Thị trường lao động Trung Quốc lên cơn sốt

17/04/2010 09:26

Trong khi người lao động Mỹ đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hai con số thì các công nhân tay nghề thấp ở Trung Quốc lại được chào mời những công việc hết sức hấp dẫn.

Thị trường lao động Trung Quốc lên cơn sốt

Trong khi người lao động Mỹ đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hai con số thì các công nhân tay nghề thấp ở Trung Quốc lại được chào mời những công việc hết sức hấp dẫn.

Những người chủ lao động với các tấm biển tuyển nhân công trên một đường phố ở Quảng Châu. Khu trung tâm công nghiệp ven biển của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công do nhiều lao động sau Tết không quay trở lại. Ảnh: Reuters.

Chỉ mới một năm sau khi các nhà máy sa thải hàng triệu công nhân, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Lương tại các nhà máy tăng đến 20% trong những tháng gần đây để thu hút công nhân.

Trong suốt vài tuần qua, một số nhà máy không thể sản xuất kịp tiến độ do không tìm đủ nhân công. Vì vậy họ đang chuẩn bị đóng cửa các dây chuyền sản xuất và cân nhắc đến khả năng tăng lương. Việc này rất có thể sẽ đẩy giá của các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất tại thị trường Mỹ. Tăng lương cũng dẫn đến lạm phát tăng cao ở Trung Quốc.

Nguyên nhân của việc thiếu hụt lao động rất đơn giản: Hàng triệu công nhân di cư sau khi trở về quê ăn Tết âm lịch không trở lại nữa. Bên cạnh đó nhiều việc làm tại các vùng nông thôn được tạo ra nhờ gói kích thích trị giá 500 tỷ USD của chính phủ.

Nhưng nhiều nhà kinh tế học nói rằng cuộc suy thoái toàn cầu cũng che đậy một xu thế sẽ xảy ra trong dài hạn: Trung Quốc đang sử dụng cạn kiệt nguồn nhân lực thất nghiệp rất dồi dào ở các vùng nông thôn và thiếu hụt trầm trọng các lao động mới trong các nhà máy.

Do Trung Quốc không đưa ra các số liệu thống kê chính xác và kịp thời về tình hình thất nghiệp nên mức lương được coi như là thước đo chính xác nhất sự thiếu hụt lao động ở đây. Các nhà máy tạm thời ở Quảng Châu đã tăng lương cho công nhân của mình lên 1,17 USD mỗi giờ, so với 0,95 USD hồi trước Tết. Hai năm trước, khi cuộc khủng hoảng toàn cầu còn chưa xảy ra, con số này là 0,8 USD một giờ.

Tình trạng thiếu nhân lực gây ra cuộc tranh giành dữ dội giữa các chủ lao động mỗi khi có công nhân quay lại thành phố. Tại các trung tâm giới thiệu việc làm của chính phủ tại Quảng Châu, các chủ lao động đến tuyển nhân công thậm chí còn nhiều hơn số người đến tìm việc.

Liang Huoqiao, một công nhân nhựa 22 tuổi đứng lẫn trong nhóm có cả đàn ông lẫn phụ nữ để nghiên cứu danh sách dài dằng dặc những công ty đang tuyển lao động. Anh nói: “Bạn có thể đến bất kì công ty nào và làm việc”

China Daily vừa công bố báo cáo về một cuộc khảo sát đối với các chủ lao động ở tỉnh Quảng Đông. Báo cáo chỉ ra rằng một phần mười hai số công nhân di cư được dự báo là sẽ không quay lại. Các thành phố ở phía bắc dọc bờ biển Trung Quốc cũng đang lâm vào cảnh thiếu thốn nhân lực. Riêng thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang thiếu khoảng một triệu lao động.

Ba năm trước, một khảo sát của chính phủ trên 2.749 làng tại 17 tỉnh thành cho thấy 74% những nơi này không còn một ai có khả năng đi làm tại các nhà máy ở thành phố. Điều này chứng tỏ nguồn nhân lực đã cạn kiệt.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông thông báo rằng họ đang cân nhắc đến việc tăng lương tối thiểu. Con số cụ thể còn tùy vào từng thành phố, nhưng sẽ dao động trong khoảng từ 113 đến 146 USD một tháng.

Nhưng thực ra, ở nhiều nơi người ta đã trả lương công nhân trên mức tối thiểu đó từ lâu. Các công ty rất thận trọng khi tăng lương thêm vì họ không dám chắc rằng việc tăng giá sản phẩm sẽ được các khách hàng của mình chấp nhận. Khách hàng của họ là các nhà nhập khẩu của Mỹ và Châu Âu – những khu vực đang gặp khó khăn về tài chính.

Làn sóng sa thải hàng loạt vào cuối năm 2008 đầu năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạm thời che lấp đi thực trạng thiếu nhân công đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hai xu thế trong dài hạn sẽ làm giảm tỷ lệ người lao động trẻ tới các nhà máy.

Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc đang mở rộng một cách nhanh chóng giáo dục sau phổ thông. Năm ngoái, các trường đại học và các học viện thu hút được 6,4 triệu tân sinh viên - lớn hơn nhiều so với 5,7 triệu năm 2007 và chỉ khoảng 2,2 triệu năm 2000.

Cùng lúc đó, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc lại đang giảm dần kể từ khi nước này áp dụng chính sách “một con” năm 1977. Hậu quả là thực trạng thiếu thốn lao động nhanh chóng quay trở lại trong vài tuần trở lại đây. Điều trớ trêu là tình trạng đó xảy ra đúng vào giai đoạn mà nhu cầu đối với hàng Trung Quốc đang phục hồi ở nước ngoài.

Có rất nhiều việc làm được tạo ra ở Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh chi gần 600 tỷ USD trong hai năm 2009, 2010 để kích thích tiêu dùng. Các dự án của chính phủ như xây dựng đường ray hay đường cao tốc tạo cơ hội cho hàng triệu công nhân. Mức chi tiêu tăng rất nhanh, lượng ôtô bán ra tháng trước tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này tạo ra rất nhiều việc làm trong ngành bán lẻ, khách sạn, nhà hàng và một số loại hình kinh doanh khác trong nội địa.

Ngay từ trước Tết, các công ty cũng đã phải cạnh tranh với nhau nhằm tìm đủ số lượng công nhân cần thiết để duy trì hoạt động của các dây chuyền sản xuất. Ở rất nhiều nhà máy, ngay cả những người quản lý và kĩ sư cũng phải làm việc trong các dây chuyền lắp ráp cho kịp tiến độ công việc trước Tết âm lịch. Nguyên nhân cũng chỉ vì họ quá thiếu lao động. Họ luôn phải đương đầu với những công việc nhàm chán và rắc rối, từ việc sản xuất đồ chơi cho đến các đầu đĩa DVD.

“Những người làm việc ttrong văn phòng như tôi đều bị yêu cầu xuống giúp các phân xưởng. Dĩ nhiên chúng tôi chỉ có thể làm được những việc đơn giản thôi, như đóng gói chẳng hạn”, Sky Niu, giám đốc bán hàng của công ty điện tử Hengjia ở thành phố Đông Quản, cho biết.

Thiếu hụt nhân công không chỉ giúp người lao động có lợi thông qua việc tăng lương. Các giám đốc nhân sự nói rằng họ đã phải từ bỏ truyền thống chỉ thuê người dưới 35 tuổi - giờ đây họ thuê cả những người 40 tuổi và thậm chí già hơn, dù họ vẫn lo ngại rằng những người này không đủ khả năng theo kịp nhịp độ nhanh của các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc trong suốt hàng tuần liền.

Thế giới vẫn đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có học được gì từ khó khăn này không và liệu rằng lần suy thoái sau họ có sa thải nhân công nhanh như vừa rồi hay không.

Han Dongfan, giám đốc của tổ chức “Bản tin lao động Trung Quốc” đặt ở Hong Kong nhận định rằng hệ thống hiện tại không ổn định và không vững mạnh.

Mặc dù làn sóng tăng lương sẽ càng thúc đẩy lạm phát, nhưng cũng có thể mang lại mặt tích cực nào đó. Chính quyền Mỹ đang thúc giục Trung Quốc để cho đồng nhân dân tệ tăng giá so với đồng USD. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi thế khổng lồ về mặt xuất khẩu của Trung Quốc. Tăng lương cũng có ảnh hưởng tương tự, mặt khác cũng làm cho người dân có thể chi tiêu nhiều hơn.

Bà Jing Ulrich, chủ tịch bộ phận vốn cổ đông và hàng hoá Trung Quốc tại công ty J.P.Morgan nói rằng công nhân thì được hưởng lợi từ việc tăng lương, còn những kẻ đầu cơ tiền tệ thì hưởng lợi từ việc đồng nhân dân tệ tăng giá.

Anh Liang, một công nhân nhựa 22 tuổi, hy vọng rằng lương của anh sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới và anh đã lập sẵn các kế hoạch trong tương lai: “Tôi chắc chắn sẽ mua xe hơi rồi mới lấy vợ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường lao động Trung Quốc lên cơn sốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO