Thị trường chứng khoán mới nổi: Vào vùng giá xuống nhưng chưa vội lo

KHẢ HÂN| 24/09/2018 06:00

Với những đợt điều chỉnh mạnh của các thị trường chứng khoán mới nổi như vừa qua, không ít nhà đầu tư cho rằng vẫn có những cơ hội tiềm tàng, đặc biệt tại các nền kinh tế vẫn truy trì vĩ mô ổn định trong khi nhà đầu tư đã phản ứng quá mức.

Thị trường chứng khoán mới nổi: Vào vùng giá xuống nhưng chưa vội lo

Chứng khoán tại các thị trường mới nổi giảm mạnh trong thời gian gần đây

Bị bán quá mức

Chỉ số MSCI Emerging Market Index, một thước đo thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi, gần đây đã giảm trên 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi 26/1, đồng nghĩa đã rơi vào thị trường giá xuống. Điều này là tất yếu khi thời gian qua chứng kiến hàng loạt thị trường chứng khoán mới nổi lao dốc không phanh, như chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt hơn 56% so với mức đỉnh 52 tuần, còn chứng khoán Brazil và Argentina đều lao dốc hơn 30% so với mức đỉnh 52 tuần.

Dù vậy, đà giảm có thể sẽ chưa sớm dừng lại. Theo dự báo của các nhà giao dịch thì tiền sẽ tiếp tục rút ra khỏi các quỹ dựa trên MSCI Emerging Markets Index quanh thời điểm ngày 21/9, khi các hợp đồng quyền chọn và tương lai ràng buộc với chỉ số này hết hạn.

Lần gần đây nhất khi đáo hạn các hợp đồng quyền chọn và tương lai ràng buộc với MSCI Emerging Markets Index diễn ra vào tháng 6, khi đó vốn cũng bị thoái mạnh khỏi các quỹ, đến nỗi quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) lớn nhất dựa trên chỉ số này bị rút 5,4 tỷ USD trong một tháng, mức rút vốn mạnh nhất kể từ năm 2014.

Dữ liệu từ Bank of America Merrill Lynch (BAML) công bố hôm thứ sáu tuần trước cho thấy trong tuần từ 5 - 12/9, đã có 5,6 tỷ USD rút ra khỏi thị trường cổ phiếu, trong đó riêng thị trường mới nổi mất 1,2 tỷ USD. Đối với thị trường trái phiếu, số vốn bị rút ra là 1,6 tỷ USD, mức cao nhất trong 11 tuần qua. Theo BAML, có đến 19 trong số 23 chỉ số thị trường mới nổi hiện nay đang bị bán quá mức.

Vì đâu?

Theo giới phân tích, tài sản tại các thị trường mới nổi đang chịu áp lực bán tháo bởi đồng USD mạnh lên và quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cũng như các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn. Theo báo cáo mới do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/9, thâm hụt thương mại của nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 7 lên mức 50,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với tháng 6, do đó càng khiến Tổng thống Trump phải mạnh tay hơn.

Thêm vào đó là mối lo ngại về khủng hoảng tiền tệ lan rộng tại các thị trường mới nổi đã khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên trong những tuần gần đây, khi cuộc khủng hoảng ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ có những diễn biến leo thang khó lường. Standard & Poors (S&P) gần đây đã hạ bậc xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ hai trong vòng bốn tháng và dự đoán rằng nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.

Dữ liệu từ Bank of America Merrill Lynch (BAML) công bố hôm thứ sáu tuần trước cho thấy trong tuần từ 5 - 12/9, đã có 5,6 tỷ USD rút ra khỏi thị trường cổ phiếu, trong đó riêng thị trường mới nổi mất 1,2 tỷ USD. Đối với thị trường trái phiếu, số vốn bị rút ra là 1,6 tỷ USD, mức cao nhất trong 11 tuần qua. Theo BAML thì có đến 19 trong số 23 chỉ số thị trường mới nổi hiện đang bị bán quá mức.

Cụ thể, S&P đã hạ một bậc tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức B+, mức không đáng đầu tư, do đồng lira suy yếu và mất giá mạnh suốt thời gian qua, trong khi lạm phát và nợ của nước này đều đang ở các mức quá cao. Ngoài ra, hãng xếp hạng Moodys cũng hạ bậc xếp hạng nợ của nước này từ Ba2 xuống Ba3 (không khuyến nghị đầu tư).

Thêm nữa, với việc các thị trường chứng khoán mới nổi trong hai năm qua đã tăng quá mạnh nên tất yếu khi điều chỉnh cũng sẽ giảm mạnh hơn nhiều so với các thị trường khác. Như tại thị trường chứng khoán châu Á dù đang giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng hai năm qua so với các nơi khác trên thế giới, nhưng hầu hết thị trường mới nổi ở khu vực vẫn không thu hút được các nhà đầu tư. Điều này là do một phần các thị trường châu Á vẫn còn khá đắt đỏ, khi mức định giá cho hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á cao hơn chỉ số MSCI Emerging Markets Index.

Trước những rủi ro như trên, các thị trường chứng khoán mới nổi còn trở thành nạn nhân bán khống của các quỹ đầu tư, khiến áp lực sụt giảm càng tăng thêm. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường để quan sát vì không muốn mắc phải lựa chọn sai lầm ở thời điểm này, khiến dòng tiền ở các thị trường mới nổi chỉ chảy theo một chiều đi ra.

Cơ hội chạy đường dài

Dù vậy, với những đợt điều chỉnh mạnh như vừa qua, cũng có không ít nhà đầu tư cho rằng vẫn có những cơ hội tiềm tàng, đặc biệt tại các nền kinh tế vẫn duy trì vĩ mô ổn định trong khi nhà đầu tư đã phản ứng quá mức.

Theo một số chuyên gia phân tích thì mặc dù rủi ro có thể đạt tới đỉnh trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới, và câu chuyện về thuế quan có khả năng trở nên tồi tệ hơn, nhưng đó cũng sẽ là lúc thị trường có thể bắt đầu tích cực trở lại khi mọi yếu tố rủi ro nhất đã phản ánh vào giá và tâm lý nhà đầu tư sẽ trở nên lạc quan hơn, 

Ông Nader Naeimi, Trưởng bộ phận phân tích thị trường thuộc AMP Capital Investors ở Sydney (Úc) cho rằng, thị trường chứng khoán các nền kinh tế mới nổi có thể giảm thêm 10% nữa từ mức hiện nay. Tuy nhiên ông đánh giá: "Khi thị trường giảm thêm, chúng ta sẽ có những cơ hội lớn để mua vào". Trong khi đó, chiến lược gia đầu tư Suresh Tantia thuộc Ngân hàng Credit Suisse ở Singapore bày tỏ, những nhà đầu tư nào cầm cự được với sự biến động hiện nay của thị trường sẽ đến lúc hưởng lợi khi thị trường hồi phục.

Còn Frank Benzimra, Trưởng Bộ phận Chiến lược cổ phiếu châu Á tại Societe Generale SA ở Hồng Kông cho biết, vẫn còn có các cơ hội vào lúc này, nhưng chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực nhất định.

Ông nhận thấy giá trị chủ yếu trong các ngân hàng Trung Quốc và các lĩnh vực liên quan tới tiêu thụ nội địa, vì nhà đầu tư đã "chiết khấu" thông tin xấu quá mức. Riêng đối với các quốc gia như Indonesia, vẫn còn chưa tới "thời điểm chín muồi" để bắt đầu tích lũy cổ phiếu khi rủi ro lan truyền từ các thị trường mới nổi yếu hơn vẫn còn đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán mới nổi: Vào vùng giá xuống nhưng chưa vội lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO