![]() |
Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc (TQ) dẫn đầu về giá trị thị trường. Nhiều ngân hàng Brazil và Nga nằm trong nhóm 25 ngân hàng lớn nhất thế giới. Với tốc độ phát triển như hiện tại, ngân hàng Ấn Độ sẽ đuổi kịp các đàn anh này trong vòng 10 năm...
Lâu nay, những quốc gia đang nổi vốn có tiếng là kinh tế bất ổn định và nhiều nợ xấu. Đại diện tiêu biểu nhất về sự phát triển mạnh mẽ của phương Đông là TQ cũng đang phải đối mặt với các vấn đề gay gắt này. Tuy nhiên, nhờ những kinh nghiệm tích góp từ các cuộc khủng hoảng 1997, 2000, các ngân hàng đang nổi cứ như vừa được trang bị giáp sắt cứng cáp, vừa được quấn trong chăn bông dày. Về mặt tài chính, họ dần đáp ứng nhu cầu khách hàng. Không chỉ vừa vặn đủ tiền, mà còn đang phình to và tăng trưởng nhanh chóng.
![]() |
Với vai trò hỗ trợ nhu cầu tăng trưởng tín dụng nhanh của người dân và chính quyền địa phương, những ngân hàng đang nổi có đối tượng khách hàng chính là thị trường nội địa. Họ trở thành nhân tố thúc đẩy kinh tế nước nhà. Theo đó, chính phủ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngân hàng. Tại TQ, ngành ngân hàng tung hoành tự do khoảng một thập kỷ, nhưng đến 2008 - 2009 thì được trực tiếp chỉ đạo.
Tại Brazil, Ấn Độ, Nga, ngân hàng trung ương đạt thị phần cao hơn các đối thủ tư nhân. Vậy nên, hệ thống ngân hàng tại các nền kinh tế đang nổi có nhân tố chủ đạo là ngân hàng quốc gia. Ngân hàng tư nhân và nước ngoài chỉ là điểm xuyến để tạo thế cạnh tranh, nhằm bảo đảm tất cả các đơn vị hoạt động trung thực.
Trong khi những ngân hàng phương Tây trở thành các con nợ khổng lồ, thì nhiều ngân hàng đang nổi đã tiến đến giai đoạn thu gom tiền tiết kiệm toàn thế giới. Để không gặp bất cứ rủi ro tiền tệ nào, việc lưu chuyển những khoản tiền gửi khổng lồ từ nước ngoài thuộc về ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư của chính phủ. Mặt khác, các quản lý ngân hàng đang học tập và tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng lãnh đạo những ngân hàng sẽ có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với các ngân hàng phương Tây lớn nhất hiện nay...
Khủng hoảng chỉ ra hai hình thức ngân hàng tồn tại vững vàng nhất. Một là dạng mạng lưới toàn cầu như Citygroup hay HSBC: có mặt tại hầu hết các quốc gia toàn cầu, tạo sự tiện lợi và dễ dàng cho khách hàng giao dịch rộng khắp. Hai là dạng xâm nhập thị trường sâu như Santander: thành lập nhiều chi nhánh tại một vài thị trường trọng điểm để tạo cảm giác như ngân hàng lớn của địa phương. Cả hai hình thức đều khó có thể tái hiện, vì đó là kết quả của một quá trình mở rộng thị trường lâu dài hàng thế kỷ và xâm nhập thị trường đúng thời cơ...
Tiến ra toàn cầu đòi hỏi sự tích hợp thành công của vô số phát minh và thành tựu. Hiểu được sự thật đó, Ấn Độ tìm cách ứng dụng kỹ thuật giá rẻ, Brazil cung cấp mô hình ngân hàng đầu tư khôn ngoan. Một vài ngân hàng đang nổi lớn nhất thì chinh phục các thị trường nước ngoài gần sát biên giới nước mình. Và theo các chuyên gia kinh tế phương Tây, cơ bản là họ cần tự lực cánh sinh, thoát khỏi nhà nước hoàn toàn...