Thế giới phân mảnh

LAM HỒNG| 01/04/2014 09:39

Hàng loạt rào cản thương mại và biến động địa - chính trị khiến toàn cầu hóa đứng trước tình trạng đảo ngược của của toàn cầu hóa"deglobalization" - nhiều nền kinh tế co cụm và thương mại thế giới bắt đầu phân kỳ theo quốc gia và theo ngành.

Thế giới phân mảnh

Hàng loạt rào cản thương mại và biến động địa - chính trị khiến toàn cầu hóa đứng trước tình trạng đảo ngược "deglobalization" - nhiều nền kinh tế co cụm và thương mại thế giới bắt đầu phân kỳ theo quốc gia và theo ngành.

Đọc E-paper

Biểu tình chống khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN

Trong khi thế giới kỷ niệm 100 năm ngày nổ ra Thế chiến I, thì bóng ma chiến tranh vẫn lởn vởn từ Đông sang Tây. Tình hình căng thẳng cũng gia tăng mạnh trong cuộc tranh chấp chủ quyền một số hòn đảo ở biển Đông, khiến mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Tờ Daily Telegraph của Anh cũng nói đến sự trở lại của "bóng ma năm 1914" khi so sánh sự đối đầu giữa Mỹ - Trung Quốc với tình hình căng thẳng giữa Đức và Anh trong thời kỳ trước khi nổ ra Thế chiến I. Trong khi đó, khủng hoảng tại Ukraine lại châm ngòi cho sự đối đầu không khoan nhượng giữa Nga và phương Tây...

Sự đối đầu và những cuộc xung đột giữa nhiều nước nhắc nhở loài người yếu tố địa lý vẫn còn quan trọng, ngay cả trong thời đại toàn cầu hóa. Khi những rào cản địa lý còn tồn tại thì chính trị thế giới chắc chắn không bằng phẳng. Toàn cầu hóa thường được định nghĩa là sự di chuyển tự do hàng hóa, con người và tiền bạc qua biên giới. Nhưng thời gian gần đây, mọi dòng chảy này bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt trả đũa kinh tế, hạn chế đi lại và ngăn cản các dòng tiền đầu tư, cung cấp khí đốt... vì những lý do địa - chính trị.

Trong hai năm qua, tăng trưởng thương mại toàn cầu đã thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Đây là lần đầu tiên xảy ra kể từ Thế chiến II và nó đánh dấu một bước ngoặt trong nền kinh tế toàn cầu với những tác động sâu rộng đối với các nước, các công ty và người tiêu dùng.

Có nhiều lý do giải thích vì sao thương mại toàn cầu đang tăng trưởng chậm hơn so với trong quá khứ. Châu Âu vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ, và các thị trường mới nổi đang tăng trưởng chậm hơn so với tiềm năng thực có. Nhưng một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là nền kinh tế Mỹ đang trải qua một sự thay đổi sâu sắc: Mỹ không còn là thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Các chuyên gia của HSBC trong một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong quá trình phục hồi sau chiến tranh, nền kinh tế Mỹ như một miếng bọt biển khổng lồ, hấp thụ lượng hàng hóa và dịch vụ khổng lồ, thậm chí vượt quá khả năng sản xuất bởi phần còn lại của thế giới. Từ đó, kinh tế Mỹ luôn tăng trưởng trong tình trạng thâm hụt thương mại vượt quá xuất khẩu. Nhưng hiện nay tất cả đã thay đổi: Sau gần 5 năm phục hồi sau khủng hoảng tài chính, thâm hụt thương mại của Mỹ đã thu hẹp lại, giảm khoảng 12% từ năm 2012 đến năm 2013. Nói cách khác, xã hội tiêu thụ kiểu Mỹ đã biết dè sẻn.

Cần phải có một nền kinh tế lớn thay thế Mỹ đảm đương vai trò đầu tàu tiêu thụ của cả thế giới để thúc đẩy sản xuất. Thật không may, không có nước nào làm được điều đó. Châu Âu vẫn còn bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng nợ và dự báo sẽ mất 5 năm nữa để phục hồi hoàn toàn. Các nước đang phát triển nền kinh tế, ở mức độ khác nhau của tình trạng hỗn loạn, đang phát triển với tốc độ bằng một nửa so với trước khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trung Quốc, thị trường sản xuất và tiêu thụ lớn nhất nhì thế giới, đang ở giữa một cuộc khủng hoảng tài chính "có thể làm biến dạng mô hình tăng trưởng" của nước này. Nhật Bản, với kế hoạch mang tên ngài Thủ tướng Abenomics nhằm khuyến khích chi tiêu, vẫn đang ở giai đoạn đầu bước khỏi giảm phát kéo dài nhiều thập kỷ.

Vì thế, hội nhập kinh tế toàn cầu dường như chững lại, ít nhất trong thời điểm này, khiến nhiều nhà kinh tế và chuyên gia thương mại bắt đầu nói về một kỷ nguyên mới của "đảo ngược toàn cầu hoá” (deglobalization) - nhiều nền kinh tế co cụm và hướng nội.

Xu hướng này có một số tác động đáng lo ngại. Tổ chức Thương mại Thế giới cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ "lên ngôi" trong bối cảnh vi phạm sở hữu trí tuệ và các rào cản thương mại mới đang gia tăng. Vì thế, các đàm phán thương mại tự do toàn cầu như Doha, TPP... bị ngưng trệ, thay vào đó là hàng loạt thỏa thuận song phương.

Tuy nhiên "deglobalization" không hoàn toàn xấu. Như Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Washington mới đây, "nó cũng có nghĩa là các công ty đang tìm kiếm mở rộng các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của họ và quyết định xem có nên đưa dây chuyền sản xuất trở lại quê hương".

Tình hình này đã xảy ra ở Mỹ và một nghiên cứu của Boston Consulting Group cho thấy 21% các công ty sản xuất ở Mỹ với doanh số trên 1 tỷ USD đang tích cực trở về Mỹ; 54% nói rằng đang lên kế hoạch tương tự. Liệu dòng dịch chuyển ngược này có tạo thêm công ăn việc làm, tăng lương và qua đó kích thích người Mỹ quay trở lại chi tiêu hào phóng như trước đây?

Một trong những điểm nổi bật của 30 năm qua của toàn cầu hóa là một môi trường dễ kiếm tiền. Nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen cho biết "chúng ta đã đến điểm cuối thời kỳ này", thị trường thế giới sẽ bắt đầu phân kỳ theo quốc gia và theo ngành. Bức tranh kinh tế sẽ biến động hơn và khó dự đoán hơn. Vì thế, theo nữ Chủ tịch FED, "kinh tế thế giới nên chuẩn bị sẵn hành trang để đi một con đường gập ghềnh hơn rất nhiều!".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới phân mảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO