Thủ tướng Đức Angela Merkel: Đơn đả độc đấu

THÁI BẢO| 15/02/2017 08:50

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang là niềm hy vọng còn sót lại cho những mong muốn về một EU gắn kết. Đây cũng là giai đoạn rất quan trọng đối với tương lai của chính bà.

Thủ tướng Đức Angela Merkel: Đơn đả độc đấu

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang là niềm hy vọng còn sót lại cho những mong muốn về một Liên minh châu Âu (EU) gắn kết. Đây cũng là giai đoạn rất quan trọng đối với tương lai của chính bà. Và để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề trong thế đơn đả độc đấu, bà Merkel đã có những động thái mềm dẻo.

Đọc E-paper

Muôn trùng vòng vây

Tuần trước, bà Merkel đã có chuyến thăm đáng chú ý tới Ba Lan để gặp gỡ những lãnh đạo cấp cao tại nước này. Đây là một trong những nỗ lực điển hình của Thủ tướng Đức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng mà châu Âu cũng như EU nói riêng đang gặp phải.

Báo Đức DW gọi sự kiện này là "chuyến đi mang theo cơ hội cuối cùng" của bà Merkel, nơi trọng tâm sẽ đặt vào những trao đổi với Chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý Jaroslaw Kaczynski, một nhân vật không giữ chức vụ trong Chính phủ Ba Lan nhưng được nhận xét là chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất nước này.

Ông Kaczynski, xét ở góc độ nào đó, cũng là một đại diện cho chủ nghĩa dân túy và làn sóng đặt lợi ích quốc gia làm ưu tiên trên khắp châu Âu. Nhân vật này từng lên tiếng ủng hộ quyết định rời EU của Anh (Brexit), và không ít lần công kích Đức về các vấn đề trong EU.

Kaczynski theo chủ trương đòi quyền lợi, vị thế của Ba Lan trong EU càng lớn càng tốt, và tỏ ra hoài nghi về số phận của Warszawa trong kế hoạch phát triển tương lai của khối. Ngoài ra, đảng Pháp luật và Công lý của ông Kaczynski cũng cáo buộc Đức lạm dụng quyền lực tại EU trong vấn đề phân bổ người tị nạn. Ba Lan vì thế từ chối tiếp nhận người tị nạn đạo Hồi, đẩy gánh nặng về phía các nước còn lại.

Trong khi đó không riêng Ba Lan, nhiều nước trên khắp châu Âu cũng ngán ngẩm với "nhiệm vụ” tiếp nhận người tị nạn và đã dùng biện pháp mạnh để hạn chế người nhập cư. Đa phần vấn đề xuất phát từ áp lực trong nước, với thái độ sợ hãi các vụ khủng bố dẫn tới bài xích. Vì vậy, bà Merkel bất chấp áp lực phải dứt khoát với Ba Lan về vấn đề tự do báo chí - nhân quyền, có nhiệm vụ trấn an Ba Lan tại Warszawa để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, nhất là khi quan hệ song phương giữa Đức và Ba Lan trước đây rất tốt.

>>Châu Âu: Cuộc khủng hoảng mang tên "người tị nạn"

Sau vụ Brexit, hiện nay rất nhiều gương mặt có tư tưởng cực hữu bắt đầu chiếm ưu thế trong năm nay - năm châu Âu diễn ra hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng như ở Đức và Pháp. Cuộc khủng hoảng di cư haytị nạn đã góp phần đẩy phong trào dân tộc tại các nước này lên cao, và người ta đã nói nhiều đến khái niệm "Frexit" (Pháp rời EU) hay Grexit (Hy Lạp rời EU).

Khi không còn những đồng minh quan trọng nhất như Matteo Renzi (Ý), Barack Obama (Mỹ), David Cameron (Anh) và thậm chí Francois Holland (năm nay không tranh cử Pháp), bà Merkel đang phải một mình chống lại tất cả.

Hòa hoãn, chờ thời cơ?

Hôm 9/2, BBC đưa tin bà Merkel chuẩn bị kế hoạch đẩy nhanh tốc độ trục xuất người tị nạn tại Đức. Kế hoạch này có khả năng khiến hàng trăm ngàn người phải rời nước Đức do không đáp ứng được các yêu cầu nhập cư, và bà Merkel dự chi 90 triệu euro cho tiến trình hỗ trợ hồi hương và tái hòa nhập.

Thông tin này hẳn khiến nhiều người bất ngờ, vì trước đến nay bà Merkel nổi bật là lãnh đạo có xu hướng dang rộng vòng tay với người nhập cư. Nhưng điều này, một mặt khiến bà được mệnh danh là "Người mẹ của nước Đức", mặt khác lại khiến bà gặp chỉ trích từ các đảng đối lập trong nước. Các vụ khủng bố ở Đức từ năm 2016 đến nay khiến uy tín của bà Merkel cùng đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) sụt giảm trong sự trỗi dậy của tư tưởng dân túy, cực hữu, nổi bật là đảng Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD).

Để cứu lấy EU, bà Merkel vì thế phải tự cứu mình. Đó có thể là lý do cho thấy nữ chính trị gia 62 tuổi này đang tiến hành một số thay đổi trong cách tiếp cận thời gian qua. Trong đó, bà đã nhắc tới Mỹ và Tổng thống Donald Trump với những luận điệu nhẹ nhàng hơn.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuần trước, bà Merkel khẳng định mối quan hệ tốt dựa trên những giá trị chia sẻ với Mỹ là lợi ích của EU. Ngoài ra, bà Merkel cũng nhận định  rằng các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gặp gỡ và thảo luận về việc tiếp cận với ông Trump, theo The Local.

Mặt khác trong bản tin của Reuters đưa hôm cuối tuần qua, bà Merkel dự kiến tham dự Hội nghị an ninh Munich, nơi bà sẽ gặp Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Đây được xem là cơ hội để bà có những thảo luận sâu hơn với chính quyền của ông Trump.

Một sự cam kết giữa Đức và Mỹ, hoặc Đức và Ba Lan, trong thời điểm này ít nhiều đem lại niềm tin cho EU và người Đức về một sự bình ổn. Đó cũng sẽ là một điểm cộng cho bà Merkel trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ tư ở Đức.

>>Cựu ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đắc cử Tổng thống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng Đức Angela Merkel: Đơn đả độc đấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO