham nhũng cùng các vấn đề như môi sinh xuống cấp đã phương hại đến sự ủng hộ dành cho Đảng và làm bùng phát nhiều vụ phản đối, đe dọa đến sự tồn vong chế độ.

Bên cạnh đó, vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 khiến Bắc Kinh lo sợ rằng sản xuất sút giảm vì thị trường xuất khẩu thu hẹp, nạn thất nghiệp gia tăng sẽ gây ra động loạn.

Vì vậy, Bắc Kinh bơm gói kích thích kinh tế khổng lồ qua hệ thống ngân hàng. Kết quả là kinh tế có tăng trưởng nhưng hệ quả là một lượng tín dụng khổng lồ, tương đương với mấy ngàn tỷ USD, được bơm vào kinh tế, qua doanh nghiệp nhà nước và các cơ sở kinh doanh có quan hệ tốt với viên chức địa phương, đã thổi lên bong bóng đầu cơ về địa ốc và lạm phát.

Một hậu quả khác là các địa phương thực hiện nhiều dự án có giá trị kinh tế rất thấp mà vẫn được ngân sách tài trợ, miễn là tạo ra công ăn việc làm. Khi đã hết ngân sách thì các chính quyền địa phương lập ra công ty đầu tư của địa phương để vay tiền ngân hàng của nhà nước ở địa phương nên đã chất lên một núi nợ.

Nghĩa là TQ đang có một núi nợ khổng lồ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào với hậu quả còn nguy ngập hơn những gì đã thấy tại Nhật Bản từ hơn hai chục năm trước, rồi châu Âu và Hoa Kỳ như người ta đã thấy từ bốn năm qua...

Đây là di sản mà thế hệ lãnh đạo thứ 5 đứng đầu là Tập Cận Bình phải gánh vác. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định, thế hệ lãnh đạo mới có khả năng ủng hộ các biện pháp cải tổ kinh tế thận trọng và khó thực thi những thay đổi chính sách triệt để vì đụng chạm quyền lợi của "lợi ích nhóm" đã bén rễ quá sâu từ khối doanh nghiệp nhà nước với các ngân hàng lớn, công ty viễn thông, điện lực và và các công ty độc quyền khổng lồ khác.

Những công ty này hút hết vốn và nguồn lực khác trong khi đáng ra phải chia sẻ với khối tư nhân năng động hơn. Đây chính là những câu hỏi cho học thuyết phát triển mới của lãnh đạo tương lai của TQ: sẽ chia khối doanh nghiệp nhà nước này như thế nào?

Cải tổ hệ thống tài chính để các nguồn cho vay vốn tới được các ngành kinh doanh có lợi nhuận lớn, chứ không chỉ dựa trên mối quan hệ chính trị? Giải phóng ngành ngân hàng để người dân có cơ hội đầu tư và ít ra cũng nhận được khoản lợi tức tiền gửi xứng đáng?... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm lời giải cho học thuyết Tập Cận Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO